Cơ chế phòng vệ chính của tâm trí con người

Dồn nén

Đó là việc đẩy lại và giữ các xung năng bị cấm đoán và các biểu tượng, đại diện không được chấp nhận vào trong vô thức, không cho phép nổi lên bề mặt ý thức. Dồn nén có mối liên quan với công việc của cái Siêu-tôi, cái Siêu-tôi cũng ném trả vào vô thức bất kỳ một quan điểm nào mà xã hội không chấp nhận.

Đó là một tiến trình hoàn toàn bình thường, và cần thiết cho sự cân bằng tâm lý.

Đó là cơ chế thường được sử dụng nhiều nhất, và cơ chế này góp phần xây dựng vô thức. Nhưng khi nó vận hành theo cách quá cứng nhắc, chỉ để nhận ra những cấm đoán, thì lo hãi sẽ nẩy sinh và chủ thể sẽ rơi vào trạng thái nhiễu tâm, lo hãi này cũng giống như một sự thỏa mãn.

Ví dụ

Quên một giai đoạn tồi tệ trong cuộc sống, giai đoạn này được dồn nén trong vô thức.

Triệu chứng chuyển hoán phân ly, thể hiện một sự thỏa hiệp, nhờ có sự thỏa hiệp mà các đại diện xung năng bị cản trở sẽ hoàn toàn được dồn nén.

Thăng hoa

Đó là sự chuyển hóa một xung năng bị ngăn cấm sang hành động hữu ích và được chấp nhận về mặt xã hội (thường gặp ở chủ nghĩa vị tha và tôn giáo). Mục tiêu bị cấm đoán đã bị từ bỏ, nhằm đến một mục tiêu mới, được chấp nhận bởi cái Siêu tôi.

Đó là một cơ chế có lợi nhất và có giá trị đối với nhân cách, bởi vì nó cho phép giải phóng các xung năng dưới dạng các hành vi có giá trị theo Siêu tôi và được cộng đồng tán thưởng. Thăng hoa là sản phẩm có điều kiện, bởi giáo dục xã hội và đạo đức. Nó đảm bảo tổ chức của cái Tôi. Nó giữ vài trò quan trọng trong việc hòa nhập xã hội của chủ thể với môi trường và tham gia vào sự phát triển xã hội của chủ thể đó. Trên thực tế, nó mang lại cho chủ thể cảm giác cân bằng và hài lòng.

Ví dụ:

Một số môn thể thao đối kháng là thăng hoa của các xu hướng hung tính

Các tác phẩm nghệ thuật cho phép bộc lộ các xung năng bị cấm đoán, theo cách thăng hoa

Chủ nghĩa lý trí ở một số trẻ vị thành niên, đó là sự thăng hoa của xung năng tính dục bị ngăn cấm.

Đồng nhất

Đó là việc tiếp nhận, một phẩm chất hay một thái độ của một người khác. Đồng nhất giữ vai trò quan trọng sâu xa trong quá trình hình thành nhân cách và đặc biệt là của cái Siêu tôi, với việc đồng nhất với bố mẹ. Giải pháp thích đáng cho phức cảm ơ đip là đồng nhất với người bố.

Ví dụ:

Diễn viên đồng nhất với nhân vật của kịch bản, các bạn trẻ đồng nhất với thần tượng của họ, v..vv..

Phóng chiếu

Đó là việc ném trả lên người khác, những cảm xúc hay những xung năng không chấp nhận được (mà chủ thể chối bỏ nó ở trong chính mình).

Đó là một cơ chế phòng vệ hiệu quả để chống lại lo âu, bởi vì nó cho phép sự căng thẳng bên trong được chảy đi, được giải tỏa, nhưng nó làm méo mó mối quan hệ với người khác và có thể dẫn tới những khó khăn trong các mối quan hệ.

Phóng chiếu rất thường được sử dụng, trong điều kiện không có vấn đề tâm bênh: mê tín, huyền thoại, tâm linh, v..v..

Nó được sử dụng một cách hệ thống, theo cách cực đoan, trong hoang tưởng (các xung năng thù ghét được phóng chiếu lên người khác, do đó chủ thể cảm thấy mình bị hại, người khác là những kẻ truy hại).

Ví dụ:

Đứa trẻ đánh người khác và nó nói rằng nó bị người ấy đánh

Người bị hoang tưởng, họ ghét một ai đó và họ cho rằng người đó muốn làm hại họ.

Thoái lùi

Đó là khi chủ thể tìm kiếm cách để giải quyết xung đột bằng cách quay lại các hành vi, các suy nghĩ hay các kiểu mối quan hệ ở một giai đoạn đã vượt qua, trước đây của quá trình phát triển nhân cách. Nó cho phép tránh các căng thẳng và xung đột mà họ phải đối mặt trong hiện tại. Việc sử dụng nhiều quá cơ chế này chứng tỏ một sự chưa trưởng thành về nhân cách.

Thoái lùi được sử dụng một cách tạm thời (ví dụ trong quá trình bị đau ốm, chủ thể ở trong tình huống giống như đứa bé) hoặc kéo dài (giống như trong nhân cách hysteri chẳng hạn). Trong các trường hợp kéo dài, thoái lùi là một cơ chế nền tảng cho việc hình thành các căn bệnh tâm thần: ở mỗi giai đoạn phát triển mà chủ thể thoái lùi về một cách có hệ thống sẽ tương ứng với một kiểu bệnh tâm thần.

Phủ nhận

Đó là sự khước từ việc nhận ra một sự kiện thực tế nào đó (bằng cách phủ định thực tế của nhận thức). Cơ chế phủ nhận thực hiện sự phủ quyết hiện thực của tri giác về đối tượng. Thường đó là các sự kiện thực tế gây đau khổ.

Cơ chế này có thể là hữu ích, khi nó đi theo ngay lập tức các sự kiện gây chấn thương, với điều kiện nó không kéo dài cũng không gây trở ngại cho việc gia nhập xã hội. Trong trường hợp cơ chế này kéo dài, người ta có thể bị khó khăn về loạn thần hoặc lệch lạc tính dục.

Ví dụ:

Hiện tượng “chi ma” ở những người bị cụt, phủ nhận cái chết của ai đó trong giai đoạn tang, phủ nhận một căn bệnh nặng.

Phủ nhận một cách có hệ thống về thực tế sẽ gây cản trở, ví dụ như ở những người mắc bệnh loạn thần.

Từ chối

Xung năng gây cản trở không được dồn nén, nó xuất hiện ở trong ý thức, nhưng chủ thể bảo vệ mình khỏi nó bằng cách từ chối (từ chối việc chấp nhận) rằng có liên quan đến chủ thể

Ví dụ:

Các tuyên bố kiểu như: “người phụ nữ xuất hiện trong giấc mơ của tôi không phải là mẹ tôi” hay “tôi hoàn toàn không nghĩ về điều đó đâu”, các tuyên bố ấy có giá trị hơn cả một sự khẳng định!!

Phản ứng ngược

Một xung năng không được chấp nhận sẽ chuyển hóa sang điều ngược lại: chủ thể sẽ thể hiện hay tiếp nhận một hành vi có hướng hoàn toàn ngược lại với các xu hướng của bản năng.

Ví dụ:

Sự sạch sẽ thái quá ở những người bị ám ảnh, có thể là cơ chế phòng vệ chống lại ham muốn vô thức về sự bẩn thỉu hay ham muốn chơi với những cái bẩn.

Chủ nghĩa khổ hạnh ở một số trẻ vị thành niên, thể hiện sự hình thành phản ứng ngược để chống lại sự thúc đẩy của các xung năng tính dục ở tuổi dậy thì.

Sự lịch sự thái quá và vị tha có thể thể hiện cơ chế hình thành phản ứng để chống lại sự hung tính vô thức.

Sự ân cần thái quá cũng có thể là cơ chế phản ứng ngược để chống lại sự thù ghét.

Chuyển dịch

Cho phép chuyển những cảm xúc có liên quan đến những điều bị ngăn cấm đến những điều ít bị cấm đoán hơn, nhưng vẫn có liên quan đến những điều bị ngăn cấm ấy bằng một yếu tố có ý nghĩa tượng trưng.

Ví dụ:

Nỗi sợ hãi về tình dục có thể dịch chuyển sang nỗi sợ ra ngoài đường phố. Mối quan hệ giữa hai điều này (vấn đề tình dục và đường phố) là, con phố là biểu hiện của mối liên quan với các cuộc gặp gỡ, mà các cuộc gặp gỡ thì có thể đẩy tới các mối quan hệ tình dục.

Ngô Thị Thu Huyền

Sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *