Hạnh phúc và sự an lạc

Thực ra, chữa trị bệnh tật chỉ là một phần trong nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ con người mà ngành y là đại diện. Chăm sóc sức khoẻ con người mới là nhiệm vụ lớn đòi hỏi sự quan tâm của tất cả mọi người.

Bởi vì nếu mỗi người và mọi người có biết cách chăm sóc sức khoẻ của chính mình thì chất lượng cuộc sống mới được bảo đảm ổn định và gia tăng. Chúng ta hiểu rằng, chất lượng cuộc sống là cảm nhận của cá nhân về cuộc sống của mình trong các điều kiện sinh hoạt cụ thể.

Nó là sự thoải mái, thanh thản của cá nhân trong môi trường tự nhiên và xã hội. Nói khác đi, nó là trạng thái thoải mái về thân và an lạc về tâm của cá nhân liên quan đến ý chí và lý tưởng sống của người ấy.

Vì vậy, vấn đề chính là mỗi cá nhân cần phải nhận rõ về thực trạng sức khoẻ của chính mình để có giải pháp tối ưu cho cuộc sống an lạc của tự thân mà không phải người khác hay tổ chức nào khác có thể quyết định. Người khác hay tổ chức khác chỉ có thể làm công tác tư vấn và hỗ trợ về phương tiện vật chất hoặc kỹ thuật chuyên môn.

WHO đã khắc phục được cái khó ấy bằng việc thừa nhận chất lượng cuộc sống là cảm nhận của cá nhân về tự thân, một cái nhìn “rất thoáng” về con người mà theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, đó là một phát hiện mới mẻ và hữu ích không chỉ trong công tác chữa trị và chăm sóc sức khoẻ, trong nghiên cứu khoa học, mà cả trong giám sát và hoạch định chính sách.

Các nghiên cứu khoa học ngày càng có chiều hướng quay về tìm hiểu con người chính nó hay con người như nó đang là và bắt đầu dành cho cá nhân một cơ hội tự quyết, nếu không, vô tình người ta lại thiết đặt thêm một mắt xích mới cho con người bên cạnh vô số các mắt xích khác vốn đã tồn tại rất nặng nề.

Con người là một sinh thể sống động với một nguồn lực nội tâm rất phong phú và đầy tiềm năng, có thể tự vận dụng để chuyển hoá nhiều loại bệnh tật và thực nghiệm hạnh phúc, thế nhưng cuộc sống thường là một chuỗi các quan niệm đặt để đáng buồn. Kinh nghiệm của người này, thậm chí của tập thể nào đó, đôi khi không liên quan gì đến thực nghiệm của người khác.

Có thể nói rằng, đây là cái nhìn rất thực về con người, nhờ đó người ta sẽ chú ý hiểu người khác nhiều hơn và sẽ tìm ra biện pháp hữu hiệu hơn trong công tác chữa trị bệnh tật, chăm sóc sức khoẻ cũng như trong cách giúp cho người khác hạnh phúc.

Chúng sinh nhiều căn tánh, nhiều bệnh tật sai biệt nên cần có nhiều y sĩ tài đức mới có thể giúp cho nhiều người được hạnh phúc. Đức Phật đôi khi được tôn xưng là Đại y vương theo nghĩa Ngài là người hiểu rõ tâm bệnh khổ đau của mọi chúng sinh và đề nghị phương thuốc hoặc cách chữa trị hiệu quả nhất cho từng con bệnh.

Là bậc giác ngộ lớn, sống giải thoát an lạc không ai bằng, nhận trách nhiệm hướng dẫn học trò mình thực nghiệm hạnh phúc an lạc, nhưng Đức Phật rất tôn trọng cảm nhận của người khác. Nhiều bản kinh Pàli cho thấy, mỗi dịp các Tỷ kheo đến thăm Ngài hoặc Ngài chủ động đến thăm chư vị, Đức Thế Tôn thường hỏi xem cảm nhận của các học trò mình trước rồi mới lắng nghe chư vị trình bày các cảm nghiệm của họ trong đời sống cá nhân và đời sống cộng đồng.

Ngài hoan hỷ lắng nghe và trong trường hợp thấy cần thì gợi ý cho các học trò mình một vài phương pháp để học tiếp tục thực nghiệm nhằm nâng cao chất lượng an lạc của cuộc sống.
Mối quan tâm của Ngài về chất lượng cuộc sống của các đệ tử thể hiện ở các câu hỏi: “Các Thầy có được an lành không?” (Kacci, bhikkhave, khamanìyamê?).

“Có được sống yên vui không?” (Kacci yàpanìyamê?).

“Đi khất thực có khỏi mệt nhọc không?” (Kacci pinêdêakena na kilamathàti?).

Hiểu rõ năng lực trí tuệ, khả năng tự điều chỉnh của mỗi cá nhân đối với các vấn đề của bản thân và nhấn mạnh phương pháp tự tri tự độ. Một dịp, các thị dân Kàlàma ở Kesaputta đến thăm Ngài, tỏ ý ngờ vực về các quan điểm và chủ trương mâu thuẫn do các đạo sư đương thời đề xướng, Đức Phật đã chỉ dạy họ thế này:

“Đừng để bị dẫn dắt bởi tường thuật, bởi truyền thống hay bởi lời đồn. Đừng để bị dẫn dắt bởi uy quyền kinh điển, bởi luận lý suông hay bởi suy luận. Đừng để bị dẫn dắt bởi những gì có vẻ hợp lý, bởi thẩm sát hay bởi chấp nhận lý thuyết, bởi lý do thích hợp hay bởi sự kính trọng bậc thầy.

Nhưng khi nào các ngươi tự mình biết rằng những điều này là lợi ích, những điều này không bị khiển trách, những điều này được người trí tán thán, những điều này, khi chấp nhận và thực hiện, đưa đến hạnh phúc an lạc, khi ấy các ngươi hãy chấp nhận thực hành chúng. Ngược lại, hãy từ bỏ chúng”

Chất lượng cuộc sống là cảm nhận của cá nhân về cuộc sống của mình… Vì thế, nó là vấn đề của mỗi người và do chính người ấy quyết định. Trong chừng mực nào đó, nó có thể cậy đến thẩm quyền này hay lời khuyên khác nếu cá nhân đó thấy cần.

Nhưng mọi thẩm quyền hoặc kinh nghiệm sẽ trở nên vô nghĩa nếu nó không giúp cho cá nhân tự nhận diện chất lượng cuộc sống của mình và không phục vụ cá nhân theo chiều hướng gia tăng chất lượng hạnh phúc an lạc của cuộc sống.

Hạnh phúc con người tuỳ thuộc rất lớn vào sức khoẻ của con người, cả về vật lý lẫn tinh thần. Con người mà có thân thể khoẻ mạnh và tinh thần tráng kiện thì cuộc đời mới nở hoa. 

Chắc chắn còn nhiều điều để nói về chất lượng cuộc sống nhờ những nghiên cứu và phát hiện ngày càng sâu sắc về con người của các chuyên gia y học và nhiều ngành khoa học khác. Hiểu biết và kinh nghiệm của con người về tự thân và về cuộc sống còn nhiều hạn chế nên thế giới vẫn còn nhiều ngang trái khổ đau.

Hy vọng cuộc đời sẽ tiếp tục dành cho cá nhân nhiều cơ hội hiểu biết và hỗ trợ hơn nữa trong chiều hướng tự nhận diện và tự chăm sóc sức khoẻ của chính mình. Có như thế thì cuộc sống của con người mới đạt chất lượng cao ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, dù trong thực tế nhân loại trên hành tinh chưa đạt đến một xã hội đại đồng.

-Sưu tầm-

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *