Tại sao chúng ta cứ luôn phải chờ đợi những điều tốt đẹp từ người khác, như một kiểu nhận ơn bố thí. Tại sao chúng ta không tự tạo ra nó? Tin tôi đi, bạn hoàn toàn có thể. Nếu như bạn thèm một món ăn, bạn sẽ đi tìm mua và ăn nó.
Nếu như bạn thích cảm giác yên bình của một quán cafe quen, khi cần có cảm giác yên bình, bạn sẽ tìm đến nó. Nếu như bạn thích cảm giác ở bên một người, tại sao không tìm đến họ?
Tôi đọc nhiều sách nhưng thích nhất cuốn “Đắc Nhân Tâm“, vì đó là cuốn sách mà tôi yêu thích và tâm đắc nhất. Tôi thường xuyên nói về nó, nếu có ai hỏi xin ý kiến về sách, tôi sẽ giới thiệu nó ngay. Nếu như ai đó cần lời khuyên về giao tiếp, tôi cũng sẽ giới thiệu không chút ngại ngần.
Tôi nói tới nó nhiều tới mức, giờ đây, cứ nhắc đến cụm từ “đắc nhân tâm” là tự nhiên tôi khựng lại, tất cả kiến thức trong sách như sống dậy, thôi thúc tôi hành động theo nó, thôi thúc tôi cư xử tử tế như sách yêu cầu.
Nó như là một liều thuốc hiệu quả tức thời vậy. Thế nên mỗi khi tôi nóng giận hay gặp những tình huống không như ý, tự động tâm trí tôi lặp đi lặp lại cụm từ “đắc nhân tâm”. Thế rồi tôi kìm nén cảm xúc lại, khi nhớ ra rằng cảm xúc nóng giận tức thời luôn là cảm giác tiêu cực nhất.
Vì vậy, mỗi khi cần nhắc mình tử tế và hòa nhã, tôi lại tự đọc thần chú Đắc Nhân Tâm trong đầu và trong phần lớn tình huống, tôi xử lý êm xuôi. Mỗi khi tôi tức giận, thất vọng hay muốn phát điên lên, tôi lại nghĩ đến nó, như một liều thuốc an thần xoa dịu cảm xúc hiệu quả vô cùng. Đó là cách tôi kiểm soát cảm xúc hàng ngày của mình.
Bạn cũng vậy, nếu như có một cuốn sách nào khiến bạn tràn đầy năng lượng và quyết tâm, hãy đọc đi đọc lại nó, nhất là những lúc cần đến những cảm giác đó. Nếu như có một bản nhạc khiến lòng bạn thanh thản, khiến bạn yêu đời yêu cuộc sống, hãy nghe nó mỗi khi cảm thấy buồn.
Nếu như việc nói chuyện với một người nào đó khiến bạn vui vẻ, hãy nói với người đó nhiều hơn. Đừng đợi người ta chủ động, mà chính bạn hãy chủ động bắt chuyện với họ, cùng nhau nói những điều vui vẻ, bạn sẽ thấy tìm niềm vui trong cuộc sống không phải là điều quá khó khăn.
Tôi thích cảm giác ghi danh sách công việc, hoàn thành nó rồi gạch bỏ nó đi, càng được gạch nhiều tôi càng vui. Nên đôi khi ngoài những công việc chính thống trong ngày, tôi hay viết thêm những việc nhỏ nhỏ mà mình chắc chắn làm được, những việc như là: “Nhắn tin chúc mẹ ngày mới, sắp xếp bàn làm việc, viết một status câu nói ý nghĩa nào đó, bấm móng tay, uống sữa, ăn trưa…”
Đây là những việc nhỏ bé tôi hoàn toàn có thể làm một cách dễ dàng, tôi ghi chúng ra, bịa thêm những việc nhỏ nhỏ tương tự cho đầy tràn một danh sách. Rồi tôi làm ngay để được gạch nó đi. Đúng vậy đó, có những việc tôi cố tình viết ra dù chẳng đáng, như việc uống sữa (tôi ghét sữa).
Tôi cố tình viết nó ra để được gạch nó đi. Cảm giác sau đó thật tuyệt. Nhìn danh sách việc dài ngoằng được gạch đi dù phần lớn toàn việc vớ vẩn, tôi vẫn thấy mình làm được thật nhiều việc, tôi thấy mình thật giỏi giang, cảm giác khoan khoái vô cùng.
Có những loại cảm giác đúng đắn và tuyệt vời hơn mà bạn có thể thử nghiệm ngay. Chẳng hạn một ngày kia tâm trạng bạn rất vui, bạn cười với mọi người và thấy mọi người đều cười lại với bạn, thật đáng yêu. Một ngày khác tâm trạng bạn không tốt nữa, bạn vẫn có thể lập lại cảm giác lần trước bằng cách cứ tiếp tục mỉm cười với mọi người xem sao.
Nếu như một lời khen của ai đó khiến bạn thích thú và yêu đời. Hãy nhân cảm giác đó lên, bằng cách thỉnh thoảng lại đọc lại những lời khen đó, nhất là khi buồn. Bạn cũng có thể ghi chép chúng vào cuốn sổ tay tập hợp những lời khen người khác dành cho mình. Và mỗi sáng thức dậy, hãy nhìn và đọc nó, đảm bảo ngày mới của bạn sẽ luôn vui tươi. Cách này nghe có vẻ hơi vớ vẩn con nít hả. Nhưng tin tôi đi, nó rất hiệu quả đấy.
Thật ra công thức đơn giản nhất để tạo cảm xúc, chỉ là “tìm ra loại cảm xúc mà bạn mong muốn, hành động nào khiến bạn có được cảm xúc đó. Rồi thì nhân nó lên, lặp lại liên tục”. Bạn sẽ thấy tạo cảm xúc tích cực không hề khó khăn như bạn nghĩ đâu.
Tôi thích tặng quà bất ngờ cho người khác vì tôi thích cái cảm giác họ bất ngờ, ngạc nhiên và bối rối, tất nhiên cả thích thú nữa. Tôi thích cảm giác đó nên tôi nhân nó lên nhiều lần bằng cách tặng quà cho nhiều người hơn. Được nghe cám ơn hoài nên tôi vui hoài là vậy. Tôi thích viết những bài viết có thể khiến cho ai đó thay đổi, từ suy nghĩ rồi sau đó có động lực để hành động.
Mỗi khi một ai đó thay đổi hay có động lực để hành động tích cực, họ thường không quên cám ơn tôi. Cảm giác mình có ích, cảm giác mình làm được việc gì đó tốt cho ai đó, nhỏ thôi, nhưng tuyệt vời vô cùng. Nó khiến tôi không muốn dừng lại, nó khiến tôi cứ muốn mãi được cám ơn như thế, muốn mãi được giúp đỡ mọi người, muốn mãi là người có ích.
Nhờ đó, phần lớn tâm trạng trong mỗi ngày của tôi luôn rất vui vẻ và lạc quan. Rồi tôi lại dùng chính thứ cảm xúc đó để nhân nó lên lan truyền tới mọi người theo cách này cách khác.
Bạn cũng có thể làm như vậy, giúp đỡ ai đó, cha mẹ, bạn bè, nghe lời cảm ơn từ họ. Bạn sẽ muốn giúp họ nhiều hơn, nhiều nữa, nhiều tới mức họ sẽ yêu quý bạn vô cùng. Trong tất cả các loại cảm xúc, có gì tuyệt hơn được mọi người yêu quý?
Chắc hẳn bạn đã biết cảm giác xúc động bồi hồi nếu bạn từng đi làm các công tác từ thiện, đến những trại trẻ mồ côi, viện dưỡng lão hay các trung tâm y tế… Đến những nơi đó đi, bạn sẽ nhận ra mình là người thật sự may mắn đến mức nào.
Rồi bạn sẽ biết thông cảm, biết yêu thương và biết trân trọng cuộc sống này hơn. Mỗi khi cần cảm giác đó, hãy lại đến những nơi đó, bạn vừa tìm được thứ mình muốn, những người cần giúp đỡ lại có thêm người giúp đỡ. Hai bên cùng có lợi và nhất định xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu bạn có thể nhân cảm giác đó, hành động đó lên nhiều lần, với nhiều người hơn nữa.
Hoặc khi bạn giúp đỡ một cô lao công, một người bán vé số điều gì nhỏ nhặt. Nhìn sự biết ơn ánh lên trong đôi mắt, tôi dám cá bạn sẽ muốn nhìn thấy ánh mắt đó thêm thật nhiều lần nữa cho coi.
Việc tạo cảm xúc hoàn toàn có thể áp dụng trong cả các mối quan hệ như tình bạn hay thậm chí cả tính yêu nữa. Nếu một người bạn chỉ toàn nói với bạn những điều tiêu cực, chỉ toàn chê bai, sỉa sói hay nói xấu những người khác.
Nếu người bạn đó chẳng bao giờ làm gì khiến cho cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn, hãy mạnh dạn rời xa họ. Nhưng nếu một người bạn luôn động viên, khuyến khích mọi việc bạn làm, luôn lắng nghe và làm bạn cười. Hãy ở bên người đó nhiều hơn nữa.
Phi Tuyết