Vô thường nghĩa là vạn vật luôn thay đổi và con người là vô ngã… Nói đến vô thường, gần như tất cả mọi người đều cảm thấy muốn buông xuôi tất cả, vì vô thường thì nỗ lực làm gì cho mất công.
Nghe vô thường, chúng ta cảm thấy cuộc đời có rồi không, luôn thay đổi từ khi con người sinh ra rồi già, bệnh, chết; nói cách khác, chúng ta chưa có trước khi xuất hiện trên cuộc đời và khi từ giã cuộc đời, chúng ta cũng là không. Vì vậy, một số người nói đạo Phật chán đời.
Hôm nay chúng ta suy nghĩ về vô thường. Giáo lý Phật tuy nhiều, nhưng chủ yếu nằm trong vô thường, nghĩa là vạn vật luôn thay đổi và con người là vô ngã, tức con người do tứ đại hợp thành, không có thật.
Giáo lý vô thường và vô ngã mà Phật dạy để làm gì? Điều này có mục tiêu rõ ràng, Đức Phật nói vô thường và vô ngã để giúp chúng ta tận diệt khổ đau và đạt Niết bàn. Từ vô thường, chúng ta tìm cái thường còn, từ khổ đau, chúng ta tìm cái an lạc là Niết bàn có thường, lạc, ngã và tịnh.
Đức Phật sống trên cuộc đời có vô thường, nên Ngài phải nói vô thường để chúng ta đừng chấp mọi vật là thường còn mà đau khổ. Phật dạy vật chất luôn thay đổi để chúng ta đoạn diệt tâm chấp trước, mới có thế giới an lạc là Niết bàn. Thật vậy, đầu tiên Phật thuyết vô thường vô ngã cho năm anh em Kiều Trần Như và họ đắc quả A la hán.
Từ đó, họ hiện hữu trên cuộc đời này mà không bị tham lam, ganh tỵ chi phối, nên họ luôn an lạc, mới làm cho người chấp thường thấy vậy mà thức tỉnh và phát tâm tu theo. Điển hình là Xá Lợi Phất thấy sự vật là thường, nhưng bị mất mát, nên đau khổ; nhưng nhờ gặp được Mã Thắng sống với chơn thường và an lạc, Ngài mới thấy cuộc đời vô thường mà đoạn diệt khổ đau và chứng được chơn thường.
Mọi vật có hai phần là sanh diệt và vô sanh. Phật dạy thế giới này là khổ và nguyên nhân của khổ; đó thuộc về phần sanh diệt. Để đoạn trừ khổ và nguyên nhân của khổ, Phật dạy tu Đạo đế là 37 trợ đạo phẩm, thì chứng được Niết bàn là Diệt đế; nhưng không biết lại nói đạo Phật chán đời là sai lầm lớn của con người.
Phật dạy cuộc đời thế nào thì phải thấy đúng và sống đúng để đoạn trừ ảo giác. Vì chúng ta có tham vọng, mới có ảo giác là không thực tế mới bị đau khổ. Còn thấy cuộc đời đúng sự thật và biết nguyên nhân nào dẫn đến đau khổ, thì khổ phải chấm dứt và tu nguyên nhân dẫn đến an lạc thì Niết bàn hiện hữu. Phật dạy rõ hai con đường như vậy.
Có quy luật sanh, già, bệnh, chết, trái đất mới trở thành cân bằng và tồn tại được. Có sanh mà không chết là nghĩ đến thiên đường, nhưng như vậy cũng bị nạn nhân mãn, không còn chỗ chứa người ta. Quan niệm lên thiên đường hưởng phước luôn cũng không đúng.
Thiên đường cũng có tuổi thọ của nó, nhưng dài hơn thế gian. Ở thiên đường, đất rộng người thưa, vì chỉ có loài người tu được thập thiện mới được sinh lên thiên đường, nên cũng khó có người được lên thiên đường.
Chúng ta hình dung được thế giới chư Thiên có lạc, không khổ. Hết phước thì hoa trên đầu héo là chư Thiên bị đọa, hay ở đó chỉ vui, nhưng thấy buồn là đọa. Ở thế giới chư Thiên sung sướng, nên quên hết trần thế, nhưng khởi niệm nhớ con là đọa liền, rơi xuống trần thế, thọ sanh vào các loài chỉ với một ý niệm như vậy.
Ta chiêm nghiệm ý nghĩa vô thường mà Phật dạy thấy rõ sự thật rằng vạn vật biến đổi, hay gọi là tiến hóa, từng thế hệ luôn phát triển. Từ thời Phật giáo Nguyên thủy cho đến thời Phật giáo phát triển cũng nhờ vô thường, tức hoàn cảnh đổi khác mà chúng ta có nhận thức khác, là có sự tiến hóa về vật chất và tiến hóa về tâm linh.
Nhờ vô thường, có tiến hóa nên tôi lần thay đổi từ đứa trẻ nhỏ cho đến trưởng thành và tốt nghiệp việc học để giúp đời. Chúng ta biết thay đổi theo hướng tốt đẹp là sống theo Đạo đế của Phật dạy thì phát triển được đời sống vật chất và tâm linh. Còn thấy vô thường rồi chán nản buông xuôi thì về đâu không biết.
Biết vô thường, chúng ta cũng hạn chế được các việc ác và phát triển được mặt thiện. Sự thay đổi cũng có hai khuynh hướng, một là phát triển vật chất, đó là công việc của các nhà khoa học nhắm đến phát minh vật chất. Hai là những nhà triết học, nhà tôn giáo tìm về sự phát triển đời sống tâm linh.
Phật dạy vật chất không cần nhiều như chúng ta tưởng, mà cần vật chất nó lại đưa đến bất hạnh, không cần nó lại hạnh phúc. Ví dụ trời nóng bức, người có nhà cửa, tiện nghi vật chất tốt, nhưng hết phước thì họ khổ hơn người chưa có cuộc sống tiện nghi. Vì vậy, Phật dạy tu hành phấn đấu cho đạt được giải thoát, tức không bị lệ thuộc đói, khát, nóng, lạnh.
Về vật chất có ăn, mặc, ở, nhưng tu hành, tập cho mức cầu luôn dưới mức cung là có hạnh phúc liền. Giả sử trưa nay không có gì ăn, thì người ta cho gì mình ăn cũng thấy ngon; còn cầu lớn, muốn ăn tiệc thì không được như vậy là khổ, hay dù có ăn cũng phải trả nhiều bằng phước.
Tôi sợ đi trai tăng, vì ăn không bao nhiêu, nhưng trả quá nhiều, vì trả bằng phước đức tu hành của mình. Tôi thường hỏi bữa ăn tốn bao nhiêu, phần ăn, phần bỏ, tất cả chi phí này phải gánh, nên phước mau hết, khổ phải tới.
Tu hành, Phật dạy ít ăn, hay ăn gì cũng được. Phật có lưỡi công đức khác với các loài chúng sinh có lưỡi nghiệp chướng thì dùng nó để nói điều tội lỗi, dùng nó để ăn những thức ăn tốn tiền. Lưỡi công đức thì ăn gì cũng biến thành cam lồ. Riêng tôi phát hiện ra khi đói, cơ thể nạp vào cái gì cũng thấy ngon.
Người tu không phát huy vật chất, nhưng phát triển tâm linh để thấy cuộc đời sáng hơn, thấy cái nào khổ, cái nào không khổ, còn sự vật thì luôn thay đổi. Đạo hữu Võ Đình Cường để lại tác phẩm Thử hòa điệu sống rất hay: “Ngồi trên thuyền thời gian, ta rong chơi trong biển không gian…”.
Thời gian luôn thay đổi, lúc còn nhỏ, ta nghĩ đến việc của người nhỏ, lúc lớn ta nghĩ việc của người lớn, lúc già ta nghĩ đến tuổi già. “Sóng triều bào ảnh lô nhô không phải không đẹp với người đạo sĩ…”. Nhờ có sự thay đổi mới thấy cuộc đời này đẹp, thấy đứa trẻ chào đời rất đẹp và thấy đám ma cũng đẹp.
Nếu cuộc đời là một bức tranh không thay đổi là bức tranh chết hay sao. Chúng ta có bức tranh sống mà tất cả hình ảnh được minh họa trong đó. “Chúng chỉ đáng ghét đối với những kẻ tham lam…”, vì chúng ta muốn nó dừng lại, nhưng sao dừng được, hoặc chúng ta muốn dừng cho người, nhưng không dừng cho mình, tất cả mọi người chết, một mình ta sống, như vậy là tham quá.
Nếu không có vô thường biến dịch thay đổi thì đến nay tôi vẫn là cậu bé nhà quê. Nhờ vô thường biến đổi mà tôi trở thành Hòa thượng như ngày nay có bạn bè khắp năm châu.
Trong vô thường có cái không biến đổi là chân tình, đạo tình không thay đổi. Tất cả Tăng Ni và Phật tử đều ở trên lộ trình đạo hạnh từ kiếp xa xưa mà ngày nay chúng ta mới gặp lại nhau cùng tu hành trong ánh hào quang của Đức Phật vậy.
HT. Thích Trí Quảng