Tâm sân hận được nuôi dưỡng không phải chỉ bằng các thức ăn mà còn bằng những gì ta tiêu thụ qua mắt, tai, và ý thức. Như vậy tiêu thụ những sản phẩm văn hóa cũng có liên hệ tới tâm sân hận. Cho nên hoạch định một đường lối tiêu thụ là rất quan trọng.
Tất cả những gì ta đọc trong báo chí, xem trên truyền hình đều có thể độc hại vì có thể chứa đầy những yếu tố sân hận, bức xúc. Một cuốn phim trên màn ảnh, cũng như một miếng thịt bò, có thể chứa đầy sân hận. Báo chí cũng như chuyện trò cũng có thể chứa đầy sân hận.
Đôi khi vì cảm thấy trống trải mà ta chuyện trò. Nhưng chỉ nội trong một giờ những lời nói của người kia có thể đưa vào tâm thức ta rất nhiều độc tố. Nếu ta tiêu thụ quá nhiều độc tố sân hận thì một ngày nào đó sân hận sẽ phát hiện. Vì vậy cho nên tiêu thụ cho có chánh niệm là một điều rất quan trọng. Khi nghe tin tức hay đọc một bài báo, khi bàn luận một vấn đề gì với người khác cũng có thể là ta đang tiếp nhận những độc tố như khi ta ăn uống thiếu chánh niệm.
Thường thì mọi người dễ đánh mất bản thân mình trước những cảm xúc mạnh và bị chúng choán hết tâm trí. Đó không phải là cách để ta chế ngự cảm xúc, bởi khi chuyện xảy ra như thế, bạn sẽ là nạn nhân cuả cảm xúc.
Để tránh không trở thành nạn nhân, hãy hít thở, tĩnh tâm và rồi bạn sẽ nhìn sâu vào bên trong con người mình, thấy rằng cảm xúc cũng chỉ là cảm xúc mà thôi, không hơn. Việc nhìn sâu vào trong tâm hồn mình là rất quan trọng, bởi bạn sẽ không còn sợ hãi nữa.
Bạn sẽ bình tĩnh và không còn muốn chạy trốn nữa. Bạn sẽ xử lý tốt hơn các cảm xúc. Hãy xem hơi thở chính là con người bạn. Bạn cần có sự liên kết với hơi thở để trở thành chính mình một cách tốt hơn, để mạnh mẽ hơn.
Hãy cùng đối mặt với những cảm xúc tiêu cực và luyện tập cách cân bằng giữa trí huệ và cảm xúc. Rồi bạn sẽ chế ngự cảm xúc tốt hơn. Bạn không nên tìm cách quên đi cảm xúc của mình. Thay vì thế, hãy sống thật với chính mình, dần dần bạn sẽ trở nên cứng rắn và mạnh mẽ để xử lý cảm xúc của mình
Sư Ông Làng Mai.