“Tính chất cốt yếu của pháp hành thiền nhằm học hỏi để hiểu biết về tâm”
Tâm hay suy nghĩ điều này rồi nhảy sang điều kia, quanh quẩn theo nhiều vấn đề khác nhau. Tâm luôn phóng giật, buông thả trong những giả thuyết và quan niệm khiến cho tâm không ngừng nghỉ.
Tỉnh giác quan sát tâm đang suy nghĩ, được gọi là chánh niệm.
Thấu hiểu “tâm đang suy nghĩ một cách rõ ràng và sáng suốt” gọi là Sampajañña
Hãy chánh niệm, nhận biết ý nghĩ bất thiện khi nó phát sinh. Và nếu là ý nghĩ tốt, hiểu biết đúng như vậy. Một ý nghĩ theo chiều hướng sai lại phải được chặn đứng lại. Phải kéo nó trở về lại con đường chân chính. Tiến trình của ý nghĩ cần phải được thận trọng theo dõi và nếu cần, phải làm cho nó chấm dứt. Hãy buông bỏ, để cho tư tưởng bất thiện trôi qua.
Trong mọi tư thế — đi, đứng, nằm, ngồi — hãy chú tâm vào thiện ý nghiệp, những suy nghĩ tạo thiện nghiệp. Tự nhiên sẽ có hạnh phúc. Một khi quý vị đã nhận thức đúng như vậy, tâm sẽ chuyên cần, tự nó hướng về thiện nghiệp, trau dồi đức hạnh và tích luỹ phước lành. Quý vị thử so sánh điều này với điều xảy ra trong thế giới vật chất. Như ta xây đắp đường xá, chế tạo xe hơi, máy bay, tàu thuyền hay vải vóc ..vv.. Nếu thận trọng và sáng suốt suy tính trước sau, thành quả sẽ khả quan, sản phẩm tốt đẹp, và công việc làm ăn sẽ phát đạt.
Với cái tâm cũng vậy. Ý nghĩ hiền thiện sẽ làm cho tâm nhẹ nhàng, thơ thới và an vui. Ý nghĩ hung bạo thiêu đốt tâm can và đưa đến đau khổ. Nếu quý vị làm ra những sản phẩm không tốt chắc chắn sẽ không bán được. Nếu quý vị nói điều không thiện lành, sớm muộn sẽ tạo ra gây gổ tranh chấp. Rồi chắc chắn đau khổ sẽ đến vì sân hận và thù oán chỉ đem đến phiền muộn và thất vọng.
Hành thiền mỗi ngày sẽ được an vui vì ta luôn nhận biết mọi sinh hoạt của yếu tố “vật chất và tâm”
Hãy trông chừng: trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, đi giải, rửa tay, bất luận đang làm gì, hãy nhận biết mình đang làm việc ấy. Phải luôn luôn hành thiền. Dù nấu ăn hay rửa chén, hãy nhận biết mỗi cử động — đó là hành thiền. Vị hành giả sáng suốt sẽ có thể hành thiền bất luận lúc nào.
Không nên mãi chờ đợi cho đúng ngày, đúng giờ, đúng thời gian, mới hành thiền. Hãy trau dồi pháp hành. Khi quý vị đang đọc sách, đang viết hay đang thêu thùa, may vá hay đang cắt móng tay đi nữa, luôn luôn nhận biết mình đang làm gì. Hãy tỉnh giác chánh niệm, gắn tâm nhận biết vào những gì đang xảy ra và an trụ nơi đó. Nhưng hãy thận trọng tránh xa điều bất thiện, vì ý nghĩ bất thiện sẽ đưa đến đau khổ phiền muộn.
Người chuyên cần tỉnh giác, luôn luôn canh chừng tâm mình như trên, nhận biết tâm mình trong từng khoảnh khắc — ngoại trừ lúc ngủ — người ấy lúc nào cũng tĩnh lặng và an lạc.
Các bậc Thánh Nhân và những vị Cao Tăng, Thiền Sư của chúng ta, đều hành thiền như thế. Tâm các Ngài luôn luôn an trụ. Các Ngài nói chuyện, nhưng tâm luôn luôn ở trong trạng thái vắng lặng và an lạc, luôn luôn có trí nhớ và nhận biết mình. Chánh niệm và trí tuệ của các Ngài luôn luôn hiện hữu để nhận biết mọi sinh hoạt, do đó, dù trong lúc chuyện trò, tâm vẫn an tĩnh và vắng lặng.
-Sưu tầm-