Sự hiện tồn, cái vũ trụ vật lý này, về căn bản là chuyện vui đùa.
Nó không phải là chuyện nhất thiết, theo bất cứ nghĩa nào.
Nó chẳng đang đi tới đâu cả.
Nói vậy là để nói nó không hề có một đích đến nào đó phải tới nơi. Sẽ dễ hiểu nhất khi ví nó với âm nhạc, bởi vì âm nhạc, là một dạng nghệ thuật, về cốt tủy mang tính chơi đùa: chúng ta nói, “cậu chơi đàn dương cầm” – ta không “chạy việc” trên đàn dương cầm. Tại sao lại vậy?
Âm nhạc thì khác, chẳng hạn như, với việc du hành. Khi bạn lên đường, bạn đang cố tới được một nơi nào đó. Còn ở trong âm nhạc, người ta không lấy kết thúc của tác phẩm làm mục đích cho nó.
Chứ nếu mà như thế, nhạc trưởng giỏi nhất sẽ là người chơi nhanh nhất, và sẽ có những nhà soạn nhạc chỉ viết những nốt cuối cùng. Người ta sẽ đi tới buổi hòa nhạc chỉ để nghe một hợp âm vang lên rồi tắt ngúm, bởi lẽ đấy là kết thúc của bài nhạc.
Với khiêu vũ cũng vậy. Ta không nhắm tới một điểm cụ thể nào ở trong căn phòng, là nơi mà ta phải đi tới. Toàn bộ mục đích của việc khiêu vũ là điệu vũ.
Nhưng giờ, chúng ta không thấy đó là điều mà nền giáo dục của chúng ta đưa vào cuộc sống hàng ngày của mình. Chúng ta có một hệ thống dạy học ở trường cho ta một cảm tưởng hoàn toàn khác.
Tất cả đều được phân lớp, và điều mà chúng ta làm là đặt đứa trẻ vào cái hành lang của hệ thống phân lớp này, theo cái kiểu “Tới đây nào, mèo con.” Và giờ, ta đi học mẫu giáo rồi đó – và đấy là một điều tuyệt vời, bởi vì khi ta hoàn thành nó, ta sẽ được vào lớp một.
Và rồi, “Đi tiếp thôi nào,” lớp một dẫn tới lớp hai, và cứ thế, rồi ta sẽ ra khỏi các lớp cơ sở, ta vào trung học, vòng quay tiếp tục, sắp tới nơi rồi, và rồi ta lên tới cao đẳng, và có Chúa biết, sau đó ta vào trường đại học, rồi sau khi ta học xong đại học, ta ra ngoài kia gia nhập vào thế giới.
Rồi ta vào nơi nhốn nháo nào đó, nơi ta đi bán bảo hiểm, bọn họ đặt hạn ngạch phải đạt được, và ta sẽ phải đạt được, và sắp tới nơi rồi. Nó sẽ tới. Điều vĩ đại đó, cái thành công mà ta đang bỏ công ra để đạt được đó.
Rồi một ngày lúc tầm bốn mươi tuổi, ta thức dậy, rồi ta thốt lên, “Lạy Chúa tôi! Mình đã tới rồi! Mình đang ở đó!” Và ta chẳng cảm thấy gì khác so với những gì ta vẫn luôn cảm thấy. Hãy nhìn những người sống để chờ tới lúc nghỉ hưu, để đem gửi tiết kiệm mà xem.
Khi họ 65 tuổi, họ chẳng còn lại tí sức lực nào, đại loại là bất lực, nên họ vào sống và mục ruỗng trong một cộng đồng dành cho những người già, “những công dân cao tuổi”.
Bởi vì đơn giản một điều, chúng ta tự lừa dối chính mình suốt cả cuộc đời. Chúng ta đã nghĩ rằng cuộc đời tương tự như một chuyến đi, như một cuộc hành hương, với một mục đích nghiêm túc nằm ở cuối đường, rằng chuyện này sẽ dẫn tới một kết cục: thành công, hay là bất cứ gì cũng vậy, hoặc giả là thiên đường sau khi ta chết.
Nhưng chúng ta đã bỏ lỡ ý nghĩa đích thực suốt cả cuộc đời.
Nó là một thứ thuộc về âm nhạc, và đáng lý ra ta phải ca hát, hay nhảy múa, trong khi nhạc còn đang được tấu lên.
-Alan Watts-