Có vinh có nhục

Thế giới này là thế giới của sự đối đãi nhị nguyên nên ta không thể đi tìm một nơi chốn hay trường hợp nào mà không có sự được mất, thắng thua… Vậy thì chẳng lẽ con người phải chịu thăng trầm, vinh nhục theo cái vòng lẩn quẩn đó không thể thoát ra hay sao?

Không hẳn vậy! Cuộc sống có được mất, thắng thua nhưng ta có cảm thấy bị thăng trầm, vinh nhục hay không là tùy ở thái độ và quan niệm sống của ta. Nếu chúng ta quan niệm rằng sống là phải hơn người khác, làm là phải thắng người khác, để rồi luôn tranh đấu với thái độ hiếu thắng thì khi hơn người ta sẽ cảm thấy vinh quang, thậm chí cao ngạo, cho rằng mình giỏi, mình hay.

Và dĩ nhiên, với quan niệm và thái độ sống như vậy thì khi thất bại ta sẽ thấy nhục nhã vì nghĩ rằng mình bất tài, rằng mọi người đang coi thường mình. Có người khi bị thất bại, họ sẽ tìm cách báo thù hoặc rơi vào trầm cảm đến mức tự tử.

Tuy nhiên, nếu ta sống và làm việc với thái độ cống hiến, phục vụ thì ta sẽ không có những trạng thái tâm lý tiêu cực như vậy. Vì không muốn thắng người nên khi thua cũng không thấy nhục. Vì không tranh với người nên khi mất cũng không thấy tiếc.

Giống như Nguyễn Công Trứ từ chức Thượng thư bị giáng xuống làm lính mà ông vẫn thản nhiên coi như bình thường. Ông nói rằng “Lúc làm tướng tôi không lấy làm vinh thì nay làm lính tôi cũng không lấy làm nhục. Người ta ở địa vì nào, có nghĩa vụ đối với địa vị ấy”.

Ông coi mọi việc bình thường như vậy là vì ông làm quan để phục vụ triều đình, phục vụ dân chúng chứ không ham quyền cao chức trọng, hay danh tiếng, bổng lộc. Đã vậy thì làm quan phục vụ cũng được mà làm lính phục vụ cũng được.

Nếu có tâm phục vụ thì ở vị trí nào, hoàn cảnh nào cũng có thể phục vụ được. Làm được như vậy thì mới gọi là tinh thần phục vụ thật sự. Chúng ta thấy có một số người rất hăng hái phục vụ cộng đồng, lúc nào cũng nói với mọi người rằng họ vì xã hội, vì chúng sinh, vì Phật pháp mà làm.

Thế nhưng khi được yêu cầu giao chức vị cho người khác làm, họ không chịu. Nhất quyết phải là họ làm mới được. Đây chẳng qua là sự tham danh hám lợi ẩn nấp dưới lớp vỏ phụng sự, từ bi.

Người từ bi thật sự, người có tâm phục vụ thật sự sẽ không bám vào địa vị, danh xưng của mình, không quan tâm người khác tôn trọng hay coi thường mình, cũng không cần người phải cám ơn mình. Họ làm việc chỉ vì một mục đích duy nhất là giúp đỡ người khác, đem lại lợi ích cho người khác để cho người khác hết đau khổ, được an vui. Đã vậy thì chỉ cần người khác có lợi ích là được rồi, còn mình giúp hay ai giúp đâu có quan trọng.

Tôi biết một vị thầy nọ rất giỏi nhưng lúc nào cũng khiêm tốn. Thầy có bằng tiến sĩ nước ngoài nhưng ai hỏi về việc học hành thì thầy chỉ nói là học Phật pháp, vậy thôi. Thầy không xin làm việc Giáo hội hay đi dạy trường này trường kia. Còn Giáo hội cử thầy làm gì thì thầy làm cái đó.

Xong rồi thôi. Có người thấy tiếc cho thầy, rằng thầy giỏi vậy mà không có cơ hội phục vụ được nhiều. Thầy chỉ cười nói rằng: “Mình học trước hết là để tu. Tu là chính còn làm việc chỉ là tùy duyên mà thôi. Hơn nữa mình phải tin vào Phật pháp. Phật pháp cho mình làm cái gì thì mình làm cái đó.

Nếu Phật pháp không cho mình làm việc đó tức là đã có người khác làm việc đó tốt hơn mình rồi. Ai làm cũng vậy thôi, miễn là có lợi cho Phật pháp. Mình không làm việc này thì sẽ làm việc khác. Thiếu gì việc để làm”. Tôi cho rằng một người mà có quan niệm và thái độ sống như vậy thì không bao giờ bị những chuyện thắng thua, vinh nhục làm cho lay động được, huống hồ là bị những thứ đó làm hoen ố tâm hồn.

Do tính chất sinh từ bùn mà vượt lên trên bùn, hoa sen trở thành biểu tượng của sự thanh cao và thoát tục. Cũng vậy, sống trong cõi đời này, chúng ta không thể nào cách ly hoàn toàn với những hiện tượng của thế gian. Nhưng điều quan trọng là chúng ta đừng để bị hòa tan và đánh mất mình trong đó.

Để làm được điều đó, chúng ta phải chuẩn bị cho mình quan niệm và thái độ sống vô ngã, vị tha. Làm bất cứ việc gì cũng không phải vì hơn thua với người khác mà phải vì lợi ích của tha nhân. Đức Phật dạy rằng:

“Ta không tranh chấp với đời. Chỉ có đời tranh chấp với Ta.
Người nói pháp không tranh chấp với một ai ở đời”.

Vì có tranh là có thắng thua.

 Thích Hữu Trung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *