Chân lý là tôn giáo cao nhất

Trải qua nhiều thời đại, con người đã phấn đầu để tìm hiểu những hiện tượng xung quanh mình, cũng như sự thật về bản thể của chính mình cùng với vị trí của mình trong vũ trụ.

Lòng ham hiểu biết biểu hiện bằng những cách thức rất đơn giản, chẳng hạn như muốn tìm hiểu đằng sau một đêm giông tố với sấm chớp có cái gì (kết quả là có những thần thoại và huyền thoại về Thần linh vĩ đại Thor hoặc Indra, vua của các thần linh, thả những con bò cái ra khi chúng bị những kẻ chống lại thần linh giam giữ trong đám mây); hoặc có những thắc mắc căn bản hơn về việc đâu là điều thực tế và vĩnh hằng, và tại sao lại có đau khổ.

Nếu không có những cuộc thăm dò và suy ngẫm này thì con người ắt không còn là con người nữa mà trở nên giống như những tạo vật chỉ dấn thân vào việc sống còn trên cõi trần và lợi dụng tối đa tình huống thê thảm trong một thế giới mà mình không thể hiểu nổi.

Mặc dù có vô số toan tính để giải đáp thắc mắc ‘Đâu là sự thật?’, nhưng chưa bao giờ có một lời giải đáp thỏa đáng. Mặt khác, có vô số những cuộc tranh cãi thê thảm và xung đột bắt nguồn từ đủ thứ lời rêu rao đầy giáo điều là mình biết được sự thật. Chẳng mấy ai chú ý tới những vị Đạo sư tuyên bố rằng sự thật là không thể nghĩ bàn, vì thế cho nên không ai có thể khẳng định rằng ý kiến của chính mình hoặc của những vị lãnh đạo tôn giáo đã được chọn lựa mới là sự thật.

Bà Blavatsky, một trong hai vị Sáng lập Hội Thông Thiên Học có nói về tuyệt tác của mình rằng, nó không chứa đựng sự thật mà là chỉ hướng đến sự thật, vốn là tất cả điều mà bất cứ người nào hoặc quyển sách nào cũng có thể làm được.

Khi tiếp cận với con đường dẫn tới sự thật thì ta thấy minh triết có thể ở nơi việc hiểu được mối quan hệ của nó với điều bí nhiệm to lớn về Sự Sống. Những khảo cứu về khoa học đang liên tục minh định rằng trong cả cái lớn lẫn cái nhỏ, trong hạt nguyên tử nhỏ nhất cũng như không gian mênh mông nhất của vũ trụ đều có một yếu tố bí nhiệm, một bí mật ẩn tàng mà cái trí con người không thể với tới được. Cách đây nhiều thập niên, một nhà khoa học là Edmund W. Sinnott có viết rằng:

“Nếu ta biết điều gì khiến cho một cây thông tăng trưởng từ một hạt giống cây thông mà vẫn cứ chính xác là một cây thông, trải qua mọi thăng trầm của lịch sử trải nghiệm thì ta có thể tiến gần tới việc biết Sự Sống thật sự là gì?”

Nhưng lý do của Sự Sống vẫn thoát vòng nắm bắt của mọi toan tính của những đầu óc lỗi lạc và ưu tú nhất nhằm lĩnh hội trọn vẹn được nó. Một câu hỏi sẽ có giải đáp dường như xuất lộ củng với nó khi đã thoáng thấy được những thâm sâu và chiều kích còn huyền vi hơn nữa, thì chuyện này còn xa với lắm. Tại sao rễ của cây phong lữ bị cắt đi lại không tăng trưởng vô hạn mà chỉ tăng trưởng cho tới khi có tỉ lệ rễ bình thường mọc ra đến mức phục hồi rồi thôi?

Thật là một phép lạ khi cái nụ nhỏ xíu mà lại biết lúc nào dừng lại và phải làm đến đâu, có một lực huyền bí bên trong vũ trụ duy trì sự thăng bằng chính xác không thể tin được giữa các lực đối nghịch chẳng hạn như lực hấp dẫn làm co rút lại và lực bành trướng! Làm thế nào mà những điều như vậy lại xảy ra và vận hành trong một tổng thể phối kết như vũ trụ?

Chỉ thoáng nhìn vào một phần nhỏ xíu của cái điều bí nhiệm bao la ấy về Sự Sống ắt cũng là sự thật rồi, nhưng dĩ nhiên đó không phải là toàn bộ Sự Thật. Việc thấy thực chất của bất cứ khía cạnh nào của Sự Sống – không phải như các giác quan và tâm trí hạn hẹp của ta, các quan niệm tiên kiến và quan niệm sai lầm của ta trình bày ra – mới chỉ là bắt đầu cuộc hành trình.

Sự Sống có vô vàn chiều kích và điều tinh vi. Nó thật năng động, sáng tạo và phong phú. Chân lý vốn phát hiện ra vẻ đẹp, ý nghĩa và bí nhiệm của Sự Sống, tất yếu cũng vô hạn, tất yếu phải tinh vi và năng động, phải là một sự ban phước vô song.

Có nhiều bậc hiền triết giác ngộ đã tuyên bố một khía cạnh Sự Thật về Sự Sống: Sự Sống bản thể là nhất như, không phân chia được. Vì thế cho nên Sự Thật vốn nhất như. Kinh điển của Ấn giáo có tuyên bố rằng: “Sự Thật vốn nhất như, nhưng các bậc hiền triết nói tới nó theo đủ mọi cách khác nhau”. Trong các sách vở tôn giáo khác ta cũng có thể thấy những giáo huấn tương tự.

Sự Sống bản thể tồn tại ở bất cứ dạng nào – nơi côn trùng, cây cỏ hoặc con người, chư thiên hoặc Phật – vốn nhất như, cũng giống như nước chảy qua bất cứ cái vòi nào cũng đều là nước, cùng là một yếu tố, cho dù nó ở trong cái bình, cái ao, cái hồ hoặc đại dương thì cũng giống như ở trong mây và mưa. Sự Sống vốn nhất như, song nó có vô vàn khía cạnh và thấm nhuần các chiều kích vô tận. Chân lý cũng nhất như và biểu biện qua nhiều phương thức khác nhau.

Con người càng nhận thức rõ ràng bao nhiêu về những chiều sâu vô lượng của Sự Sống thì y càng ngộ ra được bấy nhiêu là Chân lý vốn vô tận, kẻ nào biết rằng mình không biết mới là Minh triết. Tin rằng mình biết Sự Thật ắt là điên rồ, là một dạng Vô minh. Chỉ có chư Phật mới biết được toàn thể Sự Thật bởi vì trong trường hợp các ngài thì Tâm thức Cá thể đã hợp nhất với Trí tuệ Vô biên.

Chân lý là tôn giáo cao nhất, bởi vì trong đó có đủ mọi điều đáng mong muốn khác: an bình, tình thương và trí tuệ của Thiên trí. Muốn đạt tới đó thì trong nội tâm ta cần thoát khỏi việc bám víu vào những điều vớ vẩn và những giá trị tầm phào.

Vì thế cho nên Chí Tôn Ca có nói rằng tận hiến cho Sự Thật đòi hỏi phải có “khoa yoga toàn tâm toàn ý”, xả bỏ mọi ham muốn và mục đích cá nhân: “Kềm chế và khống chế các giác quan, coi mọi thứ đều ngang nhau, hoan hỉ với phúc lợi của mọi người thì những người nào sùng bái Sự Sống bản thể Vô biên và tham thiền về nó, ắt đạt được nó”. Đây là đặc quyền phi thường của việc nhập thể làm con người.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *