Khái niệm này dựa trên bản chất vô ngã ” không thật tướng” và vô thường của sự vật.
Sự sống hằng ngày cho chúng ta thấy rõ sự phụ thuộc của chúng ta vào môi trường chung quanh như thế nào. Nhưng phải chăng mọi sự vật trong vũ trụ đều ảnh hưởng lẫn nhau, chẳng hạn trái đất và một hành tinh xa xôi nào đó trong Ngân Hà hay trong một thiên hà nào khác?
Lý thuyết tương đối tổng quát khẳng định rằng tất cả sự vật kể cả không gian và thời gian đều liên đới phụ thuộc lẫn nhau. Tính liên đới phụ thuộc của sự vật chứng minh hùng hồn rằng mỗi “cái tôi” phải phụ thuộc vào tất cả những “cái không tôi” để tồn tại.
Cho dù một ẩn sĩ ở rừng sâu cũng không thể sống độc lập, trái lại phải nhờ cây cỏ thú rừng để tồn tại. Như vậy mỗi ‘cái tôi’ đều do những ‘cái không tôi’ tạo thành. Phật Giáo được hình thành bằng những cái không Phật Giáo. Ky-Tô Giáo hay bất cứ một tôn giáo nào khác cũng tương tự như vậy.
Do đó Phật Giáo có (bởi vì Phật Giáo đang là một tôn giáo sờ sờ trước mắt chúng ta) mà đồng thời cũng không có (bởi vì Phật Giáo thật ra hình thành từ những cái không Phật Giáo), và ngược lại.
Tương tự, cái tôi (hay bản ngã) cũng vậy, có mà không, không mà có. Trên đây là ý nghĩa trừu tượng của câu nói ‘Sắc tức thị không, không tức thị sắc’. Đối với nghĩa đen cụ thể của câu nói, nhiều tu sĩ Phật Giáo cũng đã bàn đến.
Thiền Sư Đại Hàn, Mu Soeng Sunim, tác giả quyển ‘Heart Sutra, Ancient Buddhist Wisdom in the light of Quatum Reality’, đã nêu lên sự song song về khái niệm hư vô của Phật Giáo với lý thuyết vật lý nguyên lượng. Trong bài viết này tôi xin nêu lên một ví dụ cụ thể khác: Năng lượng của vũ trụ thật ra có mà không, không mà có.
Mỗi chúng ta hẳn đã hình dung đến sự bao la của vũ trụ. Chỉ du hành vòng quanh trái đất khoảng 25 ngàn dặm, chẳng bao nhiêu người đã thực hiện được. Mặt trăng là nơi xa xôi nhất một vài phi hành gia đã đặt chân đến, cách trái đất 240 ngàn dặm.
Nếu muốn thám hiểm mặt trời chúng ta phải du hành một khoảng cách 400 lần xa hơn mặt trăng. Mặt đất nếu được trải rộng lên bề mặt trên mặt trời chỉ chiếm một phần diện tích nhỏ bé của mặt trời mà thôi. Mặt trời của chúng ta không phải duy nhất, trái lại chỉ là một trong khoảng 100 tỷ tinh tú khác trong dải Ngân Hà.
Sự vật không thể biến hiện một cách không tiên đoán được, trái lại chúng biến hóa một cách liên tục và không ngừng tuân theo những nguyên lý của tạo hóa. Khái niệm bất sinh bất diệt này được cụ thể hóa một thế kỷ sau đó qua lý thuyết nguyên tử khởi xướng bởi Leucippus và Democritus, cho rằng vạn vật là kết hợp của những nguyên tử tồn tại vĩnh viễn và không thể phân chia. Những tư tưởng này được phản ảnh một cách mạnh mẽ bởi Lucretius vào thế kỷ thứ nhất trước công nguyên.
Trong quyển ‘On the Nature of Things’ Lucretius viết rằng không có sự vật gì có thể tạo thành từ hư không (Nothing can be created from nothing). Ông lập luận rằng vật chất bao gồm hai loại, những nguyên tử và những kết hợp của những nguyên tử. Nguyên tử có độ rắn chắc tuyệt đối nên không thể bị phá vỡ và do đó được duy trì vĩnh viễn. Mãi cho đến thế kỷ 18 những tư tưởng triết học trên mới trở thành những định luật bảo toàn của khoa học.
Có một câu hỏi thường vẫn được tranh luận: Mãi mãi tồn tại trong tương lai phải chăng cũng hàm ý mãi mãi tồn tại trong quá khứ?
Quan niệm về vũ trụ không có bắt đầu không có kết thúc được bảo vệ bởi hai lý thuyết trước đây. Thứ nhất là lý thuyết về trạng thái (vĩnh viễn) ổn định của vũ trụ: Vũ trụ là vô hạn, và để giữ mật độ vật chất không thay đổi khi vũ trụ bành trướng, vật chất mới liên tục được hình thành. Vũ trụ chỉ có một nhưng mãi mãi còn đó, không có bắt đầu cũng không có kết thúc.
Thứ hai là lý thuyết về một vũ trụ tuần hoàn, hình thành, bành trướng rồi thoái hóa, chuẩn bị tái sinh cho một chu kỳ khác. Ngày nay đã có bằng chứng thực nghiệm để bác bỏ lý thuyết thứ nhất, trong lúc nhiều nhà khoa học vẫn nghi ngờ lý thuyết thứ hai.
Như vậy khi tranh luận về một vũ trụ không có khởi điểm, chỉ có thuyết vũ trụ gia tốc bành trướng là một hy vọng. Tuy lý thuyết này khẳng định toàn bộ vũ trụ (nghĩa là tập hợp tất cả những vũ trụ có thể có) mãi mãi tồn tại trong tương lai, người ta vẫn không biết vũ trụ có mãi mãi tồn tại trong quá khứ không, trừ phi giả chân không vĩnh viễn tồn tại, một điều mà chưa ai có thể chứng minh được.
Tổng số năng lượng của toàn bộ vũ trụ phải bằng không. Khối vật chất khổng lồ trong toàn bộ vũ trụ (năng lượng dương) thật ra cân bằng với thế năng của trọng trường của toàn bộ vũ trụ (năng lượng âm). Vật chất (tức năng lượng) tuy đang sờ sờ trước mắt chúng ta, nhưng thật ra vật chất đó đến từ hư vô.
Có mà không, không mà có.
~ Tâm Tàn