Chúng ta cần thống nhất điều này: ánh sáng giác ngộ không phải là thoát khỏi nỗi đau mà là hiểu biết về nỗi đau, hiểu biết những cơn giận, hiểu biết những nỗi khổ tâm – hiểu chứ không nên che giấu, ngụy biện – hiểu sâu trong bản chất vấn đề: “Tại sao tôi lại đau khổ, tại sao tôi lại lo âu đến thế, giận dữ đến thế, cái gì đã tạo ra tất cả những cảm giác đó?”. Nếu hiểu được căn nguyên một cách rốt ráo, chúng ta sẽ thoát khỏi mọi tâm trạng tiêu cực khổ sở.
Chỉ khi nào thấu hiểu nỗi khổ của bản thân mình, bạn mới được giải thoát. Và bạn sẽ thực sự sống trong ánh sáng giác ngộ viên mãn. Giác ngộ không phải là một cái gì ở bên ngoài đến với bạn. Thấu hiểu mọi cảm xúc, cảm giác tiêu cực của mình (đau khổ, giận dữ, lo lắng) và làm tiêu tan chúng, đó là giác ngộ.
Lúc ấy, những cảm xúc liên tục xô đẩy mà bạn từng trải qua không còn là nguyên nhân tạo nên cuộc sống của bạn nữa. Trong tâm trạng đặc biệt đó, bạn mới nhìn nhận lại những gì đã qua. Bạn thấy hài lòng, vì rằng trước đó bạn đã không hề hài lòng; bạn thấy hạnh phúc vì trước đó bạn không hề hạnh phúc. Niềm vui giác ngộ không gì có thể so sánh nổi.
Tinh thần giác ngộ mang đến cho bạn một trạng thái sống chân thật, bạn sẽ thấy rõ hạnh phúc và nhận ra rằng những ước ao mình từng có chỉ là những giấc mơ viển vông, không hề có thật. Giờ đây, chúng sẽ ra đi vĩnh viễn.
Đây là một định nghĩa về sự hài lòng chân thật: Sự hài lòng đến với bạn và không bao giờ từ bỏ bạn một lần nào nữa là sự hài lòng chân thật, nếu không phải như thế thì cảm giác hài lòng chỉ là cái gì đó thoáng qua giữa những nỗi khổ tâm.
Chỉ là một khoảnh khắc bình yên ngắn ngủi mà thôi; khoảnh khắc ấy chợt có rồi lại chợt mất, và chúng ta lại tiếp tục bất an, hay trầm trọng hơn là lại gây chiến tranh. Khoảng cách giữa những bất an người ta gọi là “chiến tranh lạnh”, một thứ chiến tranh ngấm ngầm để chuẩn bị cho những cuộc chiến tranh nóng bỏng hơn.
Cái gì đến và đi đều là những giấc mơ. Cái gì đến và không bao giờ đi nữa mới là sự thật. Hãy cố gắng thấu hiểu nỗi đau khổ của bạn. Hãy sống với nó, chìm sâu vào nó, tìm ra căn nguyên tại sao nó lại xuất hiện. Hãy định tâm lại.
Cũng như thế, bạn hãy cố hiểu sâu sắc thế nào là hạnh phúc phù du thoáng qua, thế nào là hạnh phúc chân thật, vĩnh hằng. Một khi biết rõ hạnh phúc chỉ là bề ngoài và nỗi thống khổ mới thật là sâu xa, toàn bộ ý thức của bạn sẽ thay đổi. Bạn sẽ cảm thấy dễ sống hơn rất nhiều, những cảm xúc tiêu cực từng hành hạ bạn sẽ giảm bớt.
Tình yêu cuộc sống sẽ lan tỏa trong tâm hồn bạn. Mặc cho thời gian trôi đi, lòng yêu ấy vẫn tồn tại. Điều mà bạn đạt được là sự sâu sắc toàn diện.
Và hoa sẽ nở, bài hát sẽ ngân vang từ tâm hồn ngập tràn yêu thương của bạn. Người ta gọi đó là “giác ngộ”. Giác ngộ là một khái niệm của phương Đông, nhưng trạng thái giác ngộ là của toàn thể nhân loại, không phân biệt Đông Tây.
-Sưu tầm-