Vài nét về Vô Thường, Vô Ngã

Con người sống trên thế gian này, ít nhiều ai cũng từng nếm trải mùi vị của khổ đau. Nhưng mấy ai thực sự tìm hiểu rõ nguyên nhân của khổ đau, con đường để diệt tận khổ đau. Con đường diệt tận khổ đau đã có, nhưng mấy ai hiểu rõ, mấy ai hành theo.

Người ta cứ mãi bám víu vào dục lạc, tham ái, để tìm cách khuất lấp đi nỗi đau, nhưng nỗi đau vẫn còn đó, và mỗi ngày một lớn hơn. Để rồi, một ngày nào đó, khi không thể chịu đựng được nữa, họ lại than thân trách phận, oán thán ông Trời.

Thực sự, khổ đau như một ung nhọt, ta càng gãi càng thấy thích, nhưng càng gãi thì cái ung nhọt đó càng phình to hơn. Cũng như khi ta cơn tức giận, càng đè nén nó càng bùng phát dữ dội hơn.

Con đường giải thoát khỏi khổ đau, không nằm ngoài 3 pháp ấn, ấy là vô thường, khổ và vô ngã. Vậy ta hiểu 3 pháp ấn này như thế nào?

1. Vô thường

Đức Phật từng giảng sắc là vô thường, thọ tưởng, hành, thức là vô thường. Vô thường tức là không thường hằng, luôn chuyển biến, luôn chịu sự sinh diệt, biến hoại, thay đổi, có rồi mất, mất rồi có.

Đức Phật không nói vô thường là sinh rồi diệt, diệt rồi mất luôn, mà vô thường là luôn chuyển biến, luôn thay đổi, nó không mãi mãi như vậy, nó không mãi không thay đổi. Nhiều người đã hiểu sai vấn đề này, và có nhiều sự hiểu lầm xung quanh nguyên lý vô thường.

Ngày xưa, giáo lý Bà la môn tin rằng linh hồn con người là thường hằng, mãi mãi vẫn như thế, cho nên người nào sinh ra là bà la môn thì mãi mãi là bà la môn, người nào sinh ra là sát đế lỵ thì mãi mãi là sát đế lỵ, không thay đổi. Giáo lý này bác bỏ quy luật luân hồi nghiệp báo của vũ trụ, vì vậy đức Phật chúng ta mới đưa ra giáo lý vô thường này để phá mê phá chấp cho chúng ta, từ đó mà con người chịu trách nhiệm hơn về hành động của chính mình, đồng thời nó cũng giúp chúng ta thoát được khổ đau khi ta thực sự hiểu nguyên lý này.

Mọi thứ luôn luôn thay đổi, ngay cả xác thân bạn, tư tưởng và cảm xúc của bạn, cả nền văn minh này một ngày nào đó nó cũng bị hủy diệt, ngay cả Trái Đất, Thái Dương hệ, hay thậm chí là cả vũ trụ. Một ngày rồi vũ trụ cũng sẽ diệt đi, và vũ trụ mới sẽ được sinh ra, và rồi lại diệt đi. Đây là quy luật bất biến. Vũ trụ có sinh có diệt, thì những thứ nhỏ nhoi như tiền tài, vật chất, danh tiếng…rồi một ngày nó cũng diệt đi.

Do vậy, hiểu được lý vô thường, bạn sẽ không bám chấp vào bất cứ điều gì ở thế gian. Bạn sẽ dễ dàng chấp nhận mọi thay đổi sẽ xảy đến cho bạn, bạn sẽ dễ dàng chấp nhận mọi khía cạnh trong cuộc sống của chính bạn. Bạn sống tự do tự tại hơn, nhẹ nhàng và than thản, chấp nhận mọi thứ đến với mình, buông bỏ những dính mắc làm bạn đau khổ.

Vũ trụ luôn luôn thay đổi, mọi thứ xung quanh bạn luôn luôn thay đổi, và chính bạn cũng luôn luôn thay đổi. Hôm nay bạn có thể buồn, ngày mai bạn có thể vui, hôm nay bạn có thể nhà cao cửa rộng, ngày mai bạn có thể ra đường xin ăn, hôm nay bạn được người đưa người đón, ngày mai có thể bạn sẽ bơ vơ một mình, hôm nay người ta có thể yêu bạn, ngày mai người ta có thể bỏ rơi bạn. Hãy chấp nhận như thế, hãy chấp nhận mọi thứ như nó là, rằng mọi thứ sẽ luôn luôn thay đổi, vì vậy bạn đừng nên bám chấp vào điều gì cả.

Nếu chuyện buồn xảy đến với bạn, hãy trải nghiệm nó, chấp nhận như nó là, và buông bỏ nó. Đừng cố gắng mang nó theo người, cũng đừng cố gắng chối bỏ nó, bởi vì như thế sẽ làm bạn cảm thấy khó chịu hơn.

Khi bạn hiểu được lý vô thường, dần dần bạn biết chấp nhận mọi thứ xảy đến với mình. Khi đã biết chấp nhận, dần dần bạn sẽ biết buông bỏ. Buông bỏ những quan kiến sai lầm, buông bỏ những cảm xúc tiêu cực, buông bỏ những tật xấu cố hữu, buông bỏ những tư tưởng xấu ác, buông bỏ những chấp thủ vào thân, vào thọ, vào tư tưởng, vào tham ái, vào dục lạc, vào ham muốn.

Buông bỏ cái tôi chấp ta, ngã mạn, đố kỵ, tị hiềm, ganh ghét, bài xích, chia rẻ lẫn nhau. Khi bạn chấp nhận bạn có một cảm xúc tiêu cực, thì bạn mới có thể buông bỏ nó được. Nếu bạn không chấp nhận được bạn có một cảm xúc tiêu cực, thì làm sao bạn có thể buông bỏ nó được.

Có một ông cụ nói với con trai của ông rằng: “Con hãy nắm chặt tay lại và nói cho cha biết cảm giác của con là gì?”. Người con nắm chặt tay rồi nói: “Con cảm thấy hơi mệt ạ!”. Ông cụ tiếp tục: “Con hãy thử nắm mạnh hơn nữa!”. Người con trả lời: “Con thấy mệt hơn ạ! Có hơi tức thở ạ!”

Ông cụ lại nói: “Vậy con hãy buông ra đi!”. Người con thở dài một hơi: “Con thấy thoải mái hơn nhiều rồi ạ!”. Ông cụ: “Khi con cảm thấy mệt mỏi, con càng nắm chặt thì sẽ càng mệt, thả lỏng nó ra thì sẽ nhẹ nhõm hơn nhiều!”.

Cũng thế, bạn càng chấp chặt, bạn sẽ càng khổ đau hơn. Khi bạn buông ra, bạn sẽ thấy thoải mái hơn.

Nhưng bạn cũng nên hiểu rằng, buông bỏ ở đây không phải là vứt bỏ mọi thứ đi và chẳng làm gì cả. Buông bỏ ở đây tức là không trở nên dính mắc, chấp thủ và bị ràng buộc vào mọi thứ. Khi bạn đi, bạn chỉ nên biết là đi, chứ đừng vì đi để đến nơi mà bạn vội vàng, hấp tấp, để rồi cảm thấy khó chịu trong lòng.

Bí quyết để không dính mắc ấy là luôn sống trong hiện tại, chánh niệm, ghi nhận trên mỗi hơi thở và từng hành động. Đừng nghĩ về quá khứ, cũng đừng lo lắng cho tương lai, vì quá khứ thì đã qua, tương lai thì chưa tới, sống trọn vẹn trong từng giây phút hiện tại ấy chính là hạnh phúc.

Tuy nhiên nhiều người sẽ bảo rằng thật là khó mà thực hiện được bởi vì trước mắt còn có bao nhiêu nỗi lo. Nhưng bạn cứ yên tâm đi, khi bạn sống trọn vẹn trong từng phút giây thì mọi lo lắng sợ hãi trong bạn sẽ tự nhiên tan biến, và bạn sẽ trải nghiệm mọi thứ tốt đẹp hơn bao giờ. Cho nên đừng lo lắng hay sợ hãi, hãy cứ an vui trong hiện tại.

