Tin tưởng là gốc rễ của yêu thương

Dạo này có vài người bạn kể với mình về việc bạn hoặc người thân của họ đang dấn thân vào một vài pháp tu mơ hồ, trông có vẻ “tà đạo”. Tạm khoan bàn đến chuyện con đường, lựa chọn đó của người thân, bạn bè chúng ta là đúng hay sai, chánh hay tà,… Mình muốn viết một chút về tình yêu thương vô điều kiện, về thái độ đúng trước những con đường trái ngược hướng ta đi.

Đôi khi sự can thiệp là quá rõ ràng như cấm đoán, thuyết phục, không cho phép người khác làm điều mà trái tim họ muốn: Bố mẹ không cho con được học ngôi trường mà con yêu thích, vì nghĩ rằng cơ hội nghề nghiệp tương lai không tốt. Vợ không cho phép chồng uống quá nhiều bia rượu, vì không tốt cho sức khỏe. Bạn thân không cho người bạn của mình được đắm chìm trong mối quan hệ tình cảm (mà bạn cho là) độc hại, không muốn bạn mình khổ,…

Đôi khi có những sự can thiệp tinh vi hơn thể hiện qua nỗi lo lắng, lời khuyên, thậm chí là sự giúp đỡ. Đương nhiên quan tâm là tốt, hỗ trợ là tốt. Nhưng khi bạn đưa ra sự giúp đỡ có điều kiện, tức bạn mong rằng mình “đúng” trong sự can thiệp đó, mong rằng đối phương sẽ thay đổi theo ý mình, đó chính là phần thao túng tinh vi.

Lo lắng khác với sự quan tâm thuần túy. Chúng ta có thể quan tâm chăm sóc nhau, nhưng nếu bạn lo lắng thái quá, nghĩ rằng đối phương không thể tự lực được, đó chính là thiếu niềm tin. Bạn đã không tin vào lựa chọn của người ta, không tin đối phương đủ năng lực nhận thức và khả năng để tự đưa ra quyết định sáng suốt cho cuộc đời họ. Sâu bên trong của nỗi lo đó là sự bất an nơi bản thân bạn, vì bạn khao khát mình là người quan trọng, được người khác “cần tới”.

Và rồi sự “can thiệp” vi tế nhất chính là âm thầm không chấp nhận họ như họ là, với những lựa chọn mà họ đưa ra, trong tâm tưởng. Bạn bắt đầu rút lui, từ chối, phán xét trong thầm lặng. Điều này âm thầm làm rạn nứt những mối quan hệ lâu năm. Khi niềm tin dần thoái lui cho đến khi cuối cùng tiếng thở dài thay thế cho niềm vui.

Sự can thiệp dù là rõ ràng hay tinh vi, cũng đồng nghĩa bạn đang lấy đi khỏi người khác cơ hội trải nghiệm phổ màu đa sắc của cuộc sống này: Vấp ngã, sai lầm, thất bại cũng là kinh nghiệm cần thiết để chúng ta sáng suốt hơn, lựa chọn tốt hơn cho lần sau. Buồn cũng đẹp như là vui. Nếu một người chỉ trải nghiệm sự êm đềm không sóng gió, họ sẽ trở nên huênh hoang, không biết trân quý điều mình đang có.

Đương nhiên lý do để can thiệp của bạn, dù là chỉ bằng suy nghĩ hay đã thể hiện ra lời nói, hành động, đều rất thuyết phục . Dưới góc nhìn của bạn, bạn hoàn toàn hiểu cho lựa chọn của bản thân. Nhưng đối phương lại chẳng phải bạn. Họ được nuôi dưỡng trong môi trường khác, tiếp cận với những biến số khác, để rồi phương trình chạy ra kết quả chẳng giống nghiệm mà bạn kỳ vọng nơi họ.

Nếu có một ngày chúng ta được “đổi vai” như trong những bộ phim hoán đổi linh hồn, bạn có chắc là bạn vẫn chọn điều bạn muốn áp đặt lên người khác hay không? Và nếu có ngày đó xảy ra, có một điều chắc chắn bạn hiểu được: vì sao người ta chọn điều họ chọn.

Nhưng bản chất không nằm ở chỗ bạn có bao nhiêu tính xấu, mà khả năng chấp nhận người khác vô điều kiện của bạn đến đâu. Chẳng có ai là hoàn hảo, cũng chẳng ai sinh ra là hòa hợp với nhau toàn vẹn. Chỉ có chúng ta có ôm ấp sự khác biệt và trân trọng những điều chưa hoàn toàn là đúng ý mình ở đối phương hay chưa mà thôi.

Mình học được bài chấp nhận chính là yêu thương này từ một mối quan hệ. Chuyện cũng rất đơn giản: Hồi đấy người yêu (cũ) một ngày đẹp trời cắt một quả đầu hơi trẻ trâu. Đáng lý ra mình phải bênh bạn ấy, hoặc chúng mình sẽ cùng nhau cười phì vì giao diện mới. Nhưng mình đã cùng tất cả mọi người xung quanh khi đấy phán xét và chọc bạn ấy hơi quá đà.

Sau đấy thì ánh mắt bạn ấy nhìn mình khi người yêu không chấp nhận bạn dù bạn có như thế nào đã thay đổi hoàn toàn thái độ và sự lựa chọn của mình sau này. Mình thấy nỗi đau ở đó. Và mình không bao giờ mong muốn làm tổn thương người mình thương chỉ vì mình nghĩ rằng điều này hay điều kia là tốt (hơn) cho họ.

Mối quan hệ lành mạnh được xây dựng dựa trên hai cá thể hoàn toàn độc lập và vững vàng khi đứng một mình. Chúng ta chẳng cần dựa dẫm hay phụ thuộc vào nhau. Trái lại, ta chỉ cần tin tưởng thôi. Khi người thương buồn, hãy cho phép họ buồn. Hãy ở cạnh họ, trở thành một môi trường an toàn để cơn buồn bên trong được thể hiện ra ngoài. Mọi lời khuyên kiểu “Hãy vui lên!” chính là sự không chấp nhận trạng thái người ta đang là.

Khi người ta lựa chọn điều mà trong hệ giá trị của bạn cho là không tốt hoặc không đủ tốt, hãy cứ để họ làm điều họ muốn. Vì giữa rất nhiều lựa chọn, họ nhận ra một điều gì đó thôi thúc muốn khám phá cũng là một niềm vui mà. Người thương vui thì ta vui lây, chứ sao lại ép họ làm khác đi, trái với khao khát trong tim?

Thế thì điều nên làm trước bất kỳ lựa chọn nào của người thương chính là cổ vũ và chúc mừng. Một cánh cửa mở ra, một hướng đi mới, ngã rẽ mới,… dù là đâm đầu vào ngõ cụt cũng thật đáng ăn mừng. Vì cái mới là sự sáng tạo, là một cơ hội để trải nghiệm, lột bỏ lớp vỏ cũ kỹ và tái sinh. Qua cái mới bạn khám phá thêm nhiều khía cạnh và tiềm năng nơi bản thân.

Vì cuối cùng thì chẳng có lựa chọn nào là mãi mãi. Chẳng có việc gì là đúng hoàn toàn. Chẳng có con đường nào là tối thượng, là thù thắng. Chẳng có gì nhất thiết phải có ý nghĩa cả. Kể cả một bài viết kiểu này – khi mình đang cảm thấy bài này không có tính thơ ca (như mình thường ưng viết).

Tất cả chỉ là trải nghiệm mà thôi. Rồi một ngày họ cũng sẽ lựa chọn điều khác đi, có thể thuận ý hoặc trái ý bạn. Nhưng điều đó có hề gì đâu chứ, khi bạn luôn chào đón, chấp nhận và yêu thương.

Tiên Alien

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *