HỌC CÁCH ĐỊNH TÂM

Khi tập thiền chúng ta thường nghĩ, sự ồn ào, tiếng động của xe cộ, tiếng nói của mọi người và môi trường xung quanh là những cản trở, quấy rầy, ngăn cản sự tập trung của chúng ta. Nhưng thử hỏi ai quấy rầy ai? Thực tế chúng ta mới là người gây ra sự phiền hà đối với môi trường quanh ta. Tiếng xe cộ, sự ồn ào là những cái xảy ra hết sức tự nhiên.
.
Chúng ta cho những thứ đó quấy rầy chúng ta vì chúng ta có một cái nhìn sai lệch, cho môi trường chung quanh là những cái ở bên ngoài chúng ta và cứ luôn chấp vào cái ý tưởng cần được tĩnh lặng, không muốn bị quấy rầy.
.
Thông thường, cái tâm thường ngày của chúng ta luôn lo lắng sợ hãi, vì thế khi tập thiền có chút ít tĩnh lặng, chúng ta bị kẹt vào sự tĩnh lặng đó và xem nó như một cái đích cần phải đạt được trong lúc thiền. Có đôi lúc chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã dứt hết tham sân si, nhưng sau đó tâm ta lại tham sân si hơn trước. Thực tế cho thấy chấp vào sự tĩnh lặng còn tệ hại hơn là khi ta bị kẹt vào sự động loạn, vì trong động loạn, ít nhất chúng ta còn muốn chạy thoát, còn hơn lúc nào chúng ta cũng hài lòng với sự tĩnh lặng. Điều đó không thể tiến xa trên con đường thiền định.
.
Khi thiền quán, có lúc tâm ta cảm nhận được nguồn hạnh phúc vô biên trong sự tĩnh lặng. Chúng ta đừng mắc kẹt vào những trạng thái ấy, cho dù sự tĩnh lặng đó có đem lại cho ta sự êm mát như thế nào đi nữa nhưng nó cũng chỉ là vô thường, khổ và không. Cái sâu xa vi tế của thiền đem lại chưa phải là cái mà Đức Phật cần hướng tới. Thiền mà dứt hết mọi móng động, rũ sạch mọi mong cầu trải nghiệm vào một trạng thái đặc biệt nào đó của thiền, lúc ấy mới gọi là thiền. Chỉ cần biết rằng tâm ta có tĩnh lặng hay không mà thôi. Khi được như thế, tâm ta sẽ tự nhiên biến hóa theo cách riêng của nó.
.
Tuy nhiên, việc định tâm cần phải thâm hậu để tạo điều kiện cho trí tuệ phát sinh. Việc định tâm cũng giống như khi ta bật mở công tắc đèn và trí tuệ là kết quả của ánh sáng có liền ngay sau đó. Khi không có công tắc thì cũng không có ánh sáng. Nhưng chúng ta cũng không nên lãng phí thời gian mê mải chơi bời với công tắc! Nói một cách khác, định tâm là cái chén chưa có thức ăn và trí tuệ là thức ăn đã đỗ vào trong chén.
.
Đừng có mắc kẹt vào phương tiện hành thiền như việc đọc thần chú chẳng hạn. Phải biết được mục đích của việc niệm thần chú là gì. Nếu ta định tâm được nhờ vào việc niệm thần chú, khi đã định tâm được rồi thì hãy để thần chú ra đi. Đừng có nghĩ sai lầm rằng nếu không niệm thần chú của Phật là biến thành kẻ lười biếng. Phật là người đã giác ngộ và nếu ta là người đã giác ngộ thì có lý do gì để niệm thần chú nữa?
.
Trích Trăng Soi Đáy Nước – Achaan Chah

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *