Nếu bạn đã từng ngắm nhìn một con suối chảy, bạn sẽ hiểu và cảm nhận được trạng thái dòng chảy sẽ như thế nào. Từng luồng nước mềm mại và thoăn thoắt len qua từng viên – tảng đá nhỏ to. Sức mạnh của đá không thể chống lại sức mềm và sự linh hoạt của nước. Vì thế, ta cảm giác nước chảy thật thản nhiên, chảy một cách bản năng, không cần một chút cố gắng nào.
Và thế, ta bắt đầu nhận ra rằng khi một người sống tỉnh thức, họ sẽ trải nghiệm trạng thái dòng chảy này. Chảy và biết mình chảy. Đó là một trạng thái không tâm trí (no-mind), một trạng thái thản nhiên vô tư lự khiến người xung quanh dường như cũng được ảnh hưởng bởi nguồn năng lượng thật trong suốt và tĩnh tại ấy.
Trạng thái dòng chảy cũng được thể hiện khi một ai đó tập trung thật say mê vào công việc sáng tạo của họ. Một nghệ sĩ chơi đàn piano. Một họa sĩ đang vẽ một bức tranh. Một nhà điêu khắc đang nặn một bức tượng, hay một nghệ nhân đang đan lát.
Họ hoàn toàn cộng hưởng vào công việc ấy, và như Lão Tử đã có thuyết vô vi, làm mà như không làm. Làm mà như chơi, và chơi ở đây là thật sự tận hưởng, không một chút nghĩ suy toan tính gì. Ta thường hay gọi trạng thái này bằng từ dễ hiểu hơn “phiêu”: Anh ta phiêu trong cách hành văn của mình, anh ta phiêu trong từng nốt nhạc, anh ta phiêu trong từng nét cọ.
Và thế, khi ai đó đạt đến trạng thái dòng chảy, ta cảm giác như tác phẩm của họ cũng như đang múa nhảy trong ta, vì “no-mind” có tính cộng hưởng một cách mạnh mẽ. Nó luồn lách từ chỗ này đến chỗ kia và đi đến chỗ lan tỏa một sức mạnh thật khủng khiếp.
Chẳng hạn, khi bạn nghe bản ”prelude and nostalgia” của Yanni, bạn mới cảm nhận được một điều thật sự rõ rệt rằng trạng thái dòng chảy của người nghệ sĩ ấy đã có sức ảnh hưởng đến năng lượng trong bạn.
Tâm trí của bạn bắt đầu phiêu lưu trong trạng thái dòng chảy ấy, không mảy may một suy nghĩ xuất hiện trong đầu. Bạn múa nhảy, và bắt đầu cảm nhận sự thăng hoa như chính những vần thơ và điệu nhảy xoay tròn của thi hào Rumi.
Tôi nhận ra, điểm giống nhau của 100 nhân vật này là bất cứ khi nào làm gì (đọc sách, nghiên cứu,…) họ đều chú tâm say sưa vào quá trình ấy, giống như dòng suối chảy vậy, tức là không hề có một sự gián đoạn nào xảy ra bất chấp ngoại cảnh.
Trạng thái dòng chảy – “Flow state” là thuật ngữ được Mihály Csíkszentmihályi, nhà tâm lý học Hungary định nghĩa nhằm mô tả trạng thái tập trung hoàn toàn nhưng mang tính bản năng và thản nhiên của con người vào một điều gì đó.
Như dòng nước chảy, trạng thái ấy thể hiện nguồn năng lượng tĩnh tại và an nhiên, chứ không phải sự gò ép hay cố gắng đầy khó nhọc. Giống như Marie Curie, khi đọc sách, bà đọc một cách mê say nhẹ nhàng đầy bản năng, khiến người ngoài nhìn vào phải ngạc nhiên và thèm thuồng.
Mihály Csíkszentmihályi đã đi sâu nghiên cứu trạng thái này thông qua cuốn “Beyond Boredom and Anxiety: Experience Flow in Work and Play”. Ông nhận ra, ở các lĩnh vực như thể thao, trò chơi, sáng tạo,… thì khả năng rơi vào trạng thái dòng chảy rất cao. Đó là một trạng thái thản nhiên vô tư lự khiến người xung quanh cũng như được cộng hưởng bởi tần sóng ấy.
Trong các cuộc trò chuyện với những người họa sĩ, tôi được biết rằng, khi sáng tác, họ tập trung một cách cao độ và nếu không may bị giãn đoạn thì việc tìm lại cảm xúc cũ sẽ ít nhiều bị bế tắc. Vì thế, họ sẽ luôn phiêu hết mình trong họa phẩm đó ở một thời điểm nhất định.
Riêng những người quen làm việc trên các bức tranh khổ lớn, họ phiêu theo sự sắp xếp công đoạn vẽ một cách đầy bản năng. Thế nhưng, vẫn sẽ có nhiều trường hợp ngoại lệ khác. Nhưng cuối cùng thì, điểm chung vẫn là, trạng thái dòng chảy dường như quyết định đến chất lượng của họa phẩm ấy.
Bởi bạn thử hình dung xem, nếu một người họa sĩ vừa vẽ vừa bị gián đoạn bởi những tin nhắn trên Facebook hay những cuộc gọi thì liệu, anh ta có cháy hết mình với đứa con cưng của mình hay không? Những nét cọ hay câu chuyện sẽ ít nhiều có sự gián đoạn theo cái gián đoạn nội tâm của tác giả.
Và chắc chắn, một người thưởng tranh (chuyên nghiệp) sẽ đánh giá được trong quá trình vẽ, nghệ sĩ thật sự phiêu hay không phiêu, thật sự chú tâm hay mắc kẹt. Bởi nghệ thuật giống như một tấm gương phản chiếu tâm hồn nghệ sĩ, hơn hẳn thế, tâm hồn của khán giả. Và như bất cứ vật thể nào khác, một bức tranh thực chất là năng lượng. Một người nhạy cảm sẽ biết được năng lượng ấy phản ánh điều gì.
Trong cuốn sách “Eat, Pray, Love” (Ăn, cầu nguyện và yêu), tác giả Elizabeth Gilbert ví tâm trí con người giống như con khỉ, không bao giờ chịu đứng yên một chỗ. Nếu con khỉ chuyền từ cành này sang cành khác thì tâm trí con người lúc thì đi về quá khứ lúc thì đi đến tương lai, với rất nhiều cảm xúc lo lắng, hối hận, đổ lỗi,…
Chúng ta ít khi chịu có mặt trong hiện tại và tận hưởng trạng thái “ở đây, bây giờ”. Bởi vậy, khi người họa sĩ phiêu trong từng nét cọ, họ đã biết chánh niệm, đã biết rơi vào trạng thái không tâm trí để giữ cho lòng mình trong sáng và tĩnh tại. Đó là một trải nghiệm thật đáng quý, đặc biệt trong thời đại công nghệ hôm nay, con người dường như càng thêm xao nhãng bởi những hấp dẫn lôi cuốn của laptop, điện thoại….nơi những phương tiện giải trí kết nối mời gọi tính tham sân si hỷ nộ ái ố một cách dễ dàng.
Trạng thái dòng chảy này giúp cho ta tách biệt ra khỏi những xô bồ để hướng về nội tâm bên trong, có mặt với những vận động kín đáo và riêng tư ấy, rồi từ đó bộc lộ chúng lên tấm toan trống không.
Một trong những danh họa biểu hiện rõ nét cho trạng thái dòng chảy này chính là Vincent Van Gogh. Khi còn sống, chính Van Gogh nói rằng các bức tranh có cuộc sống riêng của chúng, bắt nguồn từ linh hồn của họa sĩ. Ông nhấn mạnh khi nghe thấy một tiếng nói cất lên trong tâm khảm, nhưng bạn không phải họa sĩ, thì bằng mọi cách hãy vẽ, tiếng nói ấy sẽ phải lặng.
Chính vì thế, cả cuộc đời, Van Gogh chìm trong trạng thái dòng chảy của hội họa. Ông vẽ theo tiếng gọi bên trong mình, vẽ cái đẹp cuộc đời, nhưng với ông, xung quanh tất thảy đều là cái đẹp, và thế, ông đã vẽ cuộc sống rộng lớn này.
Cuộc sống rộng lớn của ông là những bông hoa, căn phòng ông ở, cánh đồng…. dung dị vậy thôi, nhỏ bé vậy thôi nhưng về ý nghĩa thì bao la vô cùng. Trạng thái dòng chảy đó khiến nỗi đau của Van Gogh dường như không làm chủ ông được nữa, chí ít là lúc ông đang vẽ.
-Sưu tầm-