Hôm nay bạn trẻ, ngày mại bạn có thể già. Hãy chấp nhận như thế. Hôm nay bạn đẹp, ngày mai bạn có thể xấu. Hãy chấp nhận như thế. Bạn đừng dính mắc vào trẻ hay đẹp, bởi vì một ngày nếu bạn trở nên già và xấu đi, bạn có thể sẽ cảm thấy khó chịu và luyến tiếc đấy. Khi bạn bị một ai đó làm cho mình không vui, hay bạn bị ai đó phản bội, hay bạn bị mất đi thứ gì đó thuộc về mình, bạn hãy quán tưởng rằng MỌI THỨ LÀ VÔ THƯỜNG, luôn luôn thay đổi, có rồi mất, mất rồi có, tôi tin rằng bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn đó.

Hãy chấp nhận mọi thứ như nó là, đừng phán xét, đừng soi mói, đừng phân biệt.

Hãy buông bỏ mọi dính mắc, chấp chặt, hãy sống trong thế giới này nhưng không thuộc về thế giới này.

Có thể bạn nghe hay đọc một vài câu chuyện, bài viết có vẻ hay hay, có vẻ tâm đắc, nhưng một thời gian bạn lại quên đi điều đó. Bạn có biết vì sao không. Bởi vì bạn không đọc nó bằng cả tâm hồn, mà bạn đọc nó bằng tư tưởng. Tư tưởng hay bắt cảnh này cảnh kia, luôn luôn thay đổi, nên nó dường như quên rất nhanh. Một điều nữa là khi bạn chỉ nghe, mà không tự mình lắng tâm quan sát, không thực sự chứng nghiệm được thì tất cả dường như sẽ đi vào dĩ vãng rất nhanh.

Và có một câu châm ngôn là: “Khi bạn thức giấc, có thể là ngày mai hoặc cũng có thể là kiếp sau”.

2. Khổ

Nguyên lý khổ này được suy luận ra từ nguyên lý vô thường. Vì sự vật chịu sự biến hoại, chịu sự sinh diệt luôn luôn nên nó bất toại nguyện, không thể nào theo ý muốn của nó, cho nên nó bị chịu khổ. Sinh già bệnh chết là khổ, bởi vì bạn không thể thay đổi được đều đó.

Yêu mà ly biệt nhau là khổ, ghét mà gặp nhau hoài cũng khổ, cầu mà không được là khổ. Mang thân người, chịu sinh diệt là khổ.

Cơ bản thì tính chất khổ là tính chất do sự bất toại nguyện của sự vật. Nếu người ta luôn toại nguyện, luôn chấp nhận nguyên lý vô thường và biết buông bỏ mọi thứ thì sự khổ sẽ không sinh sôi. Điều này chỉ xảy ra khi người ta đạt đến Niết Bàn. Niết bàn là sự chấm dứt khổ đau, là sự giải thoát.

3. Vô ngã

Ai hiểu về chân lý vô ngã sẽ thực biết chính mình.

Chân lý Vô ngã là pháp ấn chỉ có trong Phật giáo, cho rằng, không có một Ngã, một cái gì trường tồn, bất biến, cốt tủy, vững chắc, tồn tại nằm trong sự vật mà không phụ thuộc vào cái khác. Nghĩa là sự vật có mặt là do duyên sinh (tùy thuộc điều kiện) khởi phát, chứ sự vật không có quyền gì với sự sinh ra và sự hoại diệt của chính nó.

Chân lý vô ngã còn cho rằng sắc này, thọ, tưởng, hành, thức này chẳng phải của ta, chẳng phải là ta. Do bởi chân lý vô thường, nên không có vật gì có thể trường tồn trường cửu, tự nó hoạt động độc lập, tự sinh tự diệt mà không có các nhân duyên khác hỗ trợ.

“Vì Sắc là vô thường (có sinh tất phải có diệt) cho nên Sắc mang tính Khổ (bất toại nguyện). Vì mang tính bất toại nguyện (khổ) nên không thể bảo Sắc là của ta, là ta, là tự ngã của ta. Do vậy, Sắc là Vô Ngã. Không thể bảo Sắc là của ta, là ta, là tự ngã của ta là vì không thể ngăn chặn được sự sinh diệt của Sắc, Sắc sinh ra là do duyên sinh (theo điều kiện đủ) và Sắc hoại diệt cũng là do duyên sinh. vì thế Sắc là Vô Ngã.”

Thân này chẳng phải là ta, thân này chẳng phải của ta. Người đời thường hay cho rằng thân là của mình, thân là mình, nên thường lo lắng cho nó, dính mắc vào nó, sợ hãi khi nó gặp phải những điều hiểm nguy. Khi nó đói, nó mệt mỏi, nó bị đau thì cũng cho là ta đói, ta mệt mỏi, ta đau. Khi thân này đau bệnh, già xấu thì cũng cho là ta đau bệnh, già xấu.

Ta cứ lo cho cái thân này đủ mọi tiện nghi, lo cho nó hưởng đủ mọi dục lạc, cứ bám chấp vào nó, vì vậy khi nó không còn toàn vẹn, khi nó không còn tốt đẹp như mình muốn nữa thì lại tỏ ra đau buồn đau khổ..

Thực sự, thân này chỉ là phương tiện cho chúng ta sử dụng để trải nghiệm ở trên cõi trần. Nó giống như chiếc áo, chiếc xe hay máy bay ta sử dụng vậy. Không có áo ta không thể giữ ấm được. Muốn đi đường xa ta phải sử dụng xe, muốn bay trên không trung ta phải sử dụng máy bay. Muốn sống ở cõi trần ta cần phải có thân xác vậy.

Hãy cõi thân xác như một phương tiện cho ta sử dụng. Hãy sử dụng nó, bảo vệ nó, giữ gìn nó, chăm sóc cho nó, nhưng bạn đừng dính mắc vào nó, đừng dùng nó để ham hưởng dục lạc quá nhiều.

Bạn cũng nên răn dạy nó, kiểm soát nó luôn luôn, bởi vì thân thể được cấu tạo bởi các hạt nguyên tử hồng trần có mức độ rung động nặng nề, cho nên nó chỉ ham muốn những điều thô kệch, nặng nề, ta phải kiếm soát nó luôn luôn, nếu không nó sẽ dẫn dắt ta đi vào những con đường tối tăm, tội lỗi.

Khi bạn thực hành thiền minh sát, bạn mới thực sự thấy được tính sinh diệt của của thân thể, của vạn vật, cả trong quá khứ, hiện tại và vị lai, cả bên trong cũng như bên ngoài, thì bạn mới thực sự buông bỏ được những dính mắc về thân thể, và thôi không chấp vào thân này là ta, thân này là của ta.

– Cũng tương tự như thế, những cảm xúc và tư tưởng, suy nghĩ đều không phải ta. Cảm xúc và tư tưởng có được là nhờ 2 phương tiện là thể vía và thể trí. Thể vía chịu trách nhiệm chi phối cảm giác, cảm xúc cũng như dục vọng của con người. Khi ta vui ta nghĩ rằng ta đang vui, nhưng thực chất cái vui ấy có được là do sự rung động của các hạt cấu tạo nên thể vía, làm cho ta ghi nhận đó là vui, chứ thực chất không phải là ta vui, mà là ta đang trải nghiệm cảm xúc vui.

Tương tự như thế, khi ta buồn, ta chán, ta thất vọng, ấy là lúc rung động thể vía nặng nề, chậm chạp, làm cho ta có cảm xúc là buồn, chán nản và thất vọng. Thể vía được tạo ra là để giúp con người cảm nhận, trải nghiệm về thế giới xung quanh tốt hơn.

– Chịu trách nhiệm cho tư tưởng, suy nghĩ, tính toán, tư duy, ghi nhớ…ấy chính là thể trí. Thể trí giúp cho ta có trí tuệ để xử lý những công việc tốt đẹp hơn, đồng thời cũng là công cụ sáng tạo rất hiệu quả, giúp chúng ta thể hiện khả năng tư duy sáng tạo của chính mình.

Thể trí chi phối thể vía và xác thân. Bình thường thể trí rung động rất nhanh, nó luôn luôn bắt cảnh này cảnh kia, nó hoạt động liên tục, nên rất nhiều người nghĩ rằng mình là cái trí ấy. Nhưng những ai biết thực hành thiền định, nhập vô các tầng thiền, đạt đến trạng thái vô niệm thì sẽ biết chắc chắn rằng cái trí ấy không phải là cái ta của mình.

Nhiều người chưa qua thiền định thì không thể dừng suy nghĩ được, dường như nó hoạt động theo tính cách của nó, và dường như rất khó để kiểm soát nó. Mỗi khi ta sử dụng cái trí, chúng sẽ xuất hiện 2 đặc tính, đó chính là hình tư tưởng và tính chất tư tưởng. Khi ta nghĩ về ai đó hay một vật gì đó cụ thể, thì cái trí sẽ tạo nên một hình ảnh về người đó hay vật đó.

Đồng thời, cái trí cũng sẽ phát ra một làn sóng rung động, tùy theo tần số rung động nhanh hay chậm mà tính cách của tư tưởng ấy là tốt hay là xấu. Nếu tư tưởng ấy là yêu thương thì tần số rung động sẽ nhanh, còn tư tưởng hận thù thì tần số rung động sẽ chậm và nặng nề.

Thông thường cái trí cho ta một cảm giác về cái tôi, và nó thường bắt lấy những rung động thuộc về sự chia rẻ, so sánh, phân biệt, chấp ta và ngã mạn. Cái trí hay hoạt động theo thói quen, nếu ta không kiểm soát nó luôn luôn, thì lâu ngày nó sẽ tự động hoạt động, dù tâm ta có muốn hay không, dần dần khó sẽ trở thành thói quen, lâu dần sẽ trở thành tính cách, tính tình của ta, sau này sẽ rất khó mà bỏ được.

Hiểu biết về cái vía và cái trí sẽ giúp ta không dính mắc nhiều vào tư tưởng và tình cảm nữa, và ta sẽ không cho tình cảm, tư tưởng(tưởng, hành) là ta, là của ta.

Cái cuối cùng ta phải buông bỏ, cho đó là mình, ấy chính là cái thức, hay thức uẩn.

Thức ở đây là trạng thái biết một đối tượng, bắt lấy, ghi nhận sự hiện diện của một đối tượng. Ví dụ như khi cảnh sắc đập vào mắt mình, thì liền ngay sau đó có nhãn thức ghi nhận cảnh sắc ấy, nhờ có nhãn thức mà ta biết được có sắc cảnh ở bên ngoài.

Nếu không có thức thì ta không thể nào biết được ở ngoài thân có cảnh vật hay là không. Nhờ có thức mà khi đó, tưởng mới khởi lên để định danh cho cảnh vật ấy là gì, và cùng lúc đó sự phân tích về cảnh vật ấy sẽ diễn ra, như là đẹp hay là xấu, và cảm thọ cũng được sinh sôi, như là thích hay là không thích. Vì vậy mà có thức nên tất cả tư tưởng, cảm thọ mới được phát sinh.

Ví dụ khi ta nhìn thấy một bông hoa, ngay lập tức nhãn thức sẽ ghi nhận hình ảnh bông hoa, cùng lúc đó tưởng sẽ khởi lên để nhìn nhận đây là bông hoa chứ không phải cái cây, tiếp theo đó hành sẽ phân tích bông hoa để xác định xem nó là hoa gì, hoa hồng chứ không phải hoa huệ, mình nên làm gì với nó, nên nhìn tiếp hay nên bỏ đi, và cảm thọ sẽ phát sinh là thích hay là ghét. Tất cả thọ và tưởng hành sinh là nhờ có thức, nếu thức không sinh thì tưởng hành thọ cũng không sinh(tưởng hành ở đây là tư tưởng, suy nghĩ, ý).

Vì vậy mà nhiều người cho đây là mình, đây là tâm, đây là ta. Cái thức này nó còn sinh diệt nhanh hơn cả cái trí, bất kỳ một cái gì trong thân nó đều ghi nhận cả. Nhưng mà nó chỉ ghi nhận thôi, không có đánh giá và phân biện.

Đây là trạng thái vô niệm trong tu tập. khi hành giả đạt đến trạng thái vô niệm, tức là tâm thức của hành giả đặt trên cái thức, chứ không còn đặt trên cái tư tưởng nữa. Hành giả quán sát và thấy biết sự thật như nó là, đi biết đi, đứng biết đứng, làm biết làm, nghĩ tưởng biết mình nghĩ tưởng.

Hành giả để cho mọi thứ hoạt động tự nhiên, không còn cố gắng áp đặt hay kiểm soát nó nữa, mà chỉ giống như đứng ngoài quan sát và ghi nhận. Cảm xúc là vui thì ghi nhận là vui, buồn ghi nhận là buồn, suy nghĩ thì ghi nhận là suy nghĩ. Hành giả đạt đến trạng thái tâm quân bình trên mọi hành động, cử chỉ và xúc cảm.

Tuy nhiên đến đây mà nghĩ rằng đã đạt đến sự giải thoát hoàn toàn thì đó là không phải, là còn lầm chấp. Hành giả còn cần phải bước thêm một bước nữa, tức là buông bỏ luôn cái ghi nhận, cái thấy biết ấy để đạt đến Niết Bàn, sự giải thoát thực sự.

– Một người đắc Niết bàn sẽ buông bỏ ngay cả cái gọi là thức, tức là không còn ghi nhận bất kỳ thứ gì, từ sắc đến thọ, tưởng, hành. Trong trạng thái Niết bàn người đó trở nên vô ngã, không còn thấy một cái tôi, một cái ta nào nữa. Người đó không còn ghi nhận hay thấy biết một điều gì cụ thể nữa, mà họ buông bỏ hết tất cả mọi sự ghi nhận và thấy biết đó, họ đạt đến trạng thái như như thanh tịnh, vắng lặng hoàn toàn.

Người ấy không còn thức, không còn ghi nhận cái gì nữa, chỉ là ở trong trạng thái hư không vắng lặng, thanh tịnh vô cùng, không sinh không diệt, đơn giản chỉ là như nó là, không bên trong cũng không bên ngoài, không ở dưới và cũng không ở trên, bao la vô cùng tận.

Trong trạng thái ấy họ chẳng còn ý niệm gì nữa cả, chỉ đơn giản là ở trong trạng thái như như thanh tịnh mà thôi. Đó là Như Lai tánh, đó là Phật tánh, đó là Thượng đế tánh. Đó là cái vô ngã, cái vô cùng của vũ trụ. Đó chính là cái đích cuối cùng của một hành giả trên con đường đạo mong muốn hướng đến.

Một người ở trong trạng thái Niết Bàn, không thể có bất kỳ một sắc thọ tưởng hành thức nào cả. Nếu có thì đó không phải là Niết bàn. Vì vậy, Niết bàn chính là vô ngã, chính là cái mà đức Phật của chúng ta nói đến.

Đến đây hành giả đã được gọi là bậc vô học, không còn học điều gì ở thế gian nữa, hành giả đã được giải thoát khỏi khổ đau, hành giả đã ra khỏi luân hồi.

—-

Ở đây, người viết chỉ chạm đến bề mặt của tam pháp ấn, chỉ đề cập sơ qua vài gợi ý nho nhỏ, mong tạo nguồn cảm hứng cho những ai đang mong muốn tìm hiểu sâu hơn về chính mình, về bản chất của vũ trụ, để đạt đến một sự giải thoát hoàn toàn khỏi khổ đau, khỏi luân hồi sinh tử.

Tất nhiên, khi ta chỉ tìm hiểu mà không trực tiếp chứng nghiệm, ta chỉ hiểu mà không trực tiếp biết và thấy thông qua thiền định hoặc minh sát, thì tất cả chỉ là dư thừa hoặc vô dụng. Chỉ khi nào ta chứng nghiệm trực tiếp thì mới có thể thấy và biết thực sự.

Vì vậy, hãy đến để mà thấy.

Nguyện cho vạn vật được thái bình

Nguyện cho Thiên Ý được thực thi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *