NGHIỆP

Nghiệp ở đây là chỉ những hành động cố ý, hành động có ý chí, hành động do tâm ý. 

Những hành động đó thể hiện bằng: Ý nghĩ (tâm), lời nói (miệng) và việc làm, sự làm (thân).

Những sự khác nhau trước mắt trong chúng ta về tinh thần, đạo đức, trí khôn và thể cách, phần lớn là xuất phát từ những hành động (Nghiệp) và thiên hướng của chúng ta, cả trong quá khứ và hiện tại.

Những hành động không tự nguyện, không cố ý hay không cố ý thức, mặc dù rõ ràng cũng là những hành động, thì không tạo Nghiệp, bởi vì ở đây không có sự cố ý, ý chí tạo tác, tức là yếu tố Hành – một yếu tố để định ra Nghiệp. Khi không có ý chí, không cố ý thì một hành động là “Trơ”, không phải là một nghiệp, tức là không tạo nghiệp quả. Nói cách khác, nếu không có yếu tố Hành hay Ý Hành thì không tạo nghiệp.

 

Nghiệp không phải là “số phận” hay “Định mệnh” đã định trước và được áp đặt lên chúng ta bởi một thế lực hay đấng siêu nhiên bí mật nào. Nghiệp là những hành động của mọi người tương tác tạo ra những nghiệp quả tương ứng, và vì vậy, một người có thể thay đổi Nghiệp hay tiến trình Nghiệp của mình bằng những cách khác nhau. Việc chuyển nghiệp được bao nhiêu, nhiều hay ít, đều do nỗ lực bản thân của mỗi người. Vì vậy, chúng ta đều có một số “ý chí” tự do để mà đổi nghiệp, chuyển nghiệp theo mong ước. Quá khứ sẽ tác động đến tương lai, nhưng quá khứ không hoàn toàn quyết định hết tương lai, bởi vì Nghiệp đã bao gồm cả những hành động trong quá khứ và cả tương lai.

 

(Chẳng hạn trong quá khứ bạn đã làm nhiều hành động ác xấu, bất thiện, thì chắc chắn theo luật nhân quả hay nghiệp quả, bạn phải nhận lãnh hệ quả xấu trong hiện tại và tương lai. Hiện tại cũng là tương lai của quá khứ.

 

Nhưng nếu trong hiện tại hay tương lai gần bạn đã hối cải, tu tập và thực hiện những hành động tốt, thiện, thì chắc chắn, cũng theo quy luật nhân quả, bạn sẽ nhận lãnh những hệ quả tốt đẹp trong tương lai gần hoặc tương lai. Tuy nhiên, những hành động tốt, thiện hiện tại hay tương lai gần này chưa chắc đã có thể chuyển đổi được hết những nghiệp bạn đã gây ra trong quá khứ. Vì Nghiệp quả của bạn bị chi phối bởi cả những hành động hiện tại, tương lai và cả quá khứ – ND).

Nghiệp bản thân nó là một quy luật, nên nó vận hành, hoạt động trong ‘sân chơi’, ‘trong lĩnh vực hoạt động’ của nó và không phụ thuộc vào sự can thiệp hay định đoạt hay điều khiển của một thế lực bên ngoài nào cả.

Vô Minh hay “sự không hiểu biết những sự vật như-chúng-là” là nguyên nhân chính yếu gây ra Nghiệp.

Tất Cả Nghiệp Chứa Ở Đâu?

Một hành động hay Nghiệp một khi hay ngay khi đã làm, thì đã hình thành Nghiệp. Nghiệp không thể hủy ngang, không thể hủy ngược hay đảo ngược được.

Sự hành động là một tiềm năng của nó, đó là hậu quả không thể tránh được: Đó là Nghiệp Quả. Ngay trong một kiếp thôi, một người có thể làm nhiều việc thiện và bất thiện. Vì thế, chắc chắn người ấy đã tích lũy rất nhiều Nghiệp.

Một câu hỏi thông minh và lý thú là: Vậy tất cả những Nghiệp đó được chứa hay tích tụ ở đâu?

 

“Nghiệp không phải được chứa trong cái Thức thoảng hiện thoảng mất hay trong chỗ nào của thân này. Nhưng tùy thuộc vào Tâm và Thân, nó chọn chỗ, biểu hiện nó vào khoảng khắc hợp thời nhất, cũng như không phải nói những trái xoài được tích chứa ở đâu trong cây xoài, nhưng tùy thuộc vào (điều kiện) cây xoài chúng nằm, (và) mà đơm trái theo đúng mùa.”

 

Tương tự như vậy, lửa không phải được chứa trong diêm quẹt, nhưng dưới tác động ma sát thích hợp, diêm quẹt sẽ tạo ra lửa. Nghiệp là một “tiềm năng” có thể được chuyển từ kiếp sống này sang kiếp sống khác. (Cũng giống như tiềm năng hay năng lượng của ngọn lửa có thể chuyển từ cây nến này sang cây nến khác, chứ không phải nói ngọn lửa đã nằm ở đâu bên trong hay bên ngoài, phía trên hay phía dưới cây nến)

Trong quy luật Nghiệp đã chỉ rõ rằng: chúng ta gặt thứ chúng ta gieo trồng, hay là chúng ta gieo nhân nào thì gặt quả nấy, thì vẫn có một mảng vấn đề khác về Nghiệp, cũng rất là quan trọng, đó là: Nghiệp Quả có thể được sửa đổi hay cải tạo. Điều này có nghĩa là quy luật về Nghiệp và Quả không phải hoạt động cứng nhắc như một cỗ máy, mà cho phép sửa đổi, chỉnh sửa hay cải tạo trong khi tạo quả.

