Nguyên nhân của tâm bất an

1.Bệnh tật và nỗi đau tinh thần

Do tâm cũng cần năng lượng và nguồn sinh lực giống như thân nên khi thân không được khỏe, tâm cũng thường bị ảnh hưởng theo.

Những chướng ngại trong thân do bệnh tật gây nên có thể khiến tâm phiền não, nhất là khi ta chưa biết cách luyện tập trưởng dưỡng tâm tích cực. Đọc đến đây bạn đừng lo lắng bởi tôi đang không yêu cầu bạn lên núi “bế quan”. Trên thực tế, bạn có thể rèn luyện tâm trong bất kỳ hoàn cảnh nào. 

Trong cuộc sống, có những hoàn cảnh khó khăn khiến ta đau đớn và cuốn sách này không có dự định xem thường sự khổ đau đó. Họ biết thêm trân trọng cuộc sống, thay vì luôn bị ám ảnh về cái chết hay bệnh tật.

Đôi khi sự thay đổi đó diễn ra khi chúng ta đang phải đối mặt với một biến cố lớn, nhưng thường thì sức mạnh nội tâm này được trưởng dưỡng trong suốt cuộc đời. Thái độ sống và tư duy tích cực có vai trò quan trọng trong việc rèn luyện này. 

Thật tuyệt vời vì trong mỗi tình huống, chúng ta đều có nhiều cách nhìn nhận khác nhau. Như đã thấy, dù thường nghĩ rằng mình chẳng có lựa chọn nào khác, nhưng thực tế chính chúng ta làm chủ mọi phản ứng, suy nghĩ và tình cảm của bản thân. Điều này không có nghĩa ta đang sống xa rời thực tế hay chối bỏ thực tại. Ngược lại, biết chấp nhận thực tế là chìa khóa để tâm được bình an.

Chúng ta thường lớn lên với quan điểm cho rằng chấp nhận có nghĩa là đầu hàng, từ bỏ hy vọng. Khi biết chấp nhận những gì không thể thay đổi, chúng ta sẽ không phải hao tâm tổn trí, chẳng tiếc nuối dằn vặt để có thể tập trung hơn vào những việc trong tầm tay. Với hiểu biết “vạn pháp duy tâm tạo”, chúng ta sẽ nhận ra mình tự do tự tại và có quyền lựa chọn ra quyết định phù hợp ngay cả trong những lúc khó khăn nhất trong đời.

2. Tham muốn

Ý niệm của chúng ta về hạnh phúc thường bị bóp méo và sai lạc. Bạn có thể thấy điều này khi nhìn ra xung quanh, người giàu muốn có nhiều tiền hơn nữa, những người từng khát khao danh tiếng lại có lúc muốn yên ổn một mình chẳng ai quấy rầy.

Đạo Phật gọi những tham muốn này giống như “bầy quỷ đói”, sẽ không bao giờ được thỏa mãn (nếu có cũng chẳng kéo dài được bao lâu); trừ khi chúng ta tìm thấy cội nguồn của hạnh phúc đích thực và sự cân bằng. 

Dù thế nào, chúng ta vẫn cứ tin rằng mình cần phải sắp đặt và kiểm soát mọi thứ, từ công việc, của cải vật chất cho đến gia đình, bạn bè: nếu có thể loại bỏ hết những điều gây phiền não và đạt được mọi mong muốn, hẳn chúng ta sẽ hạnh phúc mãi mãi; và giá có cách nào đó để mọi người đều nghĩ tốt về mình, ta sẽ càng hạnh phúc biết mấy…

Song nếu bạn cho rằng hạnh phúc có thể đạt được theo cách này thì tất yếu con đường này sẽ dẫn chúng ta tới nỗi thất vọng và bất an.

Nói như vậy không có nghĩa tham muốn không thể là nguyên nhân đem lại hạnh phúc khi chúng ta biết thư giãn, biết hài lòng với bản thân và cuộc sống. Song nếu không biết cách kiểm soát, tham muốn sẽ khiến chúng ta ngày càng trở nên bám chấp, cứ mải miết kiếm tìm thứ sẽ mang lại hạnh phúc cho riêng mình. 

Tham muốn cũng tạo nên sự bám chấp trong tâm. Không chỉ bị trói buộc trong cách suy nghĩ và nhìn nhận thế giới bên ngoài (chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về “Tâm duy ngã” ở phần sau của sách),

Chúng ta còn trở nên quá bám chấp vào những đối tượng mình tham muốn. Chúng ta nghĩ một người nào đó sẽ đem lại cũng như có thể tước đoạt hạnh phúc của ta; hoặc nghĩ chỉ cần được thăng chức, chúng ta sẽ có thể nghỉ ngơi và hân hưởng cuộc sống (vậy ngay lúc này thì sao?).

Nếu những bám chấp này trở nên quá sâu dầy, chúng sẽ đè nặng tâm trí và ngăn cản chúng ta chẳng còn thấy gì ngoài những tham muốn của mình và đồng thời bỏ qua những điều tốt đẹp ý nghĩa hơn nhiều trong cuộc sống. 

Ở Thái Lan, tôi gặp một vị giáo sư, ông đã thực hiện một cuộc khảo sát với câu hỏi: “Bạn thực sự muốn gì?” Câu trả lời phổ biến nhất của mọi người là “Tôi muốn bình an”. Ông đã cười khi nghe câu nói này, vì nếu biết bỏ các từ “tôi” và “muốn” trong câu thì chúng ta sẽ có được sự “bình an”.

3. Sự tự ngã

Ý thức về cái tôi là nguyên nhân gây ra phần lớn cảm giác bất an song cũng có thể giúp ta trưởng dưỡng tâm an lạc. Xét từ góc độ nhất định, việc chúng ta thường không hài lòng về mình cũng có khía cạnh tích cực, bởi nếu không, chúng ta sẽ chẳng bao giờ buồn nghĩ cách trưởng dưỡng bản thân để trở nên tốt hơn.

Song khi bám chấp vào sự tự ngã, gắn liền với những xúc tình cụ thể và cách hành xử của mình, chúng ta sẽ không thể học được những bài học quý báu mà chỉ luôn cảm thấy tự thất vọng chán chường về bản thân. 

Nếu không vững vàng chính kiến, tâm ta dễ trở nên dao động, luôn bận rộn tìm kiếm ở mọi nơi; hoặc chúng ta có thể nhận ra bản thân giống như một chiếc đĩa nhạc bị vấp, mỗi lần đều quay lại với một lựa chọn giống nhau – tự thân chúng ta biết mọi chuyện chưa ổn, song dưới ảnh hưởng của thói quen tập khí, chúng ta không dễ gì bước ra khỏi lối mòn.

Hãy thử nhìn vào bên trong nội tâm – học cách lắng nghe tiếng nói tĩnh lặng từ sâu thẳm trong bạn. Hãy dành một chút thời gian với chính mình, đừng vội vã muốn có ngay câu trả lời. Không phải lúc nào ta cũng tìm được lời giải đáp, nhưng ít nhất việc tự cho mình nghỉ ngơi và để tâm thư giãn có thể giúp bạn nhận ra vô số điều tốt đẹp xung quanh.

Cũng có thể bạn sẽ để những người thân giúp bạn nhìn nhận mọi thứ rõ ràng hơn, giải phóng bạn khỏi những mối bận tâm và được quay trở lại là chính mình.

(Trích ấn phẩm “Tâm An lạc” – Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *