Chiêm nghiệm về Nghiệp

Ai học Phật cũng biết đến bốn điều “bất khả tư nghì”, tức bốn điều không thể nghĩ bàn với người thường: cảnh giới Phật, cảnh giới thiền, nghiệp và vũ trụ. Trong số ấy nghiệp lại luôn là đề tài được nghĩ bàn nhiều nhất, bởi nghiệp liên quan trực tiếp đến đời sống của mỗi người. Tôi cũng đã có rất nhiều năm học hỏi về nghiệp, trải nghiệm về nghiệp, suy ngẫm về nghiệp, nhưng cuộc đời thực cùng với rất nhiều kinh sách không giúp làm sáng rõ hơn về điều bất khả tư nghì này. Chỉ đến khi tiếp cận và thực hành khoa học tâm linh, tôi mới có những khai mở thực sự về nghiệp. Hôm nay, tôi xin chia sẻ với các bạn một số chiêm nghiệm của mình về nghiệp, với mong muốn sẽ giúp các bạn có được cách tiếp cận đúng đắn về nghiệp, để tiến bộ hơn trên bước đường tâm linh của mình.
Nghiệp là gì? Nghiệp là cách để các thực thể tâm linh trải nghiệm bản chất của mình. Hay nói cụ thể hơn, 
Nghiệp chính là cơ chế để các linh hồn học hỏi trên trái đất.

Các bài học thì rất đa dạng, nhưng tựu chung lại, đều quy về bài học tình yêu thương vô điều kiện, cũng chính là bản chất của Thượng đế. Để học ra bài học này, các linh hồn phải trải qua các bài học làm tổn hại người khác, tổn hại đến chính mình, rồi lại bị người khác làm tổn hại, cuối cùng là luôn giúp đỡ, yêu thương người khác và chính mình. Để thực sự học được bài học vô điều kiện, linh hồn phải hiểu được bài học về sự nhất thể, tức toàn bộ vũ trụ này, bao gồm tất cả những gì ở trái đất, đều là Thượng đế. Chỉ có một tình yêu thương với một thực thể duy nhất mà thôi.
Phát hiện đáng kinh ngạc nhất nhưng cũng thú vị nhất của tôi về nghiệp, đó là: chúng ta có quyền tự do ý chí trong việc lựa chọn những nghiệp nào để trải nghiệm. Ở thế giới linh hồn, trước khi đầu thai vào một thân xác mới, linh hồn sẽ xem xét lại tất cả những nghiệp mình chưa trả hết, hay những bài học mình chưa học xong, rồi tiếp tục cân nhắc ở kiếp sống tới, muốn trả bao nhiêu nghiệp, trả những nghiệp nào. Rồi linh hồn sẽ tìm đến những linh hồn cần tham gia vào việc trả nghiệp cùng với mình, để thỏa thuận và xây dựng nên một kịch bản cho cuộc đời tương lai. Kết thúc quá trình đó chính là việc ký kết một hợp đồng linh hồn dưới dạng năng lượng. Các linh hồn sẽ chờ nhau để đầu thai vào đúng bối cảnh đã chọn. Toàn bộ quá trình này được hướng dẫn bởi các thực thể tâm linh bậc cao như Hội đồng trưởng lão, vị thày tâm linh. Khi đầu thai vào cơ thể con người, linh hồn sẽ bị che bởi một màn chắn làm quên hết những gì của thế giới linh hồn, mà chỉ nghĩ mình chính là cơ thể này. Có những kiếp sống chúng ta chọn thật an nhàn sau nhiều kiếp sống mệt mỏi, nhưng cũng có những kiếp sống thực sự khốc liệt để đẩy nhanh quá trình tiến hóa. Từ thực tế này, có thể rút ra những kết luận rất quan trọng. 
Nghiệp không phải là cơ chế thưởng phạt,nghiệp là cơ chế để học hỏi.

Không có một Thượng đế hay đấng thần linh nào trừng phạt chúng ta, mà chúng ta đang đi học để trở nên tiến bộ mà thôi. Cũng không có chuyện chúng ta là vua chúa, thiên tài, triệu/ tỉ phú là do được thưởng vì những hành vi tốt trong kiếp trước. Đây chỉ là những vai trò chúng ta chọn để học hỏi mà thôi. Ai cũng có thể trở thành những người đó nếu muốn. Nghiệp do chính chúng ta chọn,phù hợp với trình độ của mình.

Vì vậy nên không thể trách cứ bất kể một ai khác, nếu có thì trách mình mà thôi. Chúng ta như những đứa trẻ đang ngày ngày được đến trường, nhưng lại luôn mè nheo, làm mình làm mẩy với bố mẹ, đòi được nghỉ học, chuyển trường, thay cô giáo và bạn học. Bạn có thể làm việc đó, nhưng hãy chờ đến lúc kết thúc kiếp sống. Và phải chờ đến lúc kết thúc theo đúng kịch bản. Còn nếu bạn tự ý kết thúc bằng cách tự tử, thì chính bạn sẽ tự nguyện quay lại để học nốt các bài học dang dở này.

Những con người quan trọng nhất,sự kiện quan trọng nhất đã được quyết định từ trước.

Sở dĩ như vậy chính là để hoàn thành bài học trong kiếp sống đó. Biểu hiện rõ nhất của điều này là trong mối quan hệ tình yêu, hôn nhân. Có ai dám khẳng định rằng, người bạn đời của mình hoàn toàn là do khả năng và lý trí của mình lựa chọn không?
Cơ chế tác động của nghiệp là vô hình nhưng rất chính xác. Đối với con người,nghiệp biểu hiện rõ nhất ở thân thể và cảm xúc.

Trong cuốn sách “Điều kỳ diệu của ký ức”, Sylvia Browne đã đưa ra khái niệm “tế bào ký ức”, trong đó mô tả mỗi tế bào đã lưu giữ sẵn những nghiệp quá khứ của linh hồn, khi có điều kiện phù hợp thì những nghiệp này sẽ được bộc lộ ra thành các hiện tượng trên thân thể. Theo tôi, nghiệp cũng là một cơ chế về năng lượng. Khi con người thực hiện một hành vi xấu, thì một năng lượng xấu đã được tạo ra. Linh hồn luôn có xu hướng cân bằng hay hóa giải các năng lượng xấu ấy bởi một hành động tốt theo chiều ngược lại. Con người đã mang sẵn những nghiệp mình cần phải trả, khi có điều kiện thì nghiệp sẽ được hiện thực hóa thành những hiện tượng cụ thể. Đạo Phật có diễn dải khá dễ hiểu: Nghiệp đã được mang sẵn, khi có Duyên (điều kiện), thì nghiệp sẽ trổ ra Quả (hiện tượng).

Nghiệp tác động dẫn đến những biểu hiện,hành vi vô thức,không thể giải thích.

Có nhiều chủ thể kiếp trước đã giết hại rất nhiều những con vật. Linh hồn của chúng tiếp tục đi theo sang kiếp này để báo oán. Chúng tác động lên cơ thể các bạn đó, làm cho cơ thể bị nhiều căn bệnh không rõ nguyên nhân, đồng thời tác động vào tâm lý, làm cho các bạn ấy luôn cảm thấy bất an, dẫn đến nhiều hành vi gây hại cho cơ thể mình. Tôi đã gặp những cô gái bị lừa mất đi sự trinh trắng bởi những người đàn ông quá tầm thường, hoặc những doanh nhân rất kinh nghiệm, bị lừa số tiền rất lớn bởi những người phụ nữ thất học, đến nỗi mọi người không thể tin được. Xét dưới góc độ của nghiệp và nhìn trong nhiều kiếp sống thì lại thấy rất công bằng và logic. Một trong những nghiệp mạnh nhất trong đạo Phật gọi là cận tử nghiệp, tức nghiệp phát sinh trước khi chết, đặc biệt những cái chết đau đớn. Rất nhiều người sợ rắn, bởi trong một kiếp xa xưa, khi con người sống giữa thiên nhiên, họ đã bị rắn độc cắn chết. Hay những người có làn da loang lổ là do chết trong một vụ hỏa hoạn. Một điều rất quan trọng nữa, là kiếp này bạn không nhất thiết phải chịu một hành động từ chính người bạn đã gây hại từ kiếp trước.

Kiếp trước bạn có thể giết hại một người, nhưng kiếp này họ có thể lạm dụng tình dục, đánh đập bạn, hoặc lấy của bạn một số tiền rất lớn. Nếu chính người đó kiếp trước không có oán hận gì với bạn, thì bạn phải tìm một người khác để học bài học về việc không làm tổn hại đó.
Nghiệp được tạo ra thế nào? 
Nghiệp được tạo ta bởi chính sự phản ứng với nghiệp.

Khi quả của nghiệp được trổ, nếu bạn thấy đau khổ, muốn chối bỏ, đổ lỗi, thì tức là bạn chưa học được bài học. Khi ấy lại thêm một năng lượng xấu được tạo ra, bạn cần tiếp tục tạo ra năng lượng tốt để cân bằng lại. Gần đây tôi gặp khá nhiều những chủ thể nghe hay tham gia các khóa thiền, khóa đào tạo chữa bệnh bằng năng lượng. Các bạn ấy gặp nhiều vấn đề về cơ thể như mệt mỏi, đau đớn, sợ hãi, một số bạn gặp nhiều linh hồn (vong) đến quấy phá. Khi mời các linh hồn ấy đến, thì ra họ là những người đã bị những chủ thể này hãm hại trong tiền kiếp, giờ các chủ thể do tu tập sai đường nên có cơ hội đến đòi nợ. Khi được tôi phân tích về việc không nên ôm chặt những oán hận đó qua nhiều kiếp sống nữa, mà nên siêu thoát để tiếp tục hành trình tiến hóa của linh hồn, họ đều nghe ra và vui vẻ rời đi.

