Trị liệu các mối quan hệ trong gia đình

Chúng ta có khuynh hướng đổ lỗi cho người khác như thể họ với ta không hề dính líu gì với nhau cả. Ta phải nhìn sâu và đặt câu hỏi là:

Chúng ta có cùng lớn lên mỗi ngày không? Chúng ta có hạnh phúc mỗi ngày không? Chúng ta có hòa hợp với chính mình và những người khác quanh mình không, những người dễ thương và những người không dễ thương?

Những gì người khác nói và làm không nhất thiết phải ảnh hưởng đến ta. Ta vẫn có thể chăm sóc chính mình. Chúng ta có thể cố gắng hết sức để thực sự giúp đỡ người khác thay vì phán xét, la mắng hay tạo ra chiến tranh quanh mình.

Khi tay trái bị thương ta không hề nói là: “ Tại sao tay bị như vậy?”. Chúng ta chăm sóc tay trái một cách tự nhiên để cho nó được chữa lành. Đây là cách mà ta đối xử với những người khác trong gia đình, những người không mấy dễ thương, có nhiều khó khăn và dễ bị tổn thương. Chúng ta không nói: “Anh đối xử không dễ thương với tôi, anh phải thay đổi”. Chúng ta phải học cách chăm sóc những người ấy như cách ta chăm sóc cho bàn tay trái đang bị thương.

Sở dĩ ta giận một ai đó là do ta không có khả năng thấy được nhiều yếu tố trong người đó không phải là người đó. Chúng ta không thấy được người đó hành xử vì tập khí mà người đó được trao truyền lại. Khi hiểu được một cách sâu sắc hơn, ta có thể chấp nhận người đó dễ dàng hơn.

Điều này cũng đúng với tự thân chúng ta. Khi chúng ta thấy được trong ta tất cả những yếu tố đến từ nhiều nguồn khác nhau, như cha mẹ, ông bà tổ tiên và môi trường thì chúng ta sẽ thấy được đa phần những tính nết khắt khe của chúng ta đến từ những gốc rễ, yếu tố khác nhau. Chúng ta có thể thấy rằng: “A, đây là ông nội, ông đang phán xét bạn mình”.

Nếu để tâm đến những hành động tương tác qua lại của ta mà không phán xét, ta sẽ làm phát khởi ý thức chánh niệm, giúp ta hiểu được những suy nghĩ, lời nói, hành động của ta không phải do một mình ta tạo ra. Tổ tiên của ta tiếp tục biểu hiện trong ta mỗi ngày. Với sự hiểu biết này, chúng ta có thể tìm cách tháo gỡ những khó khăn giữa ta với người khác để tạo nên sự an lạc.

Tri giác sai lầm

Vì thường bị kẹt trong nhiều hình ảnh khổ đau của quá khứ nên chúng ta dễ xây dựng lên những tri giác sai lầm, dễ phản ứng lại với người khác và tạo ra nhiều khổ đau hơn. Giả sử như ta đang giận một ai đó, đó là do ta tin rằng người đó có chủ tâm, cố tình làm cho ta đau khổ, làm cho cuộc đời ta khốn đốn. Tri giác đó đưa đến sự giận dữ và phản ứng. Chính sự giận dữ và phản ứng này mang lại nhiều khổ đau hơn cho bản thân và cho tất cả những người có liên quan.

Thay vì đả kích nhau, chúng ta có thể sử dụng hơi thở chánh niệm hoặc đi thiền hành để chế tác sự tỉnh thức và tuệ giác. Chúng ta có thể thở vào thở ra để thấy được trong ta có những nỗi khổ niềm đau và tri giác sai lầm. Trong người kia cũng có những nỗi khổ niềm đau và tri giác sai lầm. Có thể chúng ta đã đạt được một sự thức tỉnh nào đó nhưng người kia có thể không có vì họ không biết cách nhận diện và xử lý nỗi khổ niềm đau để vượt thoát tình trạng khó khăn. Người ấy đau khổ, và người ấy làm cho bản thân cũng như những người chung quanh đau khổ.

Ngay khi nhận ra được điều này, ta nhìn người ấy bằng một cách khác. Ta thấy được nỗi khổ niềm đau trong người ấy và ta hiểu được rằng người ấy không biết cách xử lý khổ đau của họ. Khi chúng ta có khả năng thấy được nỗi khổ niềm đau trong người ấy, thấy được tình trạng của người ấy, lòng từ bi trong ta sẽ phát khởi. Khi từ bi phát khởi thì cơn giận được chuyển hóa. Chúng ta không hành động để trừng phạt bởi vì ta không còn giận dữ nữa.

Đây là sự can thiệp của tuệ giác. Nhờ tuệ giác mà ta được an toàn bởi vì tuệ giác giúp ta điều chỉnh lại tri giác sai lầm. Khi tri giác sai lầm không còn thì sự giận dữ, sợ hãi và tuyệt vọng cũng không còn. Ta sẽ phát khởi tâm từ bi và thiện chí muốn giúp đỡ.

Tư niệm thực (ước muốn của ta) là nền tảng căn bản của mọi hành động. Khi có tri giác sai lầm thì cái ước muốn của ta thúc đẩy, khiến ta phản ứng tạo thêm nhiều khổ đau hơn. Tuy nhiên nếu có tuệ giác, ước muốn của ta sẽ trở thành ước muốn tốt, trở thành nguồn tư niệm thực tốt. Chúng ta có cảm hứng muốn giúp đỡ mà không phải trừng phạt.

Khi động cơ thúc đẩy của ta đi về hướng tích cực, ta sẽ thấy khỏe hơn nhiều cho dù ta chưa làm gì cả. Ta hưởng được lợi lạc từ sự thực tập này ngay lập tức. Người kia, người mà ta nghĩ đã gây khổ đau cho ta cũng sẽ hưởng được lợi lạc theo sau đó.

Thiền Sư Nhất Hạnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *