Mindfulness: Làm cách nào để nuôi dưỡng đứa trẻ nội tại trong bạn?

Bạn có biết bên trong mỗi người lớn chúng ta là một “đứa trẻ nội tại” (Inner Child). Đứa trẻ này luôn thể hiện những nhu cầu tâm lý sâu thẳm nhất của bạn, luôn đi cùng với bạn, là một phần không tác rời của bạn, là nơi lưu giữ những ký ức đẹp nhất cũng như đau buồn nhất của bạn.

Carl Jung, cha đẻ của trường phái tâm lý học phân tích, gọi nó là “đứa trẻ thần thánh” (Divine Child) còn Triết gia Emmet Fox thì gọi là “đứa trẻ kỳ diệu” (Wonder Child). Hai nhà tâm lý liệu pháp Alice Miller và Donald Winnicott thì đề cập đến nó như là “chân ngã” (true self).

Dù hiểu theo nghĩa nào thì bạn sẽ nhận ra mình có trách nhiệm nuôi dưỡng đứa trẻ này trong mình. Vì nó sẽ giúp bạn trở về với bản chất chân thật nhất của mình trong môi trường phù hợp với con người và giá trị của bạn; hay sẽ khiến bạn mâu thuẫn, khó chịu, đấu tranh luôn khi bạn chọn làm/phải làm những việc không đúng với con người và giá trị của mình.

Hình ảnh có liên quan
Khi nhìn một nguời lớn trưởng thành đang bối rối, vật lộn trong mớ bòng bong công việc và cuộc sống để đạt được những mục tiêu cho mình, ta có thể đâu đó nhìn thấy đứa trẻ nội tại trong họ đang bị bỏ rơi, lạc lõng, không có điểm tựa tinh thần.

Hay khi nhìn một người lớn trưởng thành đánh mất bản thân mình qua lời nói, hành động, ta có thể đâu đó nhìn thấy đứa trẻ nội tại trong họ đang trở nên nổi loạn, không còn biết nghe lời, không còn dễ thương nữa. Nó muốn gào thét để được chú ý, để khoả lấp những nỗi buồn, những tổn thương không chữa lành. Nó không có lý do nên có thể gây ra những biểu hiện vô cùng phiền toái cho người lớn của nó.

Làm cách nào để nuôi dưỡng đứa trẻ nội tại trong bạn một cách khoẻ mạnh? Theo Tiến sĩ Kristin Nelf, Giáo sư Tâm lý học ĐH Texas, tác giả quyển “Self Compassion”, chúng ta có thể thực hành trước nhất là yêu thương bản thân mình. Có 3 yếu tố cần thiết trong thực hành này:

  1. Self-kindness (tử tế với mình)
  2. Common humanity (ai cũng như ai)
  3. Mindfulness (với sự tỉnh thức)

 
Đầu tiên, hãy học cách nhìn nhận những lỗi lầm, thiếu sót của chính mình với sự tử tế và thấu hiểu. Điều này rất khác biệt với việc phán xét, chỉ trích bản thân mình mỗi khi gặp thất bại.

Thiếu sót là một phần không thể thiếu cho quá trình trưởng thành làm người của chúng ta. Không ai sinh ra là hoàn hảo, là có thể làm được mọi việc. Thay vì tự cô lập mình, so sánh mình với người khác, làm cho mình càng nhỏ đi, càng không có giá trị gì, hãy học cách chấp nhận bản thân với thái độ cởi mở, cầu tiến, tiếp tục hoàn thiện mình mỗi ngày.

Thay vì đánh đồng giá trị của mình với những thiếu sót của mình, chúng ta học cách nhìn nhận vấn đề với sự tỉnh thức, không thêm bớt, không phán xét, không suy diễn.

Từ sự tỉnh thức này, chúng ta có thể yêu thương và chăm sóc bản thân mình tốt hơn, thông cảm và hỗ trợ cho bản thân mình tốt hơn, trở thành người bạn thực sự của mình chứ không phải là kẻ thù của mình.

Khi thật sự yêu thươnng bản thân mình chính là bạn đang nuôi dưỡng nguồn yêu thương để sẵn sàng trao đi cho người khác. Hi vọng rằng những ký ức của mùa trung thu này sẽ giúp bạn kết nối sâu sắc hơn với đứa trẻ nội tại bên trong mình, và những thực hành trên sẽ đi cùng với bạn.

Nguồn: Sưu Tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *