Chắc hẳn các bạn ai cũng biết và đọc được ở đâu đó những cuốn sách “dạy” chúng ta làm thế nào để sống hạnh phúc, hoặc nâng cao lòng tự trọng của bản thân (self-esteem); hoặc hơn nữa: Loại bỏ các cảm xúc tiêu cực ra khỏi cuộc sống thường ngày.
Nhưng liệu, điều đó có thật-sự-cần-thiết? (Hay nói chính xác hơn: Theo đuổi hạnh phúc bằng cách chối bỏ toàn bộ những điều tiêu cực trong cuộc sống liệu có thật sự hiệu quả?)
Trong một bài dịch trước đây (bài Bí mật của hạnh phúc? Đừng cảm thấy tồi tệ về tâm trạng không vui của mình), có một đoạn trong bài viết nói như sau:
“Hạnh phúc tốt cho bạn và cho những người xung quanh bạn – những người bạn yêu thương không mong điều gì hơn là việc được thấy bạn hạnh phúc. Nhưng bạn không nên cảm thấy xấu hổ nếu như bạn không làm được điều ấy.”
Trong một buổi đàm luận của Đức Phật Thích Ca, ngài có nói về 4 con ngựa khác nhau: Con ngựa xuất sắc, con ngựa tốt, con ngựa tồi, và con ngựa rất tồi.
Con ngựa xuất sắc, theo như Kinh Phật, chuyển động ngay trước khi cái bóng của chiếc roi da chạm vào cái lưng của nó hoặc chỉ một tí tiếng động phát ra từ người lái xe ngựa là đủ để cho nó chuyển động rồi. Con ngựa tốt chỉ cần một cú chạm rất nhẹ từ chiếc roi là nó đã chạy. Con ngựa tồi thì không đi cho đến khi nó cảm thấy đau, và con ngựa-rất-tồi thì không hề di chuyển một tí nào cho đến khi sự đau đớn ngấm sâu vào xương tủy của nó.
Khi Shunryu Suzuki (1) kể câu chuyện trong một cuốn sách của ông ấy mang tên “Zen Mind, Beginner’s Mind”, ông ấy nói rằng khi mọi người nghe buổi đàm luận của ông ấy, họ luôn muốn mình là con ngựa tốt nhất; nhưng kỳ thực khi chúng ta ngồi xuống và thiền, dù chúng ta là con ngựa tốt nhất hay con ngựa tệ nhất thì cũng không quan trọng. Rồi ông tiếp lời rằng, trên thực tế, con ngựa tệ nhất mới thực sự là học trò tốt nhất.
Pema Chodron (2), trong cuốn sách của bà ấy mang tên “The Wisdom of no Escape”, bà ấy có nói rằng:
“Tôi đã nhận ra một điều trong khi thực hành là: thực hành hay tu tập không liên quan đến việc bạn là con ngựa xuất sắc, con ngựa tốt, con ngựa tồi hay rất tồi. Mà nó là về việc bạn tìm được bản chất hay bản ngã của chính mình và cư xử, hành động từ những gì rất bản chất và chân thực đó. Cho dù bạn là người như thế nào, thì đó cũng là tài sản và là vẻ đẹp của bạn; đó mới chính là những gì người khác phản hồi lại.
Một lần tôi có cơ hội nói chuyện với Chögyam Trungpa, Rinpoche (3), về một sự thật rằng tôi đã không thể thực hành (thiền định) đúng cách. Tôi mới chỉ bắt đầu thực hành vajrayana (4) và đáng ra tôi phải mường tượng ra một cái gì đó.
Nhưng tôi không thể “mường tượng” hay tưởng tượng ra bất cứ cái gì cả. Tôi đã cố gắng và cố gắng nhưng… thật sự là chẳng có gì cả; tôi cảm thấy đó như là một trò đùa hơn là mình đang thực hành, vì tôi không cảm thấy nó tự nhiên chút nào cả.
Tôi cảm thấy mình thật thảm hại bởi vì mọi người đều đang có những hình dung riêng của họ và đang làm rất tốt. Ông ấy nói rằng, “Tôi luôn cảm thấy nghi hoặc với những người luôn nói rằng mọi thứ đều đang tiến triển rất tốt; tôi có cảm giác đấy là một kiểu tự phụ gì đó. Nếu như nó quá dễ dàng với bạn, thì bạn sẽ có tâm lý nghỉ ngơi. Bạn sẽ không bỏ công sức, sẽ không cố gắng mấy, và do đó bạn sẽ không thể tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi là một người thật sự sẽ là như thế nào”.
Do đó ông ấy đã khích lệ tôi rằng, chừng nào tôi còn có những sự do dự, hay tự nghi ngờ đó, thì việc thực hành hay tu tập của tôi sẽ tốt thôi. Khi bạn bắt đầu thấy rằng mọi thứ đều quá hoàn hảo và cảm thấy tự mãn hay vượt trội hơn những người khác, hãy cẩn thận!
Daini Katagiri Roshi đã từng nói với tôi về kinh nghiệm của ông ấy khi ông ấy còn là con ngựa tệ nhất. Khi ông lần đầu tiên rời Nhật Bản để đến Mỹ, ông ấy vẫn còn là một thiền sư trẻ ở độ tuổi ngoài 20. Ông đã từng là một thiền sư tại Nhật – một đất nước mà mọi thứ đều rất chính xác, trật tự và ngăn nắp – trong một thời gian dài.
Còn tại Mỹ, học trò của ông ấy đều có kiểu “hippies” với mái tóc dài bù xù, quần áo lùng bùng rách rưới và không đeo giày. Ông ấy đã không thích họ. Nhưng ông không biết làm thế nào khác – ông ấy, vào lúc đó, đã không thể chịu đựng được họ.
Cái phong cách của họ xúc phạm mọi thứ có ở ông ấy. Rồi ông ấy chua chát nói rằng, “Đó, cả một ngày dài tôi nói về sự cảm thông và lòng trắc ẩn, nhưng vào ban đêm khi về tới nhà, tôi lại khóc và đau buồn khi nhận ra rằng tôi chẳng có một tí lòng trắc ẩn nào cả”.
Giống như Suzuki Roshi (5) trong buổi nói chuyện của ông ấy, ông ấy đã nói rằng: Đó mới thật sự là mục đích: bởi vì chúng ta nhận ra rằng chúng ta là những chú ngựa tệ nhất, chúng ta mới có động lực để cố gắng nhiều hơn.
Ở Gampo Abbey chúng tôi có một thiền sư Tây Tạng: Lạt-ma Sherap Tendar, ông ấy dạy chúng tôi cách chơi nhạc cụ truyền thống Tây Tạng. Chúng tôi có 49 ngày để học, cũng như nhiều điều khác trong quãng thời gian đó. Nhưng rồi thật ra, trong cả bốn mươi chín ngày đó, hai lần một ngày, tất cả những gì chúng tôi làm là học cách chơi cái chập chiêng (cymbals) và cái trống, rồi sau đó là làm thế nào để kết hợp chúng với nhau.
Ngày nào chúng tôi cũng tập luyện và tập luyện. Ban đầu chúng tôi tự tập với nhau, sau đó chơi cho Lạt-ma Sherap xem, và ông ấy lúc nào cũng ngồi đó với nét mặt có chút cau có đau khổ. Sau đó ông ấy sẽ cầm tay chúng tôi để hướng dẫn kỹ hơn. Rồi chúng tôi chơi cho ông ấy xem, và rồi ông lại thở dài.
Cứ thế cứ thế cho đến hết 49 ngày. Trong suốt thời gian đó, ông ấy không bao giờ khen chúng tôi làm tốt, nhưng thật sự ông ất rất dịu dàng, ngọt ngào và nhẹ nhàng với chúng tôi.
Cuối cùng, khi tất cả đã kết thúc và chúng tôi có một lần trình diễn cuối cùng, ngay khi chúng tôi đang làm bánh mỳ nướng và nghe chấm điểm, thì Lạt-ma Sherap nói rằng: “Thật ra các con thật sự đã giỏi rồi. Các con đã làm rất tốt ngay từ những ngày đầu, nhưng ta biết rằng nếu ta khen các con rằng các con đã làm tốt, có thể các con sẽ ngừng cố gắng”.
Ông ấy đã đúng. Ông ấy thật sự có một cách rất nhẹ nhàng để khuyến khích chúng tôi mà không hề làm chúng tôi tức giận hay nản chí. Điều đó chỉ khiến chúng tôi cảm thấy rằng ông ấy – người thầy của chúng tôi – biết cách chơi thứ nhạc cụ đó đúng cách hơn chúng tôi; bởi ông ấy đã chơi chúng từ khi còn là một cậu bé, và chúng tôi chỉ việc cố gắng hơn chút nữa. Do đó, trong suốt bốn-mươi-chín ngày đó, chúng tôi đã thật sự học rất chăm chỉ.
Chúng ta có thể hợp tác với chính bản thân mình bằng một cách tương tự. Dĩ nhiên, chúng ta không việc gì phải quá khắt khe với bản thân mình khi nghĩ rằng chúng ta ngồi đây và thiền định hay việc chúng ta đang trong tình trạng như vậy, ở thế giới này – là được xếp cùng phân loại với con ngựa tệ nhất.
Chúng ta có thể thấy cảm thông với điều đó và coi nó như một động lực để cố gắng phát triển bản thân. Để rồi chúng ta có thể nhận ra rằng, không chỉ tự tìm ra bản ngã của chính mình, mà chúng ta còn có thể hiểu hơn về những người xung quanh, bởi vì trong tận sâu thẳm thâm tâm của tất cả chúng ta, hầu hết ai cũng nghĩ rằng họ là con ngựa tệ nhất.
Vấn đề nằm ở chỗ, bản chất thật của chúng ta không phải là việc chúng ta bấu víu vào lý tưởng nào đó hay noi theo. Mà bản chất chính là việc chúng ta là ai, như thế nào vào hiện tại, việc chúng ta nhận thức được bản chất của mình là gì – để rồi làm bạn và chấp nhận với điều đó.”
Trong cuốn sách “The Upside of Your Dark Side” của hai tác giả Todd Kashdan và Robert Biswas-Diener, có nói rằng: chỉ khi bạn chấp nhận cả những cảm xúc tiêu cực và tích cực của mình, là chính bản thể của bạn – chứ không chỉ mỗi mặt tốt – mới dẫn bạn đến thành công và sự viên mãn.
Chìa khóa của hạnh phúc, không phải là việc lúc nào cũng cố gắng để vui vẻ, cũng hạnh phúc hay thỏa mãn, mà là biết cách chấp nhận, quan sát rằng bản thân mình đang ở trong tình trạng ấy; từ đó mà có thể yêu thương và cảm thông với chính những gì mình (hay người khác) đang trải qua hơn. Hãy thả lỏng, hít sâu và nghĩ rằng, mọi thứ rồi sẽ ổn thôi, sẽ ổn cả thôi.
Sưu tầm – Beautifulmindvn.com