“Tôi là ai ?” – Nếu được ai đó hỏi câu hỏi trên, hay là một lúc nào đó bạn tự hỏi chính mình câu này, hầu hết mọi người trong chúng ta, đều có thể dễ dàng mà trả lời rằng:
-“Tôi” là một con người, một sinh linh đang “sống” trong vũ trụ này. Tôi có một thân xác, cùng với những thứ như cảm xúc, suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, sở thích… và “Tôi” điều khiển chúng theo ý mình, ấy như thế là “Tôi” đang sống!
Hoặc, một số bạn có thể sẽ miêu tả một cách có vể “triết học” hơn : trong tôi có một linh hồn, linh hồn ấy biết suy nghĩ, biết cảm nhận, biết đưa ra quyết định, biết làm ra mọi thứ… Linh hồn ấy là ông chủ của cái khối thân tâm này, mà chúng ta còn gọi là “cái Tôi”, danh từ trong đạo Phật gọi là Bản ngã.
Một số người sáng suốt hơn, do có trí hiểu biết sâu rộng , có thể biết thêm rằng : “linh hồn của Tôi” luân chuyển đầu thai hết kiếp này qua kiếp khác trong sáu cảnh giới, và chịu sự chi phối của luật Nhân quả, gieo nhân gì – gặp quả ấy.
Các câu trả lời có thể hơi khác nhau, xong điểm chung là đều công nhận có một “cái Tôi” là trung tâm, làm chủ thể, dẫn dắt, điều khiển những thứ khác, như thân xác, suy nghĩ, hành động…
Vậy, sự thật có đúng như thế không ?
Cái lối mòn mà ai cũng đi ấy có thật là chân lí không ? Hãy dành ít thời gian, cùng với tất cả trí tuệ trong bạn để suy xét về những điều dưới đây, tôi sẽ đồng hành cùng bạn để bạn có được sự thật ! Và sự thật này rất có thể khiến bạn phải thốt lên : “Oh my God ! Wow, thật không thể tin được !”
Bạn sẵn sàng chứ ?
_______________
Mỗi người chúng ta, hay bất cứ chúng sinh nào khác, đều được cấu tạo từ 5 thứ: sắc – thọ – tưởng – hành – thức, gọi là năm ấm. Điều này là do Đức Phật dạy.
Cụ thể, diễn giải một cách dễ hiểu, thì :
– Sắc: là thân xác.
Đối với loài người, súc sinh thì có thân xác vật lý, vì đang sống trong thế giới vật lý.
Còn chư Thiên, Atula, thần linh, quỷ- yêu, vong linh, tội hồn địa ngục, thì có thân xác dạng siêu hình, vì sống trong cõi giới phi vật chất.
– Thọ : là cảm giác – cảm xúc. Như cảm thấy vui, cảm thấy buồn, giận, ghét, thích, chán .v.v…
– Tưởng : là các vọng tưởng hiện lên trong đầu mà ta có thể thấy được, gồm những ý nghĩ, hình ảnh, âm thanh, hương vị, xúc chạm … mà não bộ có thể tưởng tượng được ra.
– Hành : là hệ thống điều khiển mọi hành động, hoạt động, vận hành sự sống của chúng sinh, gồm cả hành động có ý thức như đi, đứng, ăn uống, nói năng giao tiếp, làm việc bằng chân tay, suy nghĩ, tính toán bằng đầu óc .v.v…và gồm cả các hoạt động vô thức như tiêu hóa, tuần hoàn tim mạch, sản sinh tế bào, điều tiết hoóc -môn, tạo ra giấc mơ, trực giác .v.v…
– Thức, là cái biết, trí nhớ, giống như kho thông tin, lưu trữ dữ liệu ở mọi dạng: hình ảnh, âm thanh, hương vị, xúc chạm, ý niệm, khái niệm, sự vật, sự việc .v.v…
Cả 5 thứ này quện chặt vào nhau, phối hợp nhuần nhuyễn trong từng giây, từng 1/1000 giây, nhanh đến mức khó mà tách bạch được chúng ra độc lập. Giống như cái quạt máy có 5 cái cánh, khi đứng yên ta có thể nhìn rõ là 5 cánh, nhưng khi quạt chạy với tốc độ cao, ta thấy chúng dường như là một khối.
5 ấm không phải là một, chúng riêng rẽ, trong đó không có cái nào làm thủ lĩnh, mà là cái này hỗ trợ, thúc đẩy cho cái kia, cái kia lại thúc đẩy, sinh trợ cho cái kia nữa, cứ thế qua lại không ngừng giữa 5 ấm. Mà thực chất là không có ấm nào đứng ra điều khiển thân tâm này cả, không có thủ lĩnh.
Uhm… liệu câu trên có nói sai không nhỉ ?
Chẳng phải là có một cái “Tôi” đứng ra làm chủ, rồi điều khiển các bộ phận hoạt động, chỉ đạo 5 ấm theo lệnh của chủ thể “TÔI” sao ?
Để hiểu được bản chất vấn đề. Ta hãy cùng làm thử một thí nghiệm nhỏ, một lần soi lại cấu trúc bên trong của chính mình, để xem cái chủ thể “TÔI” làm chủ được cái gì trong thân tâm của chính mình không nhé :
– Sắc ấm ( thân xác ) :
Theo các nhà khoa học, không có bất cứ một tế bào nào tồn tại suốt từ khi ta sinh ra đến khi ta già chết, chúng sinh ra rồi diệt mất, và được thay thế bằng những tế bào mới liên tục, liên tục.
Thân xác ta là một chuỗi nối tiếp nhau của những cái thân gần giống nhau, nhưng không giống nhau hoàn toàn: thân 1 ngày tuổi – thân 1 tháng tuổi – thân 1 năm tuổi – thân 2 năm tuổi … – thân 99 tuổi…
Mỗi ngày trôi qua ,thân ta già đi một chút, một năm trôi qua, ta thấy sự già đi rõ ràng hơn cho đến khi ta thành một cụ lão hom hem, lụ khụ, xấu xí, mệt mỏi nằm chờ chết, thậm chí muốn chết cho mau cũng không được . Chẳng ai muốn vậy cả. Vậy nếu “Tôi” có thể làm chủ thân xác này, thì hãy ra lệnh cho đừng già đi, cứ trẻ trung , khỏe mạnh mãi, hãy ra lệnh như thế đi !
Không được , không bao giờ được, đúng không ?
– Thọ ấm ( cảm giác, cảm xúc ) :
Ai cũng mong muốn mình luôn được hạnh phúc, luôn cảm thấy khoái lạc, tôi hay bạn, hay mọi người đều vậy, nhưng điều này lại chủ yếu lệ thuộc vào ngoại cảnh bên ngoài, hoặc thậm chí là một cái gì đó vô hình bên trong, kiểu như :
“Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn, không hiểu vì sao tôi buồn ?”
Xong thường cảm xúc sẽ bị bên ngoài chi phối nhiều. Như có người đến khen ngợi ta không tiếc lời, tặng hoa, tặng quà, như thế thường sẽ khiến ta cảm thấy Vui.
Ngược lại, nếu có người tới lăng nhục, phỉ nhổ vào mặt ta bằng những lời độc địa nhất, rồi đánh đập, tra tấn ta, như thế thường sẽ khiến ta cảm thấy buồn phiền, cảm thấy đau khổ.
Nếu “Tôi” có thể làm chủ, hãy thử đảo ngược cảm xúc của mình trong những trường hợp như thế, xem có được không ? Ai chửi mình, mình vui. Ai khen ngợi mình, mình buồn, xem kết quả như thế nào ?
Một lần nữa, câu trả lời là “Không”, đúng không bạn ?
Thậm chí, trong một thử nghiệm dễ hơn, giả sử bạn đang rất đói, ăn bao nhiêu cũng không thành vấn đề, bạn vào nhà hàng và gọi một món mà bạn ưa thích nhất. Bạn thấy nó ngon tuyệt vời. Tiếp theo bạn lại gọi tiếp đúng món đó và ngồi ăn. Bạn sẽ thấy lần thứ hai này, vị ngon giảm bớt. Lại lặp lại lần thứ ba, thứ tư… bạn sẽ thấy sự chán ngán xuất hiện. Lại tiếp tục cho đến lần thứ hai mươi, hai mốt… Bây giờ, món ăn đó trở thành một công cụ tra tấn đối với bạn. Nếu bạn làm chủ được cảm xúc, hãy điều khiển cho mình luôn thấy ngon miệng trong lần ăn thứ hai mốt giống như trong lần đầu tiên, xem có được không ?
– Tưởng ấm ( tất cả ý niệm trong tâm mà ta thấy) : trong tâm trí của chúng ta, ta luôn thấy các ý nghĩ, các suy tưởng, thậm chí cả hình ảnh và âm thanh của những việc quá khứ, dự tính tương lai .v.v…
Hầu hết mọi người cho rằng bản thân mình làm chủ được các suy nghĩ của mình. Vậy bạn hãy thử một thí nghiệm, hãy dừng hẳn không suy nghĩ bất kì thứ gì trong vòng một giờ, cho đến một ngày, xem có được không ?
Bạn thấy rằng quá khó, phải không ?
Các ý niệm, vọng tưởng tự chúng nó phát sinh liên tục, chúng tự tung tự tác, chẳng thể bảo nó dừng, thậm chí bảo chúng chỉ được nghĩ theo hướng thiện, không được theo hướng bất thiện cũng chẳng được, phải không bạn?
– Hành ấm ( hệ thống điều hành mọi hoạt động, các nhà khoa học thường gọi là “hệ thần kinh” ) :
Hệ thống này quả thật là một bí ẩn với hầu hết chúng ta. Chúng ta vẫn thường đi tới, đi lui, nói năng, hoạt động đủ kiểu, song không hề thấy hệ thần kinh điều hành thế nào, ra lệnh cho các bộ phận cơ thể hoạt động như thế nào.
Ngay đến các ý muốn, các sở thích của ta cũng do nơi Hành ấm quyết định, bạn thấy không, bạn thường hay muốn cái này, thích cái kia nhưng không cách nào tự thay đổi sở thích của mình được, đúng không?
Một ví dụ khác, như quả tim, nó vẫn luôn đập thình thịch liên tục, nhưng ta đâu có điều khiển được nó bao giờ đâu ? Nếu bạn cho rằng mình làm chủ được Hành ấm ( hệ thần kinh) hãy điều khiển cho quả tim ngưng đập 1 nhịp, chỉ cần 1 nhịp thôi cũng được, xem có được không ?
– Thức ấm ( cái biết, cái Nhận thức )
Đây là tổng kho dữ liệu của chúng ta, ta biết sự tồn tại của mọi vật, mọi người, mọi vấn đề , ta nhớ được mọi chuyện quá khứ… đều nhờ kho dữ liệu tri thức này. Khi tiếp xúc với ngoại cảnh, kiến thức bên ngoài… và ngay cả những vấn đề trong nội tâm ta, Thức ấm tự động lưu lại để hình thành kí ức, tri thức, sự nhận thức…
Vậy ta có điều khiển được kho dữ liệu này không ? Hãy làm một phép thử đơn giản, hãy xóa tên Đất nước mà bạn đã sinh ra và lớn lên như chưa từng biết đến bao giờ, xem xem có được không ?
Hay một thí dụ khác, trong lớp học cũ của bạn, bạn đã từng biết tên hết tất cả mọi người , thậm chí biết rõ họ tên đầy đủ, vậy hãy kể tất cả những cái tên đó ra xem!
Bạn đã quên gần hết rồi, và chẳng làm sao nhớ lại nổi, phải không?
Thực tế là, ta nhớ hay quên cái gì, ta không điều khiển được.
————–
Tất cả chúng, thân xác lẫn linh hồn, từng thứ từng thứ một, đều tự tung tự tác, chẳng cái nào do ta điều khiển.
Cả một khối thân tâm này vẫn sống, vẫn sinh hoạt, vẫn tư duy hàng ngày… Vậy mà ta chẳng làm chủ cái nào, vậy “Tôi” ở đâu, Chủ tể của cái khối thân tâm này ở đâu?
Thực ra,cái tôi không có thật,nó chỉ là ảo giác của tâm!
Do vì khối sắc – thọ – tưởng – hành – thức chuyển động quá nhanh và nhuần nhuyễn tạo ra một ảo giác rằng có một cái Tôi làm chủ cái thân tâm này. Nhưng không , cái Tôi ấy giống như người cầm cây đuốc quay vòng tròn thật nhanh, sẽ sản sinh ra một cảm tưởng rằng có 1 vòng tròn lửa, nó chỉ là cảm tưởng, một ảo tưởng mà thôi.
Nếu như mắt ta đủ nhanh, ta sẽ thấy rõ, đó chỉ là một cây đuốc di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, thế thôi. Cái Tôi – cái Bản ngã cũng thế, nếu ta đủ trí tuệ, ta sẽ thấy đó chỉ là một tập hợp những nhân duyên nối tiếp nhau, thế thôi, chẳng có cái Tôi nào cả.
Để tôi làm một ví dụ cho bạn:
Buổi sáng, sau một giấc no say, bạn thức dậy. Và bạn thấy đói. Cái cảm thấy đói này, nó là cảm giác, thuộc Thọ ấm. Do thọ ấm nhắc nhở, bạn sẽ thấy 2 việc xảy ra đồng thời, một là trong đầu nảy ra ý nghĩ “Sáng rồi, đi ăn sáng, nạp chút năng lượng cho ngày mới thôi”.
Và hai, là tay chân bắt đầu làm các động tác vệ sinh cá nhân, thay đồ thích hợp, nhét tiền vào túi,. Một chuỗi các hành động đó, thuộc về Hành ấm. Do đã quen, nên dường như bạn không phải suy nghĩ gì trong khi làm chúng. Hay đúng hơn, là chúng cứ tự động làm, chẳng cần phải ra từng câu lệnh “Ê, tay kia, bỏ tiền vào túi. Chân, xỏ vào giày. Toàn thân đứng dậy, đi thẳng, mở khóa, bước ra đường, nhằm hướng….”
À không ! Không có ai phải ra lệnh liên tục như thế cho cơ thể để chúng hoạt động phải không ? Hành ấm cứ thế lặng lẽ hoạt động thôi. Tiếp theo, tưởng ấm lại khởi ra một ý nghĩ “Sáng nay ăn món gì đây nhỉ ?”
Thế là Hành ấm lục lọi trong trí nhớ – tức là Thức ấm, và ra được một kết quả ( kiểu như tra google ấy) : “Ở đầu ngõ mới khai trương một quán bún trông có vẻ rất ngon” đồng thời vẽ ra một bản đồ đơn giản đường tới đó, kiểu như “rẽ trái, đi 50 mét, rẽ phải, nhìn bên trái là thấy”
Tiếp theo, hành ấm lại lặng lẽ điều khiển tay, chân, cơ thể làm hàng loạt các hành động để đi đến quán bún đó, gọi một tô, chờ một lúc và …ăn thôi nào !
Lúc này, Thọ ấm cảm thấy hàng loạt các cảm giác từ lưỡi và mũi: chua chua, cay cay, thơm thơm, cảm thấy nước bún thật đậm đà, nhưng không quá mặn… tóm lại là cảm thấy bún ở đây rất thơm ngon, vừa ý mình, hay đúng hơn, là vừa ý của Thọ ấm.
Vậy là hành ấm liền tạo ra một chuỗi động tác nhìn xem tên quán là gì, có ship tận nhà không, để ghi nhớ, tức là nhập dữ liệu vào Thức ấm, gắn 5 sao, để sau này tiếp tục đến đây ăn sáng.
Diễn tả thì rất lủng củng, dông dài, nhưng lại thiếu rất nhiều chi tiết. Trong thực tế, tất cả chuỗi phối hợp giữa 5 ấm này, cực kì nhuần nhuyễn và nhanh chóng, thậm chí có nhiều cái ta không hề ý thức là nó đang xảy ra, như : tim vẫn luôn đập, phổi vẫn luôn thở, dạ dày vẫn tiết dịch vị tiêu hóa v.v…
Vậy, nếu thật sự cái Tôi làm chủ điều khiển 5 ấm, thì, nó điền khiển chỗ nào ?
Bạn thử tìm xem có ra không nhé!
Sự thật, nếu quan sat đủ kĩ, bạn sẽ phát hiện ra: cái này có thì sinh ra cái kia có, cái kia có thì sinh ra cái kia nữa có, cứ thế nối tiếp nhau vô tận, tạo thành một dòng liên tục.
Giống như một dòng sông, một dòng sông là sự nối tiếp liên tục của vô số hạt nước, đất cát, cá tôm.v.v…
Nhưng không có cái nào là chủ tể đứng ra điều khiển cả, nó là một tập hợp của những nhân duyên, khi mọi điều kiện tập hợp đầy đủ : có nước tụ về, có sự trũng xuống của mặt đất, có độ dốc .v.v… Ta sẽ thấy một dòng sông hiển thị ra, thế thôi, chẳng có chủ tể nào điều khiển cả, nó vô chủ, vô ngã.
Và mỗi người chúng ta, mỗi chúng sinh cũng như vậy, vô chủ, vô ngã.
Tập hợp những nhân duyên này nhất nhất tuân theo luật nhân quả nghiệp báo, cái này có thì sinh ra cái kia, cái kia có lại sinh ra cái kia nữa… cứ thế đến vô tận kiếp luân hồi.
Tất cả chẳng qua do dòng nghiệp duyên nhân quả chi phối, điều khiển.
Chúng giống như vạn vật vô tri, không khác, chẳng qua là chúng sống động hơn do sự nhịp nhàng của cảm thọ, suy tưởng, sự nhận biết, sự điều phối của hành động cùng với thân xác.
Mỗi cái trong 5 cái đó đều riêng rẽ, ta hãy so sánh chúng như 5 sợi dây xích bện chặt vào nhau, mỗi sợi dây xích lại do vô số mắt xích nối tiếp nhau.
Ảo tưởng liền phát sinh rằng chúng là một thực thể tự mình làm chủ, nhưng không, thực ra chúng là một tổ hợp, không có cái nào là chủ, không có cái nào có quyền điều khiển, tất cả đi theo sự điều phối của Luật nhân quả : cái này sinh cái kia, cái kia sinh cái kia nữa, nối tiếp vô tận….
Đã thế, một cuộn xích đó lại đặt chung với vô số cuộn xích khác ( một chúng sinh luôn sống cùng với vô số chúng sinh khác) va chạm, ảnh hưởng cả xấu lẫn tốt với nhau.
Những mắt xích từ cuộn xích này do tự nguyện hay cưỡng chế chuyển sang cuộn xích kia.
Ví dụ như : ánh sáng mặt trời chiếu xuống đồng ruộng, cùng với nước mưa, nước sông, phân bón… khiến cho cây lúa trổ bông tạo ta thóc gạo. Như vậy, những gì trước đây đã từng là ánh mặt trời, là nước, là phân bón … chẳng phải nay đang tồn tại trong hạt thóc, hạt gạo đó sao ?
Tiếp nữa, một chú gà con ăn những hạt thóc gạo đó, hết ngày này qua tháng khác, cho đến khi lớn thành một chú gà trống to khỏe. Vậy chẳng phải những gì đã từng là hạt thóc, hạt gạo, nay vẫn tồn tại đó, chính là cơ thể của chú gà trống, chẳng qua với một thể trạng khác mà thôi.
Rồi, một người ăn thịt con gà ấy, thì chẳng phải thân xác con gà đã nhập vào thân xác của người đó sao ?
Chẳng phải những gì đã từng là ánh mặt trời, là nước mưa, là thóc gạo, là con gà… nay đang là cơ thể của một con người sao ?
Rồi qua quá trình bài tiết, hay cuối cùng khi người đó chết đi, tất cả mọi thứ sẽ tan vào đất, vào nước… tiếp tục sự hoán đổi vô tận từ thứ này sang thứ khác.
Hay một vị thầy dạy đạo lí cho các đệ tử, tức là tri thức của thầy nhập vào tri thức của các đệ tử .v.v…
Hết thảy những sự hoán đổi đó lại cũng nhất nhất tuân theo nghiệp duyên nhân quả. Cả một khối khổng lồ ,đồ sộ các mắt xích, các cuộn xích đó đều do nghiệp điều hành.
Vấn đề là, các dây xích lại không nhận biết được điều đó, chúng cứ cho rằng mình tự làm chủ, mình là một thực thể riêng rẽ ( có bản ngã), chúng khác với những dây xích xung quanh. Thế nên khi gặp các hoàn cảnh khác nhau mà nghiệp xếp sắp ra, hoặc thuận cảnh, hoặc nghịch cảnh chúng lại phát sinh ra đủ loại tâm như hỉ -nộ -ái- ố, yêu ghét, căm hận, báo thù, bám chấp….và tạo vô số nghiệp nhân – thế là lại đẻ ra vô biên vô số mắt xích nữa.
Nguyễn Nhật Long