Tôi đã bỏ ra nhiều năm tuổi trẻ đi kiếm tìm điều mà tôi “phải” làm. Thay vào đó, đáng lẽ ra tôi phải đặt tất cả niềm tin vào những đóa hoa đang nở trên đồng cỏ mới phải. Ngay cả khi người ta chả làm gì sất, cỏ, cây và những chú sơn ca vẫn cứ sống tiếp đó thôi.
Đúng ra – tôi có thể chắp tay kính phục và quỳ rạp trước bông hoa cải củ. Ngay cả khi tôi không thể làm được thơ hay như Basho, trái tim tôi vẫn đang hát lên, “Ôi, màu trắng tinh của hoa cải củ/ Rực rỡ, huy hoàng!”
Sự thật đáng buồn là hầu hết quãng đời thanh xuân, cả tôi nữa cũng cảm thấy xa lạ với tự nhiên. Nhưng giờ, tôi chỉ cần cầm một bông hoa trong tay và chuyện trò cùng nó.
Cuối cùng thì tôi cũng biết ra rằng, mặc dầu tự nhiên không chủ động vươn tới chạm vào con người một cách trực tiếp, thì con người luôn có thể tiếp cận với tự nhiên và tìm kiếm sự cứu rỗi theo cách ấy.
Tôi hay nghĩ rằng, vào thời xa xưa, người ta hẳn đã biến việc kéo mình gần lại với tự nhiên thành mục đích tối quan trọng trong đời.
Có một lần đã lâu lắm rồi, khi sống ở trên núi, tôi đã vô thức viết, “Núi, sông, cỏ cây đều là Phật,” lên một mảnh gỗ. Vào những lúc khác, tôi sẽ bảo rằng “Chúa” là cái tên trỏ tới chân lý tuyệt đối siêu việt không-thời gian.
Đôi khi tôi nghĩ, một mô tả thậm chí còn chuẩn hơn, có lẽ là cách gọi “Cái Vô danh” của Lão Tử. Tôi chỉ là đang vật lộn với những con chữ. Thực ra, tôi nghĩ, hoàn toàn không có ngôn từ thì tốt hơn cho con người.
Những sai lầm của tư tưởng loài người
Bởi sự phát triển nhanh chóng của khoa học hiện đại, cái xu hướng sống lặng lẽ và nhìn thế giới như là cõi tạm của người châu Á đang dần biến mất. Trào lưu mới là hướng về việc vinh danh nền văn minh hiện đại và cái ý tưởng rằng chủ nghĩa vật chất là toàn năng.
Trong lịch sử phát triển của khoa học phương Tây, những khám phá mang tính lịch sử có ảnh hưởng to lớn đối với loài người gồm
1 Thuyết tiến hóa sinh học, được đưa ra trong cuốn Nguồn gốc muôn loài của Darwin,
2 Thuyết vạn vật hấp dẫn của Newton và thuyết nhật tâm của Galileo, và
3 Thuyết tương đối về vũ trụ của Einstein.
Darwin đã bắt đầu từ sự tiến triển của loài người trên trái đất, lần theo dấu về khởi nguồn và sự phát triển của các sinh vật, cuối cùng xác định rằng các sinh vật đã tiến hóa. Cái ý tưởng rằng loài người bắt buộc phải phát triển tiếp đã trở nên ăn sâu bắt rễ trong tâm trí người ta.
Newton, thấy cách mà quả táo rơi, đã khám phá ra định luật vạn vật hấp dẫn và đặt nền móng cho vật lý hiện đại. Galileo hiểu rằng trái đất là tròn và khi bị giáo hội đem ra xét xử, đã không nao núng trong việc giải thích cặn kẽ thuyết của mình, rằng trái đất quay quanh mặt trời.
Bằng vào sự phủ định điều sai lầm – rằng bầu trời quay quanh trái đất, ông đã đánh một đòn chí mạng vào thuyết sáng tạo có bàn tay thần thánh.
Qua việc thiếp lập thuyết tương đối về vũ trụ, Einstein đã đẩy loài người vào kỷ nguyên vũ trụ. Trước sự sửng sốt của tất cả mọi người, ông đã kết luận rằng không có tốc độ nào nhanh hơn tốc độ của ánh sáng, lật lại niềm tin thường được chấp nhận là quãng đường ngắn nhất mà ánh sáng đi qua là theo đường thẳng, và đề xuất một lý thuyết mới nói rằng ánh sáng bị bẻ cong.