Chủ thể trong bài viết “Mã gen mới và những sứ mệnh lặng thầm” cũng đã trải qua 6 kiếp bị giết cùng bởi một cách đâm vào ngực, bởi bạn ấy chưa học được bài học về cơ thể tạm thời này. Bạn ấy quá dính mắc và đau đớn khi bị giết hại, nên đã học đi học lại cùng một cách thức bị giết hại ấy, cho đến khi hiểu ra. Trong cuộc sống, tình huống chúng ta hay gặp nhất chính là việc phải ứng xử với những người đã gây tổn hại đến mình. Với những người đã hiểu về nghiệp, thì sẽ nhìn ra ngay kiếp trước, bạn đã gây tổn hại đến những người đó, nên họ có quyền đến để đòi nợ, hay cách khác, chính bạn đã nhờ họ đến “chơi lại” bạn để bạn tỉnh ngộ. Nếu bạn trả thù, thì tức là bạn đã đòi lại món nợ đáng lẽ ra bạn phải trả. Nếu bạn giữ trong lòng sự giận giữ, thì tức là bạn chưa học xong bài học.

Trong hai trường hợp đó, một nghiệp mới đã được tạo ra trong ngân hàng nghiệp của bạn và sẽ chờ ở đó cho đến khi bạn cân bằng được. Vậy nên, cách phản ứng tốt nhất đối với bất kể nghiệp nào, với bất kể ai gây hại cho mình, đó là bỏ qua, không nghĩ đến, không quan tâm, không có cảm xúc tiêu cực nữa. Khi làm được như vậy, các bạn sẽ trải nghiệm một sự kỳ diệu: nghiệp sẽ ngừng, tổn hại do nghiệp sẽ chấm dứt.

Rất nhiều bạn, trong đó có cả chính tôi trước kia, đã tự hỏi: nếu tất cả chúng ta đều là những thực thể tâm linh phát triển cao đến từ Thượng Đế, từ nguồn, thì bản thân chúng ta đã hoàn toàn hiểu biết rồi, vậy tại sao lại cố tình xuống trái đất, mắc chứng quên, để học các bài học ở tầm thấp như vậy? Câu trả lời nằm ở hành trình vĩ đại của linh hồn. Khi được tách ra từ Thượng Đế, từ nguồn, từ linh hồn tổng, linh hồn chúng ta chỉ là một mảnh năng lượng rất nhỏ, với một sự hiểu biết hạn chế. Linh hồn sẽ trải nghiệm rất nhiều kiếp sống, rất nhiều chiều kích, rất nhiều thân thể, để chứng thực về sự tồn tại, và trải nghiệm về sự sáng tạo. Một ngày nào đó, linh hồn sẽ quay trở về hợp nhất với Thượng Đế, mang theo rất nhiều tri thức, để phục vụ cho công cuộc sáng tạo của Thượng Đế.

Với những linh hồn tiến hóa hơn, linh hồn sẽ trở thành nguồn mới, thậm chí xa hơn là Thượng Đế mới. Xem xét gần hơn với quá trình giác ngộ và giải thoát của mỗi linh hồn, thì mỗi linh hồn cần đầu thai trung bình 500 kiếp sống để học hết các bài học trên trái đất. Với những linh hồn muốn duy trì một cường độ thoải mái hơn, thì có thể kéo dài hàng ngàn kiếp. Học trên trái đất chưa đủ thì học tiếp ở các hành tinh khác. Cũng có những linh hồn tôi đã gặp, chỉ cần mất vài chục kiếp là đã học xong. Lại có những linh hồn đã thực sự đạt được sự giác ngộ và giải thoát, nhưng đầu thai trở lại trái đất, trở thành những vị thày dẫn dắt và giúp đỡ cho nhân loại. Có những linh hồn mới đến trái đất lần đầu hoặc trong vài kiếp với sứ mệnh giúp đỡ trái đất nâng lên chiều kích 5D. Họ có một lớp màng bảo vệ để không bị kéo lại trái đất và có thể rời đi bất kể lúc nào.

Khi đã có nhiều sự chiêm nghiệm về nghiệp, góc nhìn và cảm xúc của tôi về nghiệp đã hoàn toàn thay đổi. Tôi thấy trái đất là một ngôi trường lớn, trong đó tất cả mọi người đều đang học các bài học thông qua những vở kịch. Đây là những vở kịch mà chính chúng ta là biên kịch, đạo diễn kiêm diễn viên chính. Vì là những vở kịch nên không thể bị cuốn vào chúng, không thể để cho chúng ảnh hưởng đến bản chất tâm linh chói sáng và hoàn hảo của chúng ta. Vì vậy, mỗi khi gặp những biến cố trong cuộc đời, bạn hãy nở một nụ cười, rồi bình thản tiếp tục tận hưởng vở kịch tuyệt hay này.

Cư sỹ Giác Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *