Sống thật

Nhu yếu làm đẹp lòng nhau đã khiến cho người ta ngày một cách xa hơn với sự thật. Những màn trình diễn luôn xảy ra trong những mối quan hệ sơ giao, những lần gặp gỡ vội, khiên cho đối tượng tiếp xúc luôn có một ấn tượng tốt về mình. Tất nhiên khi ta mặc một bộ đồ tươm tất để đi gặp một nhân vật quan trọng thì đó là thái độ biết tôn trọng kẻ khác. Ta gọi đó là văn hóa.

Nhưng điều đó sẽ trở thành thứ văn hóa che đậy nếu trong ta chỉ nhắm tới mỗi mục đích để người kia đánh giá cao hay có thêm thiện cảm với ta thôi. Cái quyền lợi ích kỷ được che đậy bởi cái hình thức tử tế mà đôi khi chính ta cũng tưởng lầm mình đang vì kẻ khác.

Văn hóa là lối sống làm cho con người tốt hơn và đẹp hơn. Nhưng cái tốt và cái đẹp nếu không đi chung với cái chân thật, như bộ ba không thể tách trời chân-thiện-mỹ, thì cái đó chỉ làm một thứ trang sức hời hợt. Nghệ thuật “đắc nhân tâm” có thể tạo nên hương vị mặn nồng và trôi chảy giữa các mối quan hệ gần xa trong xã hội, nhưng nếu không cẩn trọng thì nó chính là cái bẫy sập để cho ta tự đánh mất chính mình.

Thói thường người ta rất dễ bị thu hút bởi những lời nói ngọt lịm, trau chuốt và đầy lễ độ. Cho nên để được thang điểm cao trong mắt người khác, ta đã không ngần ngại và có khi phải cố gắng để nặn ra những điều cho thật phù hợp với suy nghĩ hay sở thích của đối phương, trong khi lòng ta trống rỗng, vô vị hay hoàn toàn tương phản.

Bây giờ người ta còn chế ra “lời nói có cánh” để tặng nhau như một món quà thượng hạng. Đúng là ta sẽ sung sướng và ấn tượng sau cái lần gặp gỡ được người kia ban tặng cho những lời mà chỉ có trong mơ hay cõi thần tiên mới có. Người trao không chủ động được lý trí để chịu hết trách nhiệm cho lời nói tựa gió bay, người nhận cũng bị lây nhiễm cảm xúc đó nên cũng không còn định thần để phân biệt lời nói ấy thật lòng hay đưa đẩy cho vui.

Chính xác là người kia muốn ta vui nên họ đã mạnh dạn nói thế, còn trong lòng họ có nghĩ như vậy không, hay họ có làm được như vậy mãi không thì không cần phải truy cứu. Vì những kẻ đang bị mộng du trong tình yêu thường cần cảm xúc hơn là sự thật. Người ấy muốn ta vui để làm gì? Có thể khi thấy ta vui thì người ấy sẽ vui, nhưng cũng có thể nếu ta được vui thì ta sẽ tìm cách làm cho người ấy vui. Như vậy đâu phải là vì nhau.

Thực chất của cái ấn tượng tốt mà người ta thường muốn để lại trong các mối quan hệ chính là sự trao đổi cảm xúc, người kia cho ta một cảm xúc tốt nên ta cũng cho lại một cảm xúc tốt. Nhưng nếu một quan hệ mà chỉ trao nhau những cảm xúc tốt thôi thì nó chỉ quý mến hay thương yêu. Có khi đã là vợ chồng nhiều năm mà bên kia vẫn chưa hiểu được bộ mặt thật của mình như thế nào nữa, vì mình rất có tài che đậy.

Nhưng rồi ngày mai khi mặt trời mọc thì người kia cũng phát hiện ra, vì đâu phải lúc nào ta cũng đủ sức để ngụy trang mãi được. Không phải vì hoàn cảnh trái nghịch, mà chính ta đã không còn đủ năng lượng để tiếp tục diễn xuất. Ta đã mệt mỏi và cần sống thật với chính con người mình. Điều tồi tệ luôn xảy ra sau những lần thoát vai là không những người kia bị sụp đổ mà chính ta cũng không tìm thấy được con người thật của mình nữa.

Đó là một bi kịch. Ta đã làm một cuộc hành hương quá xa nên khi trở lại căn nhà xưa ta không tìm được chiếc chìa khóa để mở cánh cửa bước vào. Ta lóng ngóng đứng trước căn nhà thân và tâm của mình mà như một kẻ xa lạ từ phương nào mới tới. Ta không biết mình đã từng nói gì, đã từng làm gì, đã từng suy tư cái gì mà có được một đời sống bình yên, thảnh thơi và hạnh phúc như những ngày xưa…

Đâu phải có ít kẻ trong nhân gian này đã khóc ngậm ngùi khi không tìm thấy con người chân thật của mình. Cái giá quá đắt phải trả cho những lần đổi chác mạnh tay với cuộc đời mà không ai được thần linh dự báo. Có khi loanh quanh cả trăm năm trong trời đất mà họ cũng không tìm ra cái tinh khôi đã lạc mất trong một trận giông bão cuồng điên của thời niên thiếu. Không có cái tinh khôi hồn phách thì làm sao có thể sống, có thể yêu thương. Thật thê thảm!

Dù ta có muốn tiếp tục những vai diễn cuộc đời cho quên hết những sự thật đang phơi bày giữa cõi lòng thì ta cũng không thể nào trốn tránh mãi được, đêm đêm ta vẫn phải một mình đối diện với nó. Rượu, các chất gây nghiện khác hay bao cuộc vui rồi cũng sẽ tan; người đến rồi cũng trở về với chính họ thôi. Lúc ấy ta mới thấy mình đáng thương tội nghiệp tới dường nào. Thương cho cái nhận thức sai lầm, tưởng rằng sự vay mượn giả tạo có thể che đậy được những bế tắc khổ đau hay những ước vọng sâu thẳm cả đời.

Rồi cuối cùng ta cũng phải hồi hương, rồi ta cũng phải trở về với chính ta. Đừng đợi đến lúc nằm trên giường bệnh, không còn vùng vẫy được nữa, ta mới ăn năn hối tiếc vì phải đối mặt với bóng tối quá lớn của chính mình thì hãi hùng lắm. Ta sẽ bàng hoàng trước khả năng lừng lẫy của dòng cảm xúc, sẽ bất ngờ với những tính nết độc hại hay những ý niệm điên cuồng đang hiện hữu trong ta. Ta giờ như căn nhà hoang tan đổ nát, nhìn đâu cũng trống trơ, dù không cam tâm cũng đành chịu, chứ không còn dám dựa dẫm vào đâu khác.

Ta hãy ý thức lại đời sống của mình trong thời gian qua và kiểm tra lại mình vẫn còn là chính mình hay đang miệt mài trên con đường tha hóa. Ta vẫn còn kịp. Mỗi ngày hãy tự soi mình trong gương thật lâu để ta còn cơ hội nhìn lại con người hiện tại của mình. Sau lớp phấn son ấy, sau bộ đồ chỉnh chu ấy, sau bộ mặt nghiêm nghị thần thái ấy, ta la ai? Hãy hỏi như vậy nhiều lần và tìm cho ra câu trả lời từ sâu thẳm trái tim. Và hãy nở nụ cười thật tươi nếu ta vẫn còn tiếp xúc được chính mình.

Ta cũng nên có vài phút trong ngày để ngồi nghĩ lại mình, nhìn lại từng hành vi cử chỉ của mình trong từng quan hệ dù thân mật nhất, để thấy được trong sự thật của chúng có bóng dáng của sự trá hình không? Nếu phát hiện đã có trong những trường hợp bất khả kháng hay chưa chủ động nhớ ra thì ta cũng nên tự hối với lòng, hứa lần sau sẽ vượt qua mà không để thất bại như lần đó nữa.

Nhiều lần tự thanh lọc chính mình như vậy sẽ tập cho ta thói quen mới, sống thật. Tại vì chỉ có sống thật mới có thể đem lại cho ta một đời sống bình an, hạnh phúc và tự do chân thật. Chỉ có sống thật mới có thể nuôi dưỡng cho những liên hệ tồn tại vững bền. Mọi sự vay mượn hay giả tạo đều sẽ tan biến trong một sớm một chiều như sương như khói.

Và chỉ khi nào ta thấy được sự sống chỉ có ở vùng trời chân thật thì ta mới đủ sức để làm quyết định quay về, bởi dòng đời luôn giăng đầy cạm bẫy và cuốn hút mãnh liệt. Quay về là một công trình luyện tập, chứ không phải muốn la làm được ngay. Ta phải chấp nhận có những cái chạm trán bất ngờ hay những vấp váp trong buổi luyện tập ban đầu, đứng trước sự chọn lựa giữa cái mới và cái cũ, giữa sống thật hay che đậy.

Tất nhiên là vì nhu yếu cân bằng xã hội ta cũng đừng nên lập dị mà thiếu tôn trọng người khác, cố tình làm mất nhân tâm. Điều quan trọng là ta phải tỉnh thức để nhận diện và quan sát từng dòng cảm xúc và tư tưởng của mình. Ta sẽ phát hiện ra những ẩn ý sâu kín sau những câu nói và hành động của mình. Nếu phát hiện có một sự giả dối trong đó thì ta nên tìm cách ngưng ngay, cương quyết không để tiếp tục đánh mất chính mình chỉ vì vài phút giây làm vừa lòng cảm xúc.

Ta hãy can đảm đối diện với sự thật, sống với sự thật. Có thể ta vẫn chưa quen và thậm chí nhiều người trong xã hội cũng không quen. Hãy nhân danh sự hiểu biết và thương yêu mà ta kiên trì bám lấy đời sống thật để nhắc nhở mọi người cùng làm theo. Hãy trả lại cho cõi đời đáng yêu này sự thật đúng y như bản chất của nó, có như thế thì ta mới còn niềm tin vào hạnh phúc và tình thương không phải là ảo mộng. Hãy giúp cho thế hệ tương lai môt con đường xán lạn, nơi ấy không còn bóng dáng của những âm u…

Minh Niệm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *