Niết Bàn trong lòng sinh tử

Chiếc lá xanh mơn mởn vừa mới nhú lên từ cành cây vẫn còn non. Một giọt sương trong vắt đậu trên vai chiếc lá. Chiếc lá không xua đuổi giọt sương vì nó biết giọt sương cũng sẽ tự tan đi. Mặt trời vừa lên, từng tia nắng ấp áp ôm lấy vạn vật. Giọt sương biết mình sắp chết và chiếc lá biết mình sắp chia tay giọt sương.

Hơi nóng lan tỏa, giọt sương bay lên cao trong hình dáng của hơi nước. Trước khi đi vào không gian bao la, giọt sương vẫy chào chiếc lá, Tạm biệt nhé, bạn thân yêu, cám ơn bạn cho mình nương tựa.

Chiếc lá nhìn theo giọt sương bay đi nhưng nó không buồn vì nó biết giọt sương đã được tiếp nối và sáng sớm mai, nó sẽ làm bạn với giọt sương khác. Vài tháng sau, chiếc lá xanh mướt ngả sang màu vàng, sự bám víu vào cành cây yếu dần. Chiếc lá biết nó sắp chết, nó sắp được tiếp nối như giọt sương.

Buổi chiều, một cơn gió nhẹ thoảng qua, chiếc lá lìa cành, rơi nhẹ nhàng trên mặt đất. Chiếc lá không sợ hãi vì đã sống trên cành đủ lâu. Nó đã có khoảng thời gian bình an khi còn ở trên cây và giờ đây nằm trên mặt đất, nó bỗng chốc vẫn thấy bình an, nó bình an trong sự tiếp nối, nó đang trở về mặt đất, nơi nương tựa mới của nó.
 
Từng hạt mưa rơi trên sườn núi. Các giọt mưa kết tinh lại thành dòng suối mát trong. Suối róc rách chảy trong những khe núi. Nước từ trong khe núi được gọi là nước trong nguồn, chảy ra từ nơi không ô nhiễm, nên trong trắng và tươi mát. Theo quy luật, nước chảy từ cao xuống thấp.

Nước cứ đi như vậy, không dừng lại một chỗ, nó chảy qua những khu rừng trên cao, rồi ra dòng thác đổ xuống sông. Từ xa nhìn nước trắng xóa, chảy xuống những phiến đá. Khói sương bốc ra đẹp như chốn thần tiên.

Ra đến sông, làn nước không thương nhớ con suối vì nó trở nên thênh thang hơn, dòng sông thênh thang hơn. Mọi thứ đều mừng vui vì sự góp mặt của dòng suối. Nước từ nguồn suối cao, nước từ lòng đất sâu, đều đi ra sông.

Những con cá bơi tung tăng đủ màu sắc, vài chiếc ghe chở hoa ngược xuôi vào mỗi buổi sáng. Hạt mưa không còn ở trên trời cao, không còn ở suối trong khe nguồn, hạt mưa đã trưởng thành, hạt mưa đã là dòng sông. Hạt mưa không thấy mình chết đi cũng không thấy mình sinh ra, hạt mưa chỉ đi trong tiến trình sự sống của nó.

Nó chỉ biết lúc thì là hạt mưa, lúc thì là dòng suối, lúc thì là con sông, nó mừng vui vì có nhiều sự thay đổi như vậy. Và rồi dòng sông của ngày hôm nay không còn là dòng sông của ngày hôm qua nữa. Dòng sông trôi ra biển cả, nhìn thấy bầu trời xanh, lúc này hạt mưa nhỏ bé đã trở nên vĩ đại, đã trở thành dòng sông.

Hạt mưa mừng vui nên biển cả cũng mừng vui. Nó mừng vui trong mọi hoàn cảnh, nó không sợ hãi khi bản thân không còn là hạt mưa nữa, nó đã là biển cả rồi, trong biển cả nó thấy mình là hạt mưa.
 
Con gà mái trong vườn kêu cục ta cục tác, một hồi sau nó sinh ra quá trứng. Quả trứng trông đẹp đẽ, nhỏ bé nhưng mầu nhiệm. Ngày nào nó cũng ngồi ấp trứng, làm cho quả trứng ấm áp. Nó biết sự tiếp nối của nó đang nằm trong quả trứng đó. Vài tuần lễ sau, quả trứng nở ra thành gà con. Gà con nhỏ xíu, kêu chim chip rất dễ thương. Gà mẹ đi kiếm đồ ăn về mớm cho con.

Con chó con mèo nào mà tới gần gà con, gà mẹ xù lông lên. Có con diều hâu nào bay tới gần, gà mẹ giang rộng đôi cánh che chở cho gà con. Gà con lớn lên, tự đi kiếm ăn, tự bảo vệ trước kẻ thù thì cũng là lúc gà mẹ già đi, nhưng gà mẹ không có buồn lòng, nó biết nó đã có sự tiếp nối.

Gà con ra đời tiếp nối cho gà mẹ và gà mẹ ra đi là chuyện đương nhiên nhưng gà mẹ đâu có chết, gà mẹ vẫn ở trong gà con đó thôi. Một ngày nó ra đi thiệt, nhưng nó vui lắm, nó không có chút sợ hãi nào, nó chỉ thầm mong con của nó đi tiếp con đường.
 
Đứa trẻ chạy ra vườn sen chơi đùa. Nó ngắt một đóa sen rồi đưa lên mũi ngửi. Mọi người đang hái sen. Mọi thứ của sen đều có thể sử dụng được. Cánh sen chưng trên bàn thờ Phật, hạt sen nấu chè rất ngon, lá sen dùng để gói thức ăn.

Sen mọc lên từ bùn nhơ. Bùn xấu xí vậy đó, dơ bẩn vậy đó mà sinh ra một thứ sen đẹp đẽ và diệu kì. Hoa sen mọc nhô lên hẳn mặt bùn và không dính một chút bùn nào.

Nếu có vết bùn nào văng lên thì nó cũng chảy xuống, nhường chỗ cho sự trinh trắng của cánh sen. Phải nói sen đẹp là nhờ bùn nhơ. Không thể trồng sen trên mặt đất khô cằn, trên cát hay trên nền xi măng. Phải có bùn thì mới có sen được.

Biết vậy, sen rất biết ơn bùn, bùn dơ nhưng nó không ghét bùn, bùn đen đủi nhưng nó không xua đuổi bùn, nó vẫn sống chung với bùn đấy thôi, bùn đang nuôi dưỡng nó và nó sống trong lòng của bùn.

Sen đẹp là nhờ có bùn nhơ. Đôi khi sen nghĩ nhiều khi bùn hi sinh, bùn cống hiến, bùn ban tặng cho sen vẻ đẹp mà đáng lẽ bùn phải có, nên trong sen có bùn.
Sen đẹp thì bùn cũng đẹp vì bùn là tinh túy của sen, không có bùn, sen đã chết từ lâu, nên sen chọn sống trong bùn. Bùn hôi tanh nhưng cái hôi tanh này làm nên sự sống. Sen không chút sợ hãi bùn, sống trong bùn, sen vẫn bình an.

 
Vị tu sĩ đi vào chợ mua ít thức ăn. Số là hôm nay có người nhà đến thăm, ông ra chợ mua rau, củ, đậu phụ, dưa giá về làm vài món đãi người thân. Trong chợ ồn lắm nhưng ông vẫn im lặng. Mọi người đang hối hả, tất bật nhưng ông vẫn đi nhẹ nhàng, không vội vã gì.

Ai nói gì thì nói, ai làm gì thì làm, ông vẫn con đường mình mình đi. Một chiếc xe chạy bắn nước vào chiếc áo tràng của ông, ông dùng tay phủi vết nước rồi lại đi chợ tiếp. Đi ngang qua quầy bán thịt cá, mùi tanh nồng nặc xông vào mũi, ông vẫn thản nhiên. Đến chỗ người ta cãi vã, ông cầu nguyện cho họ mau chóng được hòa giải, biết yêu thương nhau.

Mua đủ đồ dùng, ông đi về chùa. Trên đường về, một đám tang có tiếng cò tây vang lên, ông mong cho người chết được mau chóng siêu thoát. Bữa cơm hôm đó khá ấm cúng, người thân kể mấy chuyện khổ đau của họ, nào là chuyện nhà cửa, chuyện tiền bạc, chuyện ăn học của con cái, chuyện danh lợi địa vị. Ông ngồi nghe bằng tấm lòng thông cảm.

Ông biết mình có may mắn, có con đường để đi, không bị dính mắc, không bị trôi lăn. Ông vẫn sống giữa chốn phồn hoa đô hội, vẫn đi chợ, vẫn tiếp xúc với mọi người, nhưng những bon chen và kỳ vọng đã chấm dứt. Do chấm dứt nên ông bình an, bình an như chiếc lá, như giọt sương, như hạt mưa, biết đến và biết đi. Ông tiếp xúc với hạnh phúc trong giây phút hiện tại vì đã buông bỏ.
 
Ngày xưa ông đã từng khổ đau, khổ đau vì tình cảm, khổ đau vì vật chất, khổ đau vì danh vọng, nhưng sau đó ông nhận ra một điều nếu không kẹt vào tình cảm thì khổ đau không còn, không kẹt vào vật chất thì khổ đau không còn, không kẹt vào danh vọng thì khổ đau không còn.

Nhờ khổ đau mà ông khám phá ra con đường hạnh phúc, cho nên khổ đau có thể nói là chất liệu làm nên hạnh phúc.

Đàm Linh Thất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *