Cách nói lời cám ơn mà không cảm thấy mắc nợ!

Quà tặng lẽ ra làm cho chúng ta thấy biết ơn – nhưng đôi khi chúng ta chỉ cảm thấy tội lỗi hoặc thấy bắt buộc phải đáp lại. Sau đây là bốn cách để vẫn giữ được lòng biết ơn mà không cảm thấy mình đang nợ ai đó.

Cảm giác mắc nợ khởi phát khi ta tin là ẩn sau món quà chúng ta được tặng là một mác giá tiền hoặc nghĩa vụ phát sinh nào đó. Nghĩ về người sếp khen bạn về đạo đức nghề nghiệp của bạn, hoặc người bạn giúp bạn dọn dẹp đồ đạc.

Trong những trường hợp này, bạn cảm thấy họ trông đợi bạn đền đáp theo cách nào đó. Sếp có thể trông đợi bạn làm việc trễ, người bạn có thể hỏi mượn tiền bạn – và nhắc khéo bạn về lúc anh ta giúp bạn dọn dẹp bộ ghế.

Nghiên cứu cho rằng có một số khác biệt quan trọng giữa trải nghiệm biết ơn và mắc nợ. Ví dụ, người cảm thấy mắc nợ có xu hướng trải qua cảm xúc tiêu cực hơn, và cảm thấy căng thẳng hơn là bay bổng, vì họ lo lắng về chuyện đền đáp. Cảm giác mắc nợ cũng sẽ dẫn tới những cảm giác ít tích cực hơn về ân nhân và giảm thiên hướng muốn giúp đỡ họ trong tương lai.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc tặng quà cho người khác sẽ khơi gợi lòng biết ơn hay cảm giác mắc nợ – hay sự kết hợp của cả hai.

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu cảm xúc biết ơn và mắc nợ của một người có thể bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ giữa người cho và người nhận, kích thước của món quà, và ý định nhận thấy được của người tặng – nghĩa là người nhận có tin hay không việc người tặng đang tử tế hay là trông chờ nhận lại cái gì đó.

Nhìn chung, chúng ta có xu hướng có những cảm giác về lòng biết ơn tích cực hơn khi người kia gần gũi với ta, trao tặng một cách hào phóng, và được nhìn nhận là thể hiện sự tử tế rõ ràng.

Khoa học cũng cho rằng một số người có nhiều khả năng cảm thấy mắc nợ hơn người khác do tính cách cá nhân. Ví dụ, một số nghiên cứu chỉ ra đàn ông có vẻ cảm thấy mắc nợ nhiều hơn phụ nữ khi nhận được món quà ngoài mong đợi, có lẽ là vì các giá trị xã hội về chuyện độc lập và những ngộ nhận mà đàn ông tự tạo ra.

Thật khó để cảm thấy biết ơn với tâm thế như vậy, rằng bạn cần người khác biết ơn về thành công của bạn, điều này có lẽ giải thích tại sao rất nhiều phụ nữ bạn tôi than phiền về chuyện họ ít nhận được lời cám ơn từ chồng mình khi họ làm điều tốt cho chồng.

Văn hóa cũng đóng một vai trò về việc chúng ta có cảm thấy mắc nợ hay không. Một số nghiên cứu cho rằng những người từ văn hóa Đông Á nhiều khả năng sẽ cảm thấy biết ơn và mắc nợ cùng lúc khi nhận quà, một phần là vì giá trị văn hóa đặt nặng chuyện có qua có lại.

Tuy nhiên, ngay cả trong văn hóa Đông Á, có nghiên cứu cho thấy lòng biết ơn thay vì mắc nợ là động lực mạnh mẽ hơn để xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội.

BỐN CÁCH ĐỂ TẬN DỤNG LÒNG BIẾT ƠN  

1. Tập trung vào người khác, không phải bản thân mình

Cũng như việc theo đuổi hạnh phúc, tốt nhất là tập trung vào người khác và mối quan hệ khi thực hành lòng biết ơn – chứ không tập trung vào những lợi ích tiềm năng cho bản thân. Nếu không, bạn sẽ không thực sự trải nghiệm cảm giác biết ơn của riêng mình.

“Biết ơn là một cảm xúc tập trung vào người khác, chúng ta tập trung vào điều người khác đã làm cho mình” – nhà nghiên cứu về lòng biết ơn Philip Watkins nói. “Nếu chúng ta tập trung vào người khác, tôi nghĩ lòng biết ơn thực tâm sẽ tự động phát triển”

Một số nghiên cứu hỗ trợ tầm quan trọng của việc có sự tập trung ra bên ngoài để tránh cảm giác mắc nợ. Trong một nghiên cứu, nhà khoa học nhận thấy người nào có sự chú ý tập trung vào bản thân nhiều hơn nhìn chung sẽ có xu hướng trải nghiệm cảm giác mắc nợ hơn là biết ơn.

Trong một nghiên cứu khác, người tham gia quan tâm hơn làm sao có sự an toàn và đảm bảo trong một mốt quan hệ – một lợi ích cho bản thân – dẫn dắt họ trải nghiệm lòng biết ơn ít hơn đáng kể và nhiều nặng nợ hơn là khi mối bận tâm của họ là về chuyện nuôi dưỡng mối quan hệ – mục tiêu tập trung bên ngoài hơn.

“Những cách tiếp cận theo tâm lý học phổ thông về lòng biết ơn có vấn đề ở chỗ chúng ta nhấn mạnh quá nhiều rằng hạnh phúc là kết quả của lòng biết ơn, vậy nên chúng ta có xu hướng tập trung lòng biết ơn như là phương tiện đến hạnh phúc”,

Watkins nói. “Nó là như vậy, tuy nhiên khi chúng ta tập trung vào lòng biết ơn như là phương tiện đến hạnh phúc thay vì lòng biết ơn bản chất trong nó là gì – tri ân những gì người khác làm cho mình – thì nhiều khả năng phản tác dụng”

2. Tặng quà đầy vô tư, không cần ràng buộc gì.

Khi tặng quà, điều quan trọng là tặng một cách vô tư và không kỳ vọng sẽ nhận lại gì đó. Nếu người khác nghĩ bạn đang yêu cầu họ đền đáp theo cách nào đó hay bạn đang cố ép buộc họ, họ sẽ ít khả năng cảm thấy biết ơn hơn. Thêm vào đó, họ sẽ ít khả năng muốn trao tặng lại  cho bạn hoặc thậm chí trao sự rộng rãi cho người khác trong mạng lưới xã hội của họ.

May mắn thay, chuyện chi tiền bao nhiêu cho một món quà không quan trọng để khơi gợi lòng biết ơn: điều quan trọng là bạn chu đáo trong chuyện tặng quà, cân nhắc sở thích và nhu cầu của người nhận.

Bên cạnh đó, tặng quà một cách vô tư với tinh thần hào phóng có liên hệ với nhiều ích lợi của nó, bao gồm hạnh phúc. Nhiều khả năng hơn là bạn sẽ tận hưởng trải nghiệm của việc trao quà mà không cần kỳ vọng gì, và có được cảm giác biết ơn chân thành và gắn kết với người nhận nữa.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nếu bạn cho cái gì để nhận cái gì khác từ một người, bạn lại ít khả năng nhận nó từ họ hơn – có một sự phản tác dụng” – Watkins nói. “Chính niềm vui trao đi, hơn là món quà mà bạn nhận từ người khác, mới là trọng tâm”

3. Thực hành lòng biết ơn ngay cả khi bạn không chắc nó có hoàn toàn chân thành không.

Nghe có vẻ là một ý tưởng điên rồ. Tại sao chúng ta lại muốn thực hành lòng biết ơn ngay cả khi chúng ta không chắc là cảm thấy nó?

Lý do là nghiên cứu dường như cho thấy thực hành lòng biết ơn một cách có chủ đích không chỉ ảnh hưởng đến sự biết ơn tự nhiên, mà còn ảnh hưởng lên những người không thích thực hành biết ơn, hay có xu hướng dễ tự ái hơn, Watkins nói.

“Trong mọi nghiên cứu can thiệp tôi đã thực hiện, luôn có sinh viên làm chỉ vì tín chỉ khóa học; nhưng nó vẫn hiệu quả”, Watkins nói. “Chúng ta có xu hướng nhấn mạnh bạn thực sự cần phải muốn biết ơn để làm tốt nó. Nhưng bạn biết không, có lẽ không phải vậy”

Liệu nó có nghĩa là chúng ta nên khuyến khích người khác (VD con chúng ta) thực hành biết ơn theo cách chính thống? Câu trả lời có lẽ là “Có”, những có một số khuyến cáo quan trọng. Trẻ em học nhiều hơn từ phụ huynh nào làm mẫu lòng biết ơn hơn là từ phụ huynh khăng khăng là con mình “làm theo những gì ba/mẹ nói, không phải những gì ba/mẹ làm”, Watkins nói.

Một số nghiên cứu cho thấy trẻ em có thể dễ dàng có được tư duy biết ơn, dẫn đến những lợi ích như có cảm xúc tích cực hơn. Ngồi xuống cùng trẻ và giúp chúng nghĩ về sự chu đáo của người khác hoặc những hy sinh người khác có sẽ giúp trẻ phản hồi với lòng biết ơn nhiều hơn là chỉ đơn giản để chúng đi theo luồng suy nghĩ của mình, Watkins nói.

Tuy nhiên, Watkins đề xuất chúng ta có thể muốn tránh ép buộc điều này. Ví dụ, nếu chúng ta thực hành lòng biết ơn trong bàn ăn tối vào dịp Lễ Tạ ơn, tốt nhất là không ép buộc từng người một phải làm, mà đơn giản là mời gọi mọi người suy nghĩ về phước lành của mình.

Vì lòng biết ơn, cũng như những cảm xúc tích cực khác, có vẻ có tính lan tỏa, những người khác cũng sẽ hùa vào, tạo nên một vòng xoáy cảm giác tốt.

4. Mở lòng với niềm vui trao đi và nhận lại.

Lòng biết ơn làm chúng ta cảm thấy vui vẻ một cách tự nhiên. Nhưng biết cách nuôi dưỡng cảm xúc tích cực trong cuộc sống nói chung – chẳng hạn như đi dạo trong thiên nhiên, nói chuyện với người bạn thân, hay nghe nhạc – sẽ giúp bạn tạo vòng xoáy cảm xúc tốt để dẫn dắt tới lòng biết ơn nhiều hơn và ít thấy mắc nợ hơn.

Những người biết cách thưởng thức những cảm xúc tích cực có lẽ sẽ dễ trải nghiệm cảm giác biết ơn hơn đáng kể, mặc dù nghiên cứu về điều này chưa khẳng định.

Thực hành thiền tỉnh thức cũng giúp chúng ta chú tâm hơn vào những món quà trong cuộc sống, cũng như vào những người đã trao tặng chúng. Có là đó là lý do tại sao tỉnh thức và lòng biết ơn hay đi cùng nhau và dường như bổ trợ để gia tăng chất lượng sống.

Watkins đề xuất chúng ta có thể có chủ ý hơn về việc tặng quà, cũng như về lòng biết ơn. Ông nói, rất thường thấy là chúng ta tặng quà vì chúng ta được kỳ vọng làm như vậy, và chúng ta mất kết nối với việc tặng quà là một lựa chọn.

Thay vì làm chuyện này không suy nghĩ, chúng ta có thể nghĩ về người khác và cởi mở với niềm vui trao tặng.“Chỉ cần nhớ rằng tôi không phải làm như vậy, nhưng tôi muốn làm, và hãy nhớ tận hưởng chính hành động trao tặng”, ông nói. “Đối với tôi chuyện này là chính yếu”

Tác giả:  JILL SUTTIE

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *