Câu chuyện tờ 20 đô la và bài học đáng ngẫm về giá trị con người
‘Trong hội trường gồm 200 sinh viên, vị giáo sư đồng thời là diễn giả nổi tiếng bắt đầu buổi nói chuyện bằng cách đưa ra một tờ 20 đô la và hỏi: ‘Ai muốn có tờ 20 đô la này?’
Nhiều cánh tay giơ lên. Vị giáo sư lại nói: ‘Tôi sẽ đưa tờ 20 đô la này cho 1 người trong số các em. Nhưng trước tiên, hãy để tôi làm điều này.’ Nói rồi, ông vò nhàu tờ 20 đô la.
‘Ồ’ – Vị giáo sư nhìn bao quát một lượt căn phòng và nói: ‘Vậy nếu tôi làm thế này?’ Ông thả rơi tờ tiền lên mặt đất và bắt đầu dẫm giày lên, đi qua di lại trên mặt đất.
Đoạn, vị giáo sư nhặt tờ tiền lên – lúc này đã nhàu nát và dơ bẩn – rồi lại hỏi: ‘Nào, ai còn muốn tờ tiền này?’
Vẫn còn những cánh tay giơ lên trong lớp học.
Tờ 20 đô la bị vò nát, giẫm đạp lên, nhưng các sinh viên vẫn muốn nhận lấy.
Tới lúc này, vị giáo sư mới gật gù nói: ‘Các em thân mến, hôm nay các em đã học được một bài học rất quý báu. Bất kể tôi có làm gì với tờ tiền này, các em vẫn muốn có nó bởi vì bản thân tờ tiền không hề giảm đi giá trị. Nó vẫn là 20 đô la.’
Câu chuyện về tờ 20 đô la thì đã rõ, ai cũng đồng tình với một chân lý đơn giản, dễ hiểu, rằng dù tờ tiền có bị nhàu nát, dính bẩn, thì nó vẫn còn nguyên giá trị nên không có lí do gì phải từ chối nhận lấy tờ tiền ấy.
Thế nhưng, còn một bài học sâu sắc hơn mà giáo sư muốn nói:
Nhiều lần trong cuộc sống, các em bị bỏ rơi, bị thất bại, bị rơi xuống bùn nhơ bởi hoàn cảnh bên ngoài và bởi quyết định mà mình lựa chọn. Các em có cảm giác như mình vô dụng. Thế nhưng, dù cuộc đời các em đã, đang hoặc sẽ xảy ra bất cứ chuyện gì, các em sẽ không bao giờ mất đi giá trị của mình. Cũng giống như tờ tiền kia, bất kể bẩn thỉu hay sạch sẽ, nhàu nhĩ hay thẳng thớm, với những người thật lòng yêu thương em, các em là vô giá’.
Giá trị của mỗi người không phải là những gì nhất thời, mà ở chính con người họ. Cổ nhân nói: ‘Giá trị bản thân không nằm ở những gì ta cố khoác vào mà nằm ở những gì nội lực bên trong tỏa ra’, vậy giá trị của bản thân là gì ?
Thông thường chúng ta sẽ gắng gượng để khoác lên mình lớp vỏ bọc để khẳng định giá trị bản thân. Nhưng thực ra, chỉ cho đến khi cả hai yếu tố bên trong và bên ngoài đều đồng nhất thì đó mới chính là lúc bạn chạm đến giá trị đích thực của bản thân. Bởi lẽ, giá trị của mỗi người không nằm ở vẻ ngoài, ở những gì người khác nghĩ về ta, mà nó xuất phát từ những gì thuộc về bản chất. Đức Phật từng nói ‘Bạn chính là những gì bạn nghĩ ‘. Suy nghĩ rất quan trọng, nó ảnh hưởng lớn lao đến cuộc sống mỗi người. Vậy nên hãy lấp đầy tâm trí bằng những ý nghĩ về ươc mơ, hoài bão, những suy nghĩ tích cực, dần dần bạn sẽ thấy mình đi đúng hướng.
‘Không một ai có thể làm cho bạn cảm thấy mình thấp kém nếu không có sự đồng ý của bạn’.
Thật ra, cuộc sống này là của chúng ta, do chính chúng ta định đoạt nó. Hạnh phúc hay đau khổ là do ta lựa chọn, chính vì khó khăn nên bản thân ta mới trở nên quan trọng như thế. Không ai có quyền ép buộc bạn phải sống như thế nào, hoặc phải lựa chọn con đường đi như thế nào bởi cuộc sống là của mình, tại sao phải để người khác quyết định? Bùn dưới chân nhưng nắng ở trên đầu. Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh gian khổ.
Nếu bạn chưa từng khóc, đôi mắt của bạn không thể đẹp nên đừng lo ngại những quyết định của mình sẽ sai lầm, nó không quan trọng bởi ngay cả những điều tồi tệ nhất cũng có ý nghĩa riêng của nó. Có trải qua đau khổ, cay đắng con người ta mới hiểu ra được nhiều điều, mới nhìn nhận ra được những sự thật mà sự an toàn không thể mang tới.
Hãy tập trung vào những khía cạnh mà qua đó bạn có thể bắt đầu chuyến đi tự khám phá bản thân mình. Và hãy nhớ rằng, đối với những người yêu thương ta, dù ta có bị vùi dập, trải qua nhiều sóng gió, họ vẫn luôn dang tay đón nhận ta, bởi họ thấu hiểu được bản chất, giá trị của ta. Cũng giống như tờ 20 đô kia, dù bì vò nát, dẫm đạp, giá trị của nó vẫn không thay đổi.
Tuy nhiên, cũng không nên lầm tưởng rằng có thể làm mọi không tốt, để đôi bàn tay vấy bẩn bởi những việc làm xấu nhưng vẫn được nhìn nhận là người có bản chất tốt. Dòng đời xô đẩy, nhào nặn con người ta, nhưng chỉ khi ta vẫn kiên định trước sóng gió, duy trì tâm hồn tâm trong sạch, giữ gìn được những giá trị cốt lõi, khi ấy ta mới có thể an nhiên trước gió.
-Sưu tập-