Chuyển hóa sân hận thành yêu thương

Chừng nào mỗi chúng ta còn chưa tìm được sự bình an trong tâm thì làm sao có thể mong cầu hòa bình cho thế giới? Làm thế nào trưởng dưỡng niềm an lạc nội tâm và chuyển hóa sân giận thành tình yêu thương?

Bản chất hay trạng thái tự nhiên nguyên thủy của tâm vốn an định, tĩnh tại. Nhưng khi để xúc tình tiêu cực sai sử hay khi bị chi phối bởi vô vàn bám chấp, bạn sẽ phải nỗ lực rất nhiều mới tìm lại được tâm an bình ban đầu. Ta như kẻ bần cùng có kho báu vô giá cất giấu ngay dưới gầm giường nhà mình mà không hề hay biết.

Rồi nhà thông thái đến chỉ cho kho báu đó. Khi ấy, ta mới vỡ lẽ mình giàu có nhường nào. Kẻ “cùng tử” lúc này chắc chắn cảm thấy vô cùng sung sướng và biết ơn. Tương tự như vậy, chúng ta chưa nhận ra niềm an lạc sẵn có nơi tâm. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn phải khổ sở tranh đấu, mọi thứ đối với chúng ta đều tiêu cực, bất như ý.

Trong cuộc sống, mọi người dễ dàng nổi sân vì nhiều lý do khác nhau. Từ sáng đến chiều, chúng ta có đủ loại phiền não. Một số người bực bội trước việc xả rác bừa bãi của người khác hay tức tối khi lái xe và va chạm trên đường. Hay ta cũng có thể giận dữ với một kẻ du côn, sân lên khi thấy người thân của mình bị xúc phạm.

Dường như cơn giận nào cũng chính đáng, tuy nhiên tôi cho rằng điều quan trọng là ta phải phân tích, quán chiếu cơn giận của mình thay vì để nó dẫn dắt một cách mù quáng.

Chúng ta cần cảm nhận một cách sâu sắc xem liệu cơn giận đó giúp gì trong việc hàn gắn thứ tha, hay ngược lại, nó chẳng đem lại điều gì tốt đẹp mà chỉ khiến cho tất cả chúng ta thêm khổ đau phiền não.

Khi đã nhận diện cơn giận đang khởi phát, chúng ta có thể bắt đầu tiến trình tư duy tích cực qua việc tách mình ra khỏi các xúc tình phiền não, tập hít sâu, thở chậm và suy nghĩ về cách xử lý tình huống này một cách ổn thỏa nhất.

Giải pháp bạn tìm thấy có thể nhanh hay chậm, đơn giản hay phức tạp. Quan trọng là chúng ta làm điều đó với một thái độ điềm tĩnh thay vì nóng nảy, giận dữ bởi những xúc tình này không giúp ích gì cho việc giải quyết vấn đề.

Trích ấn phẩm “Giác ngộ mỗi ngày” – Ngài Gyalwang Drukpa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *