Vì sao chúng ta lại sợ cô đơn?

Ở một thời đại mà con người luôn sống trong các guồng quay công việc và cuộc sống, ở một xã hội là con người ngày càng lười tương tác với nhau hơn, sự cô đơn đang bao phủ rộng lên xã hội của chúng ta.

The Economist and Kaiser Family Foundation (KFF), một tổ chức phi lợi nhuận về sức khỏe của Mỹ đã khảo sát các mẫu đại diện của ba quốc gia giàu có trên thế giới. Nghiên cứu cho thấy 9% người Nhật Bản, 22% người Mỹ và 23% người Anh luôn hoặc thường cảm thấy cô đơn, thiếu bạn đồng hành, hoặc cảm thấy bị bỏ rơi hoặc bị cô lập giữa cuộc sống của họ.

Thực tế, “bệnh dịch cô đơn” đang lan tỏa khắp thế giới, ở mọi lứa tuổi, mọi khu vực địa lý và có xu hướng ngày càng gia tăng. Các thống kê về tỷ lệ cô đơn không có nhiều, tuy nhiên tỷ lệ người sống cô lập đang tăng lên nhanh chóng tại Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam

Ngày càng có nhiều người lựa chọn cuộc sống một mình, trì hoãn hoặc không kết hôn và thu mình lại với thế giới riêng của họ: Hơn 40% người Anh lấy TV và thú cưng là nguồn vui sống mỗi ngày; còn tại Nhật, có hơn nửa triệu người thường ở nhà một mình trên 6 tháng và gần như cắt liên hệ với thế giới bên ngoài. 

Khác với đại dịch béo phì có thể thống kê được quy mô, chẩn đoán dựa trên các xét nghiệm y tế; nhưng cô đơn thì khác, làm sao có thể đo lường được cảm xúc, tình cảm? Khi nào thì chúng ta bị sự cô đơn chiếm hữu cuộc sống?

ĐẶC ĐIỂM CỦA CÔ ĐƠN:

“Cô đơn là cảm giác vô dụng. Khi bạn cảm thấy mình không thích ứng được với xã hội, mọi người không hiểu bạn. Bạn cảm thấy tệ về bản thân mình cũng như cảm thấy bị xã hội chối bỏ”. 

Cô đơn không phụ thuộc vào số lượng bạn bè hay mối quan hệ mà bạn có, mà nó phụ thuộc vào cảm xúc của bạn với những mối quan hệ – bạn có bị cô lập với những người xung quanh hay không? Bởi vậy, ngay cả khi đã kết hôn, vẫn có hơn 60% con người rơi vào trạng thái cô đơn, không thể chia sẻ những suy nghĩ, những tình cảm thầm kín nhất với nửa kia của mình.

Cô đơn nguy hiểm như béo phì hoặc ảnh hưởng tương đương với một người hút 15 điếu thuốc mỗi ngày. Đặc biệt, bất kể bạn có bao nhiêu tiền, bạn cũng chẳng thể chống lại sự cô đơn.

Cô đơn không giống với việc ở một mình, nó đến từ các yếu tố tâm lý cá nhân đang tồn tại trong mỗi con người. Cụ thể hơn, con người thường tự dựng lên các rào cản tâm lý để thích nghi với môi trường sống, tuy nhiên, chính rào cản này có thể dẫn đến cảm giác cô lập, thậm chí là trầm cảm.

Chẳng hạn như, một người cha/mẹ nóng tính thường có thể dẫn đến việc con cái giữ im lặng và sống nội tâm để tránh sự thu hút. Hoặc việc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng lên con cái làm cho chúng cảm thấy ngột ngạt, không thể chia sẻ, chính những điều này đã vô hình xây dựng lên khoảng trống “chỉ có một mình” trong mỗi đứa trẻ.

Khi trưởng thành, những những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ khiến chúng ta luôn giữ thái độ thận trọng khi tiếp xúc với người khác. Bên cạnh đó, chúng ta còn có khuynh hướng tự chỉ trích bản thân, giảm lòng tin vào người khác và chính mình, tạo vỏ bọc độc lập với xã hội.

Ngoài ra, môi trường sống cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến sự cô đơn:  Công việc áp lực dễ làm chúng ta mệt mỏi, stress và không có mối quan hệ tích cực với đồng nghiệp. Chính nó cũng là cũng làm nguyên nhân mối quan hệ gia đình trở nên xa cách. Việc sử dụng mạng xã hội thường xuyên khiến chúng ta ít tương tác thực tế với bạn bè hơn, xây dựng một hình ảnh hoàn hảo của mình trên thế giới ảo làm xã hội ít hạnh phúc hơn,…

CÔ ĐƠN ĐÁNH BẠI CẢM XÚC CON NGƯỜI

Theo Psychology Today, khi cảm thấy cô đơn, hệ thần kinh sự tự động chuyển sang chế độ “tự vệ” khiến con người thu mình lại, mài mòn cảm xúc, cư xử thô lỗ ngay cả khi không có mối đe dọa thực sự nào xung quanh. Sự cô đơn với lớp vỏ bọc cách biết với thế giới khiến con người hành xử như thể không – cần – bất – cứ – ai hoặc tự xa lánh mọi người, tránh né với cuộc sống và sống với nội tâm của chính mình.  Dần dần, chính sự cô đơn này khiến nhiều người trầm cảm. 

Năm 2015, một phân tích tổng hợp do Julianne Holt-Lunstad thuộc đại học Brigham Young để phát hiện ra rằng, những người được phân loại là cô đơn có nguy cơ tử vong cao hơn 26% so với người bình thường. Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi Tiến sĩ Dhruv Khullar làm việc tại Đại học Y Weill Cornell Medicine (New York, Mỹ) cũng cho biết việc cô lập với xã hội có thể khiến một người bị gián đoạn giấc ngủ và suy giảm nhận thức nhanh chóng, tiến triển nhanh đến bệnh Alzheimer.

Hàng loạt các nghiên cứu khác về cô đơn cũng cho thấy rằng, cô đơn là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều vấn đề sức khỏe khác như đau tim, đột quỵ, ung thư, rối loạn chức năng ăn uống, suy giảm hệ thống miễn dịch,…

ĐỪNG ĐỂ CÔ ĐƠN ẢNH HƯỞNG ĐẾN BẠN

Tỷ lệ cô đơn ngày càng cao bất chấp thu nhập, tuổi tác hay tình trạng sức khỏe. Thâm chí, tại nhiều quốc gia trên thế giới, rất nhiều chiến dịch chống cô đơn được triển khai. Tuy nhiên, điều quan trọng để thoát khỏi cô đơn là xuất phát từ chính những người trong cuộc.

Hãy bắt đầu bằng việc nhận thức được nguyên nhân khiến mình cảm thấy cô đơn và những ảnh hưởng tiêu cực của nó. Sau đó, tự chữa lành cho bản thân bằng cách đối xử thật tốt với chính mình, làm những điều mình thấy hứng thú nhất, khiến bản thân mình hạnh phúc và tự hào.

Đi xem phim, ăn món ăn yêu thích, shopping hay đơn giản là đọc sách và lắng nghe những bản nhạc yêu thích cảm nhận sự thư giãn. Đừng quên dành thời gian để chia sẻ với mọi người, tham gia những câu lạc bộ cùng sở thích, tìm lại những người bạn cũ, đăng ký các hoạt động tình nguyện,… và đặc biệt hãy mở lòng để chia sẻ, lắng nghe và được yêu thương.

Khi bạn đã sẵn sàng đối mặt và tự tin với chính mình, thì dù có ở một mình, muốn đi nhanh hay muốn đi xa cùng nhau cũng không còn là vấn đề đáng lo ngại phải không?

*Tâm lý học ứng dụng

Steppe

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *