Vì sao khi nhìn lâu vào một từ, ta bỗng cảm thấy lạ lẫm?

Bạn đang say sưa ngồi đọc một cuốn sách hay, bỗng nhiên một thoáng mất tập trung xảy đến khiến bạn phải ngồi đọc lại đoạn văn trước đó để lấy lại mạch đọc. Đang nhìn chằm chằm vào các từ ngữ quen thuộc, bỗng nhiên bạn cảm thấy chúng thật lạ lẫm. Cứ như những từ ngữ đó không còn là chính nó vậy.

Có hiện tượng tâm lý nào khiến cho từ ngữ bỗng trở nên lạ lẫm như vậy?

1. Việc đọc là một phần của “sự suy luận vô thức”

“Sự suy luận vô thức” (unconscious inference) là khái niệm được đề xuất lần đầu vào thế kỷ 19 bởi nhà vật lý Hermann Helmholtz. Nó cho rằng trực quan của con người là không hoàn chỉnh, mà não bộ sẽ vô thức suy luận những thứ đôi mắt nhìn thấy để tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh. Quá trình này đã xảy ra không ngừng nghỉ từ khi chúng ta sinh ra.

Một ví dụ cho sự suy luận vô thức là việc não bộ có xu hướng nghĩ rằng Mặt Trời di chuyển – mọc lên và lặn xuống. Tuy nhiên trên thực tế, một sự thật hiển nhiên đó là Trái Đất di chuyển xung quanh Mặt Trời, còn Mặt Trời thì đứng yên.

Khi chúng ta đọc và tiếp nhận ngôn ngữ, bộ não đang ở trong trạng thái suy luận vô thức. Tuy nhiên, khi nhìn lâu và đọc đi đọc lại một từ, trạng thái này bị gián đoạn. Não bộ sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về sự “có nghĩa” của từ đó.

Những câu hỏi đó khiến chúng ta không còn nhìn nhận những từ ngữ thành một tổng thể có ý nghĩa, do đây là thứ não bộ không thể suy luận. Đây cũng chính là thời điểm khiến ta thấy rằng những từ ngữ này đang trở nên lạ kỳ.

2. Bản chất của ngôn ngữ khi được bóc tách đã là một sự vô nghĩa

Ngôn ngữ thực chất bao gồm những ký hiệu vô nghĩa và những tiếng động kết hợp với nhau thành một hình thức cụ thể để truyền tải thông tin. Thế nhưng, vì đã quen thuộc với ngôn ngữ, chúng ta không thực sự nhận ra nó ngẫu nhiên và kỳ lạ thế nào.

Suy cho cùng, ngôn ngữ tồn tại và hữu dụng vì đó là thứ mà tất cả chúng ta đều đồng ý là có nghĩa. Khi tiếp nhận ngôn ngữ, chúng ta tiếp nhận sự tổng hòa của các yếu tố cấu thành ngôn ngữ đó, chứ không tiếp nhận từng yếu tố một cách riêng lẻ.

Vì vậy, khi đọc một từ, chúng ta không đọc từng chữ cái mà đọc cả một cấu trúc. Tuy nhiên, khi nhìn chằm chằm vào một từ trong thời gian dài, cấu trúc từ sẽ bị phá vỡ vì não bộ nhìn từng chữ cái một cách riêng lẻ. Đó là lý do vì sao từ ngữ bỗng trở nên lạ lẫm.

Lần tới khi các bạn đọc sách và bỗng nhiên cảm thấy câu chữ trở nên kỳ lạ, hãy thử tạm ngừng việc đọc một chút. Não bộ sẽ thoát ra khỏi sự “chập mạch” của nó sớm thôi.

-Sưu tầm-

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *