Đã bao giờ các bạn đối diện với cái chết, đơn giản bằng cách quán tưởng về nó. Tôi thì làm việc này thường xuyên, cho đến lúc nó trở thành một thói quen, một phản xạ tự nhiên vậy. Đặc biệt trong những lúc tỉnh táo cao độ thì cảm giác thần chết đang đứng sát vai mình càng rõ ràng.
Tất nhiên, không phải một bộ xương khoác áo choàng đen và cầm lưỡi hái sắc nhọn. Nó chỉ đơn giản là cảm giác về sự kết thúc hiện tại có thể diễn ra ngay bây giờ, toàn bộ sinh lực của tôi được dồn vào khoảnh khắc cuối cùng ấy. Lần nào tôi cũng thấy choáng ngợp.
Có thể bạn sẽ thấy chuyện quán tưởng về cái chết này khá rùng rợn, điên khùng hay dị hợm. Nhưng cá nhân tôi chưa từng thấy cảm giác tiêu cực nào về nó. Chưa kể rằng việc quán tưởng này giúp tôi trải nghiệm giây phút hiện tại sâu sắc hơn, tôi nhận ra sự vô thường của thế giới và ảo tưởng về vùng an toàn của con người.
Tôi gặp 10 người thì có tới 9 người có kế hoạch cho cuộc đời họ, 3 năm sau sẽ thế nào, 5 năm nữa sẽ ở đâu, họ sẽ lấy ai, sẽ đặt tên cho đứa con thứ nhất là gì, v.v… Họ tính thế này, tính thế kia, rồi mâu thuẫn, rồi trằn trọc lo lắng hàng đêm và cần người gỡ rối.
Nghe chuyện như vậy, tôi lấy làm ngạc nhiên khi người ta có thể chắc chắn về tương lai dài hạn ấy như đinh đóng cột. Vì đối với tôi, ngày hôm sau, thậm chí là buổi chiều nay thôi sẽ diễn ra như thế nào vẫn còn là một ẩn số, chứ chưa nói gì đến một tháng hay một năm sau nữa.
Có cả tỷ biến cố ở ngoài kia mà con người không thể nhìn thấu. Vậy lấy cớ gì để họ chắc chắn về cái kế hoạch hoành tráng ấy? Họ đánh mất niềm vui trong hiện tại chỉ vì những thứ chẳng biết có xảy ra hay không. Họ lên mọi kế hoạch, nhưng chừa ra kế hoạch cho cái chết của mình.
Khi tôi đang đi tung tăng trên đường đến tiệm phở, thì bùm, một dây thần kinh tim của tôi có thể nổi hứng đình công bất kỳ lúc nào . Khi tôi đang ngồi trong phòng gõ bàn phím máy tính ầm ầm thì có thể một quả thiên thạch nào đó sẽ rơi vào nóc nhà và cũng đưa tôi về miền miên viễn.
Khi tôi đang tắm, bỗng nhiên tôi bị trượt chân té và va đầu vào tường, tôi cũng được lên thiên đường ngay tắp lự. Bạn hỏi tôi đã chuẩn bị gì cho cái chết bất thình lình chưa? Có chứ, tôi đã sống hết lòng.
Dường như tất cả các lực ở trên đời kéo tôi về điểm tận cùng ấy, trong khi tôi chưa hề chuẩn bị gì cả. Tôi đã vô cùng hoảng sợ và nuối tiếc rất nhiều điều chưa làm trọn vẹn trong đời: nói một lời thương yêu với gia đình, viết những bài viết mình thấy tâm đắc, sửa soạn xây dựng một cuộc đời ý nghĩa, hay đơn giản là cảm thấy hài lòng về chính bản thân mình.
Đó là một trải nghiệm tôi không bao giờ quên. Và bây giờ, mỗi lần quán tưởng về cái chết, tôi thường tự hỏi mình rằng đã sống mãn nguyện chưa? Kỳ lạ rằng ngay khi tôi bắt đầu hỏi, tôi thấy mãn nguyện.
Tất nhiên, sự tồn tại của cái chết hay tính vô thường không có nghĩa rằng chúng ta không nên có một định hướng sống, một kế hoạch để thực hiện hay một ước mơ để theo đuổi trong đời.
Ý nghĩa về sức mạnh tuyệt đối của cái chết là bạn biết những kế hoạch của mình có thể bị thay đổi bất kỳ lúc nào, và việc bạn cần làm là sẵn sàng uốn mình theo kế hoạch của vũ trụ.
Tôi cho rằng đây mới thật sự là tầm nhìn mà ta cần có, không phải ở việc ngoan cố bám giữ từng chi tiết mình mường tượng, mà ở việc bình an với những vần xoay không hề báo trước.
Khi thâm nhập vào bản tính của cái chết bằng việc thường xuyên quán tưởng, bạn sẽ nhận thấy rằng uy lực của cái chết phủ trùm lên vạn vật. Bạn biết mọi thứ đều mang tuổi thọ của nó và chúng đều có thể kết thúc vào bất cứ lúc nào.
Chưa dừng lại ở đó, nếu biết rằng tất cả mọi thứ có thể tàn hoại, thì bạn có níu giữ nhà cửa, tiền bạc, danh tiếng, hay các mối quan hệ nữa không? Bạn có cay cú vì cái điện thoại xịn xò bị rớt vỡ không?
Bạn có buồn đau vật vã vì đánh mất người thương yêu không? Chắc chắn là không, vì bạn đã “biết” những sự kiện tan rã, mất mát này hiển nhiên sẽ xảy ra, chỉ là dưới hình thức gì và vào lúc nào mà thôi.
Tóm lại, cái chết không hề là một điều ghê gớm đáng sợ, mà nó là bậc thầy sẽ mang lại cho con người nguồn một nhận thức sâu sắc.
Vì khi nó hiện diện, những điều tạm bợ, yếu kém, lung lay sẽ bị hủy diệt không thương tiếc, bao gồm ảo tưởng về danh tính, sự an toàn, sự tư hữu cá nhân, những nỗi bất an, lo lắng hay giận dữ.
Nó sẽ làm hiển lộ ra những giá trị trường cửu là sự bao dung từ ái và khả năng an trú trong hiện tại – những giá trị cần thiết nhất đối với hạnh phúc của con người.
-Vũ Thanh Hoài-