Thêm vào đó, Eisntein nói rằng các sóng ánh sáng, sóng radio, sóng điện từ tất cả đều giống nhau và chúng di chuyển trong không gian ở một tốc độ cố định, bất chấp bước sóng của chúng, mà không tăng tốc.
Từ công thức của ông, rằng khối lượng và năng lượng là tương đương nhau, việc đưa các vệ tinh nhân tạo và các phương tiện di chuyển trong không gian vũ trụ đã trở nên khả dĩ.
Tuy nhiên, phủ nhận tri thức có được qua trí năng của con người, xem đó không gì hơn những ảo ảnh. Một số thần thoại phương Tây cũng hoài nghi về tri thức của loài người, dạy rằng kể từ khi Adam và Eva ăn trái của Cây Tri Thức, loài người đã bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng.
Tuy vậy, triết học phương Tây bị chia rẽ trong vấn đề này. Socrates, chẳng hạn, đã bắt đầu bằng giả thiết rằng con người chẳng biết gì cả. Descartes, trái lại, lại tuyên bố, “Tôi suy nghĩ, vì thế tôi tồn tại.”
Khởi đi từ niềm tin đó, rằng người ta có thể và có biết về bản thân mình thật, ông ta biến sự phán xét của con người thành tiêu chuẩn, thiết lập các quy tắc cho thế giới vật lý, và bắt đầu phân tích các thuộc tính của nó.
Các khoa học gia, xét về mặt lịch sử, đã giả định rằng việc điều khiển tự nhiên sử dụng ý chí con người là điều có thể chấp nhận được. Tự nhiên được nhìn nhận như là “thế giới bên ngoài”, đối lập với loài người, và ý tưởng này đã tạo thành nền tảng căn bản cho nền văn minh khoa học hiện đại.
Nhưng cái “Tôi” hư cấu này của Descartes không bao giờ có thể thấu hiểu toàn bộ trạng thái thực sự của thực tại.
Cũng như việc loài người không hiểu chính bản thân mình, họ chẳng thể nào hiểu được kẻ khác. Con người có thể là con cái của “Mẹ Tự Nhiên” thật đấy, nhưng họ không còn có thể nhìn thấy dáng hình thực sự của mẹ mình nữa. Tìm kiếm cái toàn thể, nhưng họ chỉ trông thấy các bộ phận.
Trông thấy bầu vú mẹ, bọn họ nhầm tưởng rằng đấy chính là người mẹ. Nếu ai đó không biết mẹ mình thì anh ta là đứa con không biết mình là con của ai. Anh ta giống như một con khỉ được con người nuôi ở trong vườn thú, kẻ cứ đinh ninh rằng người trông nom vườn thú là mẹ của mình.
Tương tự như vậy, tri thức mang tính phân biệt và mang tính phân tích của các nhà khoa học có thể ích lợi trong việc tách rời tự nhiên ra và ngó vào các bộ phận của nó đấy, nhưng lại chẳng có tác dụng gì trong việc nắm bắt thực tại của tự nhiên thuần khiết. Sẽ có ngày các nhà khoa học nhận ra việc cắt tự nhiên ra từng mảnh nhỏ như thế thì hạn chế và lạc lối như thế nào.
Đôi khi tôi dùng một bức tranh vẽ bằng cọ và mực để minh họa cho điểm này. Tôi gọi nó là “cái hang trí năng.” Nó thể hiện hai người đàn ông đang cần mẫn vung chiếc cuốc chim trong một cái hố hay một cái hang để đào chỗ đất cứng. Những cái cuốc tượng trưng cho trí năng của con người.
Những người này càng vung công cụ làm việc của mình lên thì cái hố càng sâu thêm và họ càng khó lòng thoát khỏi nơi đó. Ở bên ngoài cái hang, tôi vẽ một người đang thư thả trong nắng. Trong khi vẫn phải làm việc để cung cấp nhu cầu thiết yếu hàng ngày qua việc làm nông tự nhiên, kẻ đó được tự do khỏi sự lao dịch của việc cố hiểu tự nhiên cho bằng được, và chỉ đơn giản là tận hưởng cuộc sống.
Những người có ý định tốt đẹp này, được biết tới bởi lòng nhiệt thành và ý thức thực hành, có thể phát biểu:
“Con người đã sống trong tự nhiên đã hàng ngàn hàng ngàn năm, đôi khi vui sướng, đôi khi khổ đau. Chẳng phải đó là cốt tủy của mối quan hệ giữa con người với tự nhiên hay sao? Chẳng phải sẽ là quá giản đơn khi thấy tự nhiên chỉ toàn là chân, thiện, mỹ trong khi loài người thì vô tâm và xuẩn ngốc?”
Mới nghe qua, quan điểm này có vẻ là hợp lẽ, trông có vẻ là một quan điểm khách quan. Nhưng những người có tâm địa tốt này cũng chưa thoát khỏi được địa hạt của cách suy nghĩ tương đối.
Nhìn từ cách nhìn phi tương đối, tự nhiên vượt lên trên cả đẹp và xấu, thiện và ác. Việc chúng ta có nhìn thế giới này như một nơi đầy những mâu thuẫn, hay là đang hiện hữu trong sự hài hòa tuyệt hảo, thì được xác định bởi việc liệu chúng ta phân tích nó sử dụng trí năng của chúng ta, hay là nắm bắt toàn thể tự nhiên mà không đặt ra bất cứ một sự phân biệt nào cả. Chỉ với vế sau thì chúng ta mới có thể thấy được hình dáng thực sự của tự nhiên.
Tuy vậy, cái ý tưởng này không gì hơn một sự tưởng tượng. Loài người sẽ không được sinh ra lần nữa. Khi con người trên trái đất này đã chết hết, sẽ chẳng có Chúa hay Phật nào tới để cứu họ cả.
Người ta đôi khi cũng cảm nhận được sự thiêng liêng của tự nhiên, chẳng hạn như khi họ nhìn thật kỹ một bông hoa, trèo lên những đỉnh cao, hay đi vào sâu trong núi. Những cảm giác mang tính thẩm mỹ như thế, tình yêu, khả năng lĩnh hội và sự thấu hiểu là những bản năng căn bản nhất của con người – là bản tính thực của họ.
Tuy nhiên, ngày nay, con người đang bay theo một hướng hoàn toàn khác, tới một đích đến chưa từng biết nào đó, và có vẻ như họ đang làm thế càng nhanh càng tốt.
Có lẽ những người dễ nhận thức nhất, rằng tự nhiên là thiêng liêng, là một vài người có tín ngưỡng, những nghệ sĩ có độ nhạy cảm rất lớn, và trẻ con. Với tình thương yêu, họ thường nhận thấy, tối thiểu nhất, rằng tự nhiên là cái gì đó trên hẳn khả năng sáng tạo của con người và nó phải được kính trọng.
Các nhà thơ viết về tự nhiên, những họa sĩ biến nó thành những tác phẩm nghệ thuật, những người soạn nhạc, những điêu khắc gia… tôi muốn tin rằng họ là những người đang đuổi theo cái thực sự có ý nghĩa.
Nhưng nếu sự thấu hiểu của một nghệ sĩ về tự nhiên là không rõ ràng, thì dù độ nhạy cảm của anh ta có sắc bén tới đâu, năng lực biểu đạt của anh ta có ưu tú tới đâu, kỹ thuật của anh ta có tinh tế tới đâu, đến cuối cùng thì anh ta vẫn thấy mình đi lạc lối.
Chưa từng có một thế hệ nào như thế hệ hiện tại, nơi mà trái tim con người bị thương tổn nặng nề đến thế. Điều này đúng cho mọi mặt của xã hội – chính trị, kinh tế, giáo dục và văn hóa. Nó được phản ánh trong sự xuống cấp của môi trường, là sự xảy đến do bởi con đường vật chất mà loài người đã chọn.
Giờ đây chúng ta thấy một cảnh tượng xấu xí của nền công nghiệp, của chính phủ và quân đội, đang hợp lực với nhau trong cuộc đấu tranh giành lấy quyền lực tối thượng.
Trong thời đại của sự tan rã hiện nay, đủ loại tôn giáo trên thế giới, cũ và mới, lớn và nhỏ, đang ngày càng trở nên hoạt động tích cực. Đúng thế, bất kể khi nào thế giới rơi vào tình trạng hỗn loạn, các phong trào tín ngưỡng lại nở rộ.
Để tôi đưa ra một ví dụ về một tôn giáo hứa hẹn sự giàu sang và may mắn:
Một người trẻ tuổi, được tôn thờ như là giáo chủ sáng lập ra một tôn giáo mới ở Kobe đã tới nông trại của tôi với chừng 10 giáo đồ của anh ta. Anh chàng này bảo tôi rằng anh ta đã nhận sự dạy dỗ đặc biệt nhằm biến đổi anh ta từ một người có tín ngưỡng bình thường thành người sáng lập ra tôn giáo mới này.
Anh ta đã học được những thứ như xem tướng, đọc tâm trí, thuật bói toán, đọc bàn tay, tử vi, thôi miên chữa bệnh, trừ tà, và đủ kiểu tiếp nhận những thông điệp thần thánh, chẳng hạn như việc viết trên cát.
Anh ta kể cho tôi rất chi tiết về các cách thức mà anh ta dùng để khiến cho tín đồ chui vào lòng bàn tay mình, bắt đầu với những mánh để xác định các thói xấu trong tính cách hay các vấn đề của một tín đồ tiềm năng. Anh ta nói, điều này sẽ giúp anh ta thu hút được nhiều tín đồ mới.
Đây chỉ là một dạng trong rất nhiều những kẻ lừa đảo tôn giáo, những kẻ cầm tù cả thần thánh lẫn con người, bọn họ chạy quanh để thu nạp tín đồ hòng kiếm tiền và có được quyền lực. Nhưng nhiều kẻ trong số họ rất nổi tiếng và được coi trọng, và trông không có vẻ gì giống cái hình ảnh rập khuôn của một kẻ lừa đảo.
Sự ngược đời này dẫn tôi tới việc suy ngẫm về việc con người không hơn gì những con vật đang nhảy múa theo điệu sáo được thổi bởi những ý tưởng của chính họ như thế nào.
Một cuộc sống trong nền Văn hóa Tự nhiên
Khi tôi nhắc tới việc xã hội loài người đang đi sai đường, tôi thường nghe lời phản bác, “Thế thì hãy chỉ cho tôi một con đường tốt hơn đi.” Bởi vì nó vẫn chưa có một cái tên, nên tôi sẽ gọi nó là “văn hóa và cộng đồng tự nhiên.”
Văn hóa Tự nhiên là cách sống đơn giản trong đó con người, với tự do chứa đầy trong tim, trèo non, chơi đùa trên đồng cỏ, tắm trong những tia nắng ấm áp, hít thở không khí trong lành, uống nước trong vắt như pha lê, và trải nghiệm niềm vui sống thực sự.
Cái xã hội mà tôi đang mô tả đó là một xã hội mà trong đó con người sẽ tạo dựng nên một cộng đồng tự do và hào phóng.
Tuy vậy, một khi ngọn nguồn nguyên thủy của tự nhiên đã bị phá hủy, nó sẽ không còn có thể tự phục hồi được nữa, và hình ảnh về một nền văn hóa tự nhiên như thế này sẽ trở nên lỗi thời.
Đúng vậy, nhiều loài động thực vật đang tuyệt chủng mỗi ngày, và ý nghĩa của sự biến mất của một loài chim hay một loài cây thì không chỉ là cái chết của loài chim và loài cây đó mà thôi. Nó có tầm quan trọng sinh tử đối với tất cả chúng ta. Nó có liên quan tới sự phá hỏng sự hài hòa của mọi sinh vật.
Nếu loài người có thể lấy lại được mối thân thuộc ban đầu của nó với tự nhiên, chúng ta sẽ phải được sống trong hòa bình và thịnh vượng. Tuy thế, nhìn qua đôi mắt của nền văn minh hiện đại, cuộc sống trong văn hóa tự nhiên này hẳn trông có vẻ nhàm chán và sơ khai, nhưng với tôi thì không phải vậy.
Có nhiều người khác nữa bên cạnh tôi cũng đang đặt dấu hỏi với con đường của xã hội hiện đại. Trong họ đầy những linh tính, tự hỏi liệu rằng chúng ta có thể giải quyết được, hoặc bằng cách nào đó tránh khỏi thảm họa môi trường hiện nay hay không.
Thậm chí có nhiều nhà khoa học tin rằng sự bền vững lâu dài của sự sống trên trái đất, nhìn từ quan điểm về môi trường tự nhiên và các nguồn lực của nó, sẽ được quyết định trong hai mươi hay ba mươi năm tới. Tôi nói là nói trực tiếp với những người như thế.
Chúng ta phải nhận ra rằng cả ở trong quá khứ lẫn ngày hôm nay, chỉ có duy nhất một lối đi “bền vững” khả dĩ cho chúng ta. Chúng ta phải tìm đường quay trở về với thiên nhiên thực sự. Chúng ta phải đặt ra cho mình nhiệm vụ tái sinh sự sống trên trái đất này. Tái phủ xanh trái đất, gieo những hạt mầm trong sa mạc – đấy là con đường mà xã hội nên đi theo.
-Sưu tầm-