Nếu thật lòng yêu thương, con người tự nhiên có trách nhiệm với đối tượng mà mình yêu thương. Yêu nước thì phải có trách nhiệm với đất nước. Yêu gia đình thì phải có trách nhiệm với gia đình. Yêu thiên nhiên thì phải có trách nhiệm với thiên nhiên. Tất cả mọi tình cảm đều như thế, tình vợ chồng, tình cha mẹ con cái, tình bạn bè, tình đồng đạo… đều kèm theo tinh thần trách nhiệm.
Ta có thể dùng tinh thần trách nhiệm làm thước đo tình cảm của con người, chứ đừng nghe miệng người đó nói. Bao nhiêu lời ngọt ngào cũng vô nghĩa nếu thiếu tinh thần trách nhiệm với nhau.
Khái niệm Từ Bi trong đạo Phật cũng phải lấy tinh thần trách nhiệm mà đánh giá. Ta quán từ bi yêu thương tất cả chúng sinh, nhưng rốt cuộc ta làm được gì cho chúng sinh, hay chỉ là suy nghiệm mà không làm gì cả. Đau khổ của chúng sinh là vô hạn, và nếu lòng thương yêu của ta cũng là vô hạn, ta mãi mãi không mệt mỏi làm mọi điều lợi ích cho chúng sinh.
Ta hiểu đạo, yêu đạo, cũng phải có trách nhiệm với đạo pháp, để đạo pháp trường tồn cho chúng sinh nương tựa. Ta yêu huynh đệ, ta phải có trách nhiệm với huynh đệ, giúp huynh đệ được thuận lợi tiến tu.
Càng yêu thương nhiều thì sẽ càng vất vả, nhưng không thể sống mà không yêu thương ai. Thôi thì ta chấp nhận vất vả để yêu thương được tất cả chúng sinh.
Hai người đau khổ ngồi lại với nhau tâm sự, có thể họ sẽ bớt khổ, nhưng bớt khổ nghĩa là… vẫn còn khổ. Còn hai người hạnh phúc kết nối, giống như hai dòng sông xuôi dòng, họ sẽ cộng hưởng hạnh phúc, họ sẽ cùng nhau làm nên những điều ý nghĩa hơn, to lớn hơn, họ sẽ cùng ra biển lớn. Đó là lý do mà chúng ta có bước số ba này.
Hãy hình dung đến một thế giới mà ai cũng biết cách yêu thương Bản Thân họ đúng cách. Ai cũng có một cơ thể khỏe mạnh và đáng yêu, ai cũng có một tâm trí bình an sáng suốt. Lúc ấy, người ta đến với nhau để cùng cộng hưởng hạnh phúc.
Có những nỗi đau day dứt đến hàng năm trời, mà khi nhìn lại, chiêm nghiệm lại, mình nhận ra rằng chính mình đã yêu cái hình bóng lý tưởng kia, chứ không phải là yêu người đó. Nhìn lại, những sự việc trên đa phần đều xảy đến do những tổn thương thời thơ ấu, và nó theo ta trên suốt chặng hành trình trưởng thành.
Khi ta chưa biết yêu thương chính mình một cách sâu sắc, khi ta chưa vững vàng ta dễ có xu hướng để tìm một nơi để ta tựa vào. Giống như bản thân ta là một cây tầm gửi, ta cần tìm một nơi một ai đó để dựa vào. Rồi sau đó, ta sẽ cảm thấy đầy thất vọng, buồn bã, thấy giống như thế giới trong ta tan vỡ. Một mình ta đang chống chọi lại với thế giới khi nơi kia/ người kia không còn là chỗ dựa của mình nữa. Ta tràn trề thất vọng khi người ta không như ta nghĩ.Và sau đó ta nhận ra, chẳng có ai khác có thể đem lại hạnh phúc bền vững cho chính mình, ngoài bản thân mình cả.
Ta hiểu ra rằng, những ràng buộc, gắn bó ấy không phải là một dạng của tình yêu đích thực (tình yêu vô điều kiện, không vị kỷ) Và ta cũng hiểu được rằng một mối quan hệ chỉ thật sự bền vững, đơm hoa kết trái khi 2 cá thể biết tự thương lấy mình, là 2 cá thể độc lập & tương hỗ lẫn nhau (interdependent).
Và trên con đường ấy, ta quay về học cách chữa lành, yêu thương bản thân mình một cách trọn vẹn, sâu sắc hơn.Quả thật là chỉ khi bước vào mối quan hệ hiện tại, mình mới có được những nhận thức sâu sắc hơn rất nhiều về bản thân, về chữa lành, về tình yêu. Và mình trưởng thành lên rất rất nhiều
-Sưu Tầm-