Nghiệp không phải là ‘Số Phận’ hay ‘Định Mệnh’ đã an bài. Nhưng cũng không phải nghĩa là một người chỉ phải nhận lãnh một phần nào đó của tất cả nghiệp mà người đó đã tạo ra. Chúng ta có thể giải thích điều này bằng hình ảnh trái bi-da, hướng của trái bi có thể được thay đổi hoặc thậm chí bị dừng lại, nếu một trái bi khác được đánh đến để tác động vào nó theo một gốc hay lực thích hợp nào đó.

 

Cũng như bất kỳ sự kiện vật lý nào, tiến trình tâm kết thành những hành động tạo nghiệp không phải tồn tại một cách đơn độc. Vì thế công năng tạo nghiệp quả của một nghiệp không phải chỉ phụ thuộc vào tiềm năng của nó, mà còn có khi phụ thuộc vào những nghiệp khác.

Chúng ta có thể tưởng tượng để thấy rằng, một Nghiệp riêng biệt nào đó, dù là thiện hay bất thiện, đôi lúc có thể được gia trọng hay được tăng mạnh hơn bởi Nghiệp Hỗ Trợ hoặc có thể bị thuyên giảm hay bị làm yếu đi bởi Nghiệp Cản Trở; hay là thậm chí bị tiêu diệt hay xóa sổ bởi Nghiệp Tiêu Diệt.

Tiến trình tạo ra nghiệp quả cũng có thể bị chậm lại nếu không đủ duyên hay những điều kiện xúc tác để quả chín muồi, và sự chậm trễ này có thể lại tạo cơ hội cho các Nghiệp Cản Trở hay Nghiệp Tiêu Diệt hoạt động can thiệp vào nữa v.v..

Bên cạnh những điều kiện bên ngoài hay ngoại duyên, thì bản chất tâm linh của tâm, là nơi khởi sinh các Hành hay hành động tạo nghiệp, có thể cũng tác động vào quá trình xảy ra nghiệp quả. Người có nhiều đạo đức hoặc những phẩm chất tâm linh tốt thì một ‘tội lỗi’ gây ra có thể sẽ không dẫn đến nghiệp quả nặng, nhưng đối với những ngươi thiếu phẩm chất đạo đức và phẩm chất tâm linh, thì thường một ‘tội lỗi’ có thể tạo nhanh thành nghiệp quả nặng cho người ấy, vì người này không có được những đức hạnh và tâm thiện để bảo vệ mình khỏi nghiệp dữ.

Vấn đề duyên nghiệp chằng chịt và phức hợp để dẫn đến nghiệp quả, cho nên Phật đã từng nói rằng Nghiệp duyên và nghiệp quả là một trong bốn (4) lĩnh vực hay bốn (4) đề tài “không thể nghĩ bàn”, nó vượt qua những tư duy của con người; và không nên phỏng đoán về một tiến trình nghiệp quả, vì ngay cả nghiệp quả đời này lại do nhân của một nghiệp rất xa trong hàng trăm, hàng ngàn kiếp trước mà để nhìn thấy được nó là điều “không thể nghĩ bàn” đối với những kẻ phàm phu như chúng ta.

Nhưng mặc dù nghiệp vượt qua tầm hiểu biết thông thường của thế gian, nhưng một thông điệp quan trọng nhất mà Đức Phật đã muốn nhắn gửi cho chúng ta là:

Sự thật là Nghiệp Quả có thể sửa đổi, uốn nắn được, điều đó giải phóng con người khỏi suy nghĩ hay ám ảnh về một số phận đã an bài hay chủ nghĩa định mệnh; và vì thế mở ra một con đường rộng mở để một người có thể nỗ lực tu tập để chuyển hướng nghiệp hay sửa nghiệp theo hướng tốt lành hơn. Mọi người đều có một số ‘ý chí tự do, chủ quan’ để tạo khuôn mẫu, lối sống cho cuộc đời của mình để trở thành một người đạo hạnh, nếu thật sự người đó quay đầu và nỗ lực.

 

=> Tuy nhiên, trong thế gian này, bao gồm cả chính bản thân một người, thì tùy thuộc vào rất nhiều điều kiện mà ta gọi là “Duyên”, và nếu không đủ những điều kiện cần thiết hay thiếu “duyên”, thì cũng không làm được gì.

Càng hiểu về quy luật của Nghiệp, chúng ta càng phải nên cẩn thận và chú tâm đối với những hành động, ý nghĩ và lời nói của mình nếu chúng ta mong muốn tích lũy nghiệp lành.

Vì một khi những hành động, ý nghĩ, lời nói được nói ra thường xuyên, chắc chắn sẽ tiếp tục lập đi, lập lại và càng tích lũy thêm thêm cho kho nghiệp. Vì vậy, những hành động thân tâm có khuynh hướng tạo ra những hành động giống nhau, rồi cứ như vậy những hành động kế tục cũng có khuynh hướng tương tự, tình trạng này được gọi là tiến trình thói quen.

Như vậy, những hành động thiện, tốt, lành đi theo hướng tăng thêm nghiệp lành, trong khi đó những hành động bất thiện, xấu, ác sẽ thường xuyên tăng theo hướng tăng thêm nghiệp ác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *