Kiến thức là gì? Nó đã được thu thập hàng nghìn năm qua hằng bao kinh nghiệm, tích trữ trong trí não như kiến thức và ký ức.
Và từ ký ức đó, tư tưởng (thought) phát sanh. Cho nên, kiến thức luôn bị giới hạn, dù bây giờ hoặc trong tương lai. Và như thế tư tưởng luôn bị giới hạn. Và nơi nào bị giới hạn thì nơi đó có xung đột. Nơi nào sáng tạo có liên quan đến khoa học? Có liên quan nhau hay không?
Xin làm ơn, chúng ta đang cùng tư tưởng. Chúng ta đang dò hỏi chính nguồn gốc, ngay tiến trình tích lũy của kiến thức. Khoa học có nghĩa là kiến thức… Latin …vân vân và vân vân… Và có thể sáng tạo theo ý nghĩa sâu xa nhất của nó, trong hoạt động uyên áo của nó. Sáng tạo hoặc sự sáng tạo có vị trí gì trong lãnh vực kiến thức? Chúng ta cho kiến thức là cực kỳ quan trọng, từ thời cổ đại, từ Trung Quốc, Ấn độ, trước nền văn minh Công giáo có mặt, kiến thức rất được tôn trọng và sùng bái. Và kiến thức, như chúng ta đã đề cập trước đó, tuy vậy, vẫn bị giới hạn.
Tư tưởng đã sáng tạo những thứ phi thường trong thế giới này… tất cả các lăng đài kỷ niệm, từ thời xa xưa, siêu nghệ thuật, đến kỹ thuật to lớn trong thời hiện đại này và cả đến sự sáng chế bom hạt nhân… vân vân và vân vân. Tư tưởng đã mang lại những nền chính phủ quy mô.
Tư tưởng đã sáng tạo thánh thần, xây dựng các đền đài vĩ đại ở Âu châu, tất cả mọi thứ trong viện bảo tàng, thi ca, tượng đá và tất cả mọi thứ kỳ diệu khôn lường mà tư tưởng đã thành tựu. Bởi vì tư tưởng là hệ quả của kiến thức, kiến thức là khoa học, biểu lộ qua tính cách kỹ thuật hoặc cách khác. Tư tưởng cũng gây ra bao cuộc chiến tranh… và chúng ta có lẽ đang đối diện với một cuộc chiến tranh khác.
Loài người qua năm ngàn năm hoặc hơn nữa đã giết hại nhau dưới danh nghĩa của Thượng Đế, dưới danh nghĩa hoà bình. Bây giờ, ở nền văn minh hiện tại, nơi chúng ta đang tụ tập, nơi chúng ta đang thiết kế những thứ khổng lồ mang tính cách hủy diệt. Đó là kết quả khoa học được cho là kiến thức. Cho nên, vị trí nào dành cho kiến thức, khoa học, trong sự sáng tạo? Sáng tạo đã từng là một trong những vấn đề phức tạp. Nhiều tôn giáo khác nhau cho rằng đây là nguồn gốc sáng tạo, Thượng Đế, vân vân và vân vân.
Mỗi một bộ lạc quốc gia, cái được gọi là chủ nghĩa quốc gia có biểu hiện riêng của nó, có các thánh thần bộ lạc của riêng nó. Và khoa học đã từng sản xuất những thứ kỳ lạ siêu đẳng cho thế giới này, truyền thông, máy điện toán, thuốc men, giải phẫu, tất cả đều là hệ quả của tư tưởng, du hành lên mặt trăng… vân vân và vân vân… Nếu vậy, tư tưởng có bao giờ sáng tạo, theo ý nghĩa uyên áo nhất của nó?
Sáng tạo là gì? Sáng tạo có nên luôn biểu lộ, thị hiện hay không? Cái đang thị hiện nhất định phải giới hạn.
Chúng ta là kết quả của nhiều năm, nhiều thế kỷ khủng khiếp của sự nỗ lực, vật lộn, đau đớn, muộn phiền, chúng ta là kết quả của tất cả những điều đó. Bộ não của chúng ta sở hữu một tiềm năng vô hạn, nhưng nó đã bị ước định, không chỉ trên phương diện tôn giáo, nhưng cũng trên phương diện quốc gia. Bạn là tất cả người Mỹ, người Hoa, người Nga, vân vân và vân vân.
Chúng ta phân chia thế giới về phương diện địa lý, tín ngưỡng, văn hoá; và chúng ta cũng phân chia con người – Người da trắng, người da đen, người da nâu, như chúng ta. Và như thế đã mang lại sự xung đột khủng khiếp giữa con người với nhau – Đó là một sự thật – Không chỉ giữa các cá nhân, nhưng cũng trên phương diện tập thể. Chúng ta cũng bị thống khổ bởi bao nhiêu cuộc chiến tranh, thông qua các bệnh dịch, đủ hình thức bệnh tật. Và khoa học đã có thể giúp ích hoặc chữa trị một vài bệnh tật đó. Nhưng khoa học cũng sản xuất vô số dụng cụ hủy diệt của chiến tranh.
Trước khi chúng ta giết một người, có lẽ trong một cuộc chiến, hai hoặc ba trăm người, hoặc hơn nữa, hiện giờ thì bạn có thể hủy diệt cả thế giới. Lại nữa, dựa trên các lý tưởng, tư tưởng hệ, sự tuyên dương bộ lạc, mang tính cách chủ nghĩa quốc gia. Khi đề cập đến tất cả những điều đó, chúng ta là gì sau 45,000 năm như là những con người, chúng ta là gì, và chúng ta trở thành cái gì? Và trong sự hỗn loạn này, bởi vì hầu hết mọi người đều hỗn loạn vô cùng, mặc dù họ không hề chấp nhận, sự bất ổn, không chỉ tìm kiếm sự an ổn thể xác, nhưng họ cũng muốn sự an ổn ở nội tâm, trong các mối quan hệ của họ liên hệ với tương lai, vân vân và vân vân.
Cho nên, nếu đặt vấn đề trên tất cả các vấn nạn này, bộ não của chúng ta đã chuyên hóa, ước định bởi kiến thức, và như vậy mọi hành động của chúng ta đều bị ước định, giới hạn. Mỗi khi có sự giới hạn thì tất có sự xung đột. Khi chúng ta phân chia thế giới thành người Mỹ, người Á Châu, người Âu Châu, người Do thái, người Ả rập, thì nhất định sẽ có sự xung đột, không chỉ chiến tranh nhưng sự xung đột giữa những cá nhân, giữa nam và nữ. Xét rằng, vị trí của sáng tạo là gì? Kiến thức không bao giờ có thể sáng tạo. Chúng ta sẽ đặt vấn đề với tất cả điều này.
Kiến thức có thể mang lại một thế giới vật chất tốt hơn, về phương diện bên ngoài, và khi chúng ta xem trọng kiến thức đến như thế, vốn là trí năng – Đối với chúng ta trí năng là chính yếu, quan trọng, cốt tủy, nhưng trí năng cũng giới hạn. Chúng ta không bao giờ ngắm nhìn sự sống theo phương diện chính thể luận, như là một tổng thể, không như là một nhà khoa học, một bác sĩ, một bác sĩ tâm lý, vân vân và vân vân, trước tiên chúng ta là con người. Và khi là con người hiện tại như chúng ta, chúng ta đã trở thành cái gì? Qua hàng nghìn năm đến hàng nghìn năm sau, chúng ta có văn hoá hay không?
Tôi biết bạn là tất cả xã hội rất phú cường, bạn sở hữu những chiếc xe vĩ đại, một quốc gia kỳ diệu, những con đường lộ đẹp đẽ, vân vân và vân vân. Nhưng chúng ta, như con người, chúng ta là gì đây? Và khi là con người thì có thể sáng tạo, không chỉ như là các nhà khoa học gia, nhưng cũng trong đời sống thường nhật của chúng ta. Bởi vì như thế, điều gì mới thật sự là quan trọng?
Chúng ta đã lãng quên, hoặc chúng ta chưa bao giờ sở hữu nghệ thuật sống, không như là nhà khoa học gia, nhưng như là một con người. Chúng ta không ngừng xung đột. Và trong sự xung đột, vật lộn, thống khổ, căng thẳng, bất ổn đó thì trí não có thể sáng tạo hay không? Hoặc sáng tạo là một cái gì hoàn toàn khác?
Xin lỗi, như chúng ta đã nói qua, chúng ta cùng nhau tư tưởng, nếu điều đó có thể. Không phải là người diễn giả phải suy nghĩ và cho bạn biết về tất cả, nhưng chúng ta cùng nhau tư tưởng như con người hiện thời đang suy nghĩ về tất cả mọi vấn nạn này? Đúng vậy, hãy quên đi tất cả nghề nghiệp của chúng ta, mọi thiên hướng giới hạn của chúng ta, và khi là con người, chúng ta có thể sáng tạo hay không?
Trước tiên, nếu chúng ta thấu hiểu sự hệ trọng của điều đó thì chúng ta có thể hướng đến khoa học, tôn giáo, vân vân và vân vân. Chúng ta có thể, khi là con người, ngắm nhìn thế giới mà chúng ta đã cấu tạo hay không?
Tôi thắc mắc là ta có từng nhận thức chúng ta là chúng ta cá biệt hay không. Bởi vì tâm thức chúng ta, vốn được cấu tạo qua phản ứng, phản ứng sinh lý, tâm lý của chúng ta, mọi niềm tin của chúng ta, đức tin của chúng ta, tất cả những thành kiến mà chúng ta sở hữu, phép tính nhân của bao khái niệm, bao nỗi sợ hãi, sự bất ổn, nỗi đau đớn, sự khoái lạc, và tất cả mọi đau khổ mà con người đã sản sinh hằng ngàn năm qua.
Tất cả điều đó là tâm thức của chúng ta. Tâm thức của chúng ta là con người hiện tại của chúng ta. Và trong sự hỗn loạn này, trong sự mâu thuẫn này, có thể sáng tạo hay không? Và chúng ta chia sẻ tâm thức của toàn bộ nhân loại bởi vì bạn đau khổ, bạn sở hữu khoái lạc, niềm tin, kết luận, khái niệm và tất cả mọi giáo điều tôn giáo, và đức tin, đều được chia sẻ bởi tất cả mọi con người trên quả địa cầu này.
Nếu vậy, ta đặt câu hỏi là trên phương diện tâm lý, chúng ta có cá biệt hay không? Bạn có lẽ khác biệt. Bạn có lẽ cao lớn. Bạn có thể thấp lùn, nhưng khi là con người với tâm thức của chúng ta, chúng ta có khác biệt với số còn lại của nhân loại? Chúng ta chưa bao giờ đặt câu hỏi trên tất cả vấn đề này. Chúng ta chạy nước kiệu suốt ngày với sự chấp nhận cuộc đời, với tiến trình bắt chước và tuân thủ của chúng ta. Khi chúng ta nổi loạn, chúng ta nổi loạn bên ngoài: Có nhiều cuộc cách mạng – Cuộc cách mạng Nga sô, cách mạng Pháp, và hàng nghìn cuộc cách mạng đã xảy ra.
Nhưng ở phương diện nội tâm, chúng ta vẫn, nhiều hoặc ít, vẫn tương tợ như vậy sau hàng nghìn năm. Vì vậy, khi đặt vấn đề, không trên phương diện trí năng nhưng ở mức độ tổng thể, chúng ta có sáng tạo hay không? Hoặc sự sáng tạo là một cái gì hoàn toàn khác biệt? Bạn có thể phát minh một phương pháp mới, khám phá, thám hiểm, phá vỡ hạt nguyên tử và vân vân và vân vân. Tất cả mọi hành hoạt của tư tưởng, khôn khéo quỷ quyệt, đầy khả năng, dối trá, đang tạo tác nên bao vô số ảo tưởng, và đang sùng kính những ảo tưởng đó. Xét cho cùng, tất cả mọi tôn giáo đều dựa trên điều đó. Tư tưởng đã sáng tạo thánh thần.
Người diễn giả không phải là một kẻ vô thần nhưng tư tưởng đã gây nên biết bao nhiêu cuộc chiến tranh, giết hại hằng triệu người dưới danh nghĩa Thượng Đế, và tư tưởng đã tạo dựng nên tất cả những thứ trong giáo đường, trong nhà thờ, trong chùa chiền và trong mọi đạo tràng. Nếu thế, tư tưởng có thể sáng tạo hay không?
Bởi vì, như chúng ta đã đề cập, tư tưởng bị giới hạn bởi vì nó dựa trên kiến thức, và kiến thức là kết quả của kinh nghiệm to tát. Và như thế, chúng ta đã đặt ra một câu hỏi thật sự cực kỳ nền tảng? Tư tưởng có bao giờ sáng tạo? Nó có thể phát minh. Nó có thể sản xuất vũ khí mới cho chiến tranh, phẫu thuật, thuốc men. Trong mối tương giao lẫn nhau của chúng ta, đàn ông, phụ nữ, chỗ nào chứa đựng tư tưởng? Tư tưởng có phải là tình thương hay không?
Tôi biết chúng ta cho là không phải, nhưng nếu chúng ta trực diện chúng ta và mối tương quan lẫn nhau – chồng, vợ, con trai và con gái – Mối quan hệ của chúng ta dựa trên hình ảnh mà chúng ta xây dựng về cô ấy và cô đã xây dựng về anh. Mối quan hệ đó dựa trên tư tưởng. Như thế, tư tưởng có khả năng phi thường ở những vấn đề nhất định, tư tưởng cũng mang đến sự hủy diệt loài người, nhân loại, như chính chúng ta, phân chia theo lý tưởng… Lý tưởng Nga Sô, lý tưởng dân chủ.
Vì thế, hãy làm ơn, tư tưởng không bao giờ có thể sáng tạo bởi vì cái mà nó có thể biến hiện chắc chắn là giới hạn. Và nơi nào có giới hạn là nơi đó nhất định có xung đột – giữa đàn ông và đàn bà, giữa các lý tưởng, giữa Trung Đông và người Do thái, giữa người Mỹ và người Nga, sự phân biệt này, có tính chất địa lý, quốc gia, tôn giáo. Và xung đột không bao giờ có thể dưới bất cứ hoàn cảnh nào mang lại tính chất sáng tạo của sự sáng tạo.
Nếu tư tưởng không là mảnh đất sáng tạo thì sáng tạo là gì? Khi nào nó bắt đầu? Nướng một ổ bánh mì cũng là sự sáng tạo, một loại bánh mì nào đó. Sinh con, cũng là một sự sáng tạo, tiếp tục như vậy cao hơn. Nhưng chắc chắn chỉ có thể sáng tạo khi tâm trí yên lặng. Có lẽ bạn không đồng ý điều này. Tôi hy vọng bạn không đồng ý! Tôi chắc chắn bạn không đồng ý! Bởi vì đối với chúng ta tư tưởng quan trọng phi thường, nó có nghĩa là tri thức, nó chỉ là một thành phần của một con người.
Vì thế, bản thân tôi cho rằng, sáng tạo không bao giờ có thể bắt đầu nơi hoạt động của tư tưởng. Và rồi câu hỏi đặt ra: Tư tưởng có thể yên lặng, tư tưởng có thể tịnh tịch, gạt qua bên một lúc hay không? Nếu thế thì ai là người giúp gạt tư tưởng qua một bên? Tuy thế, nó vẫn là tư tưởng. Tôi không biết bạn có theo dõi tất cả mọi hiện tượng này. Đây là một tiến trình cực kỳ phức tạp.
Và họ đã nỗ lực mọi phương pháp để làm yên lặng tư tưởng – dược phẩm, thuốc an thần, và họ cũng thử tất cả mọi pháp thiền – Thiền định, Mật Tông, Ấn giáo, Phật Giáo, và tất cả những đạo sư gần đây nhất với sự vô nghĩa của họ, họ làm tất cả để yên lặng tư tưởng. Bởi vì tư tưởng có chỗ đứng của nó, nhưng có tính cách tâm lý, hướng nội, có thể tịnh tịch, yên lặng hay chăng? Và tình thương là sự yên lặng đó, là phẩm chất của sức mạnh lớn lao, năng lực tĩnhlặng.
Cho nên, chúng ta đang hỏi, tình thương là yếu tố sáng tạo duy nhất? Không phải là tình dục. Tôi biết chúng ta giảm thiểu tình thương thành một thứ khoái lạc. Và chúng ta hỏi tình thương là gì? Một khi bạn hiểu thấu, tri nhận rằng tư tưởng không bao giờ, trong bất cứ hoàn cảnh gì, có thể sáng tạo bởi vì tư tưởng giới hạn – thì câu hỏi về nó không còn nữa. Một khi chúng ta thấy được sự thật của nó thì chúng ta có thể bắt đầu hỏi rằng, có một công cụ nào khác, một cách nào khác, nhìn đời sống?
Sau đó chúng ta có thể bắt đầu tìm hiểu, tình thương là gì? Từ bi là gì? Trí thông minh là gì? Trí thông minh là một phần của tư tưởng đó. Trí thông minh đã tạo ra Los Alamos. Và bản chất của tình thương là gì? Nó là ham muốn? Nó là khoái lạc? Nó tạo nên hình ảnh – hình ảnh về vợ bạn, chồng bạn? Nó là hệ tư tưởng? Để tìm hiểu, để khám phá, để đạt đến hiện tượng phi thường gọi là tình thương, ta nhất định phải hiểu rất rõ về đời sống thường ngày của chúng ta.
Có nghĩa là ở mặt tâm lý, nội tâm, chúng ta thiếu sự tự do. Chúng ta nói về tự do, đặc biệt tại quốc gia này, nơi mà các chuyên gia bảo bạn phải làm gì – những chuyên gia. Tôi không biết, nhưng bạn chắc chắn ý thức tất cả vấn đề này: Làm sao nuôi dưỡng một hài nhi, làm sao hành dục, làm sao làm đẹp chính mình, loại thể dục nào, và bạn có các nhà chuyên gia về tôn giáo, về khoa học. Và đây là những gì mà chúng ta gọi là sự tự do.
Thời gian của chúng ta vô cùng, vô cùng giới hạn, chúng ta không thể có thể đi vào câu hỏi một cách sâu thẳm hơn: Tự do là gì? Thiếu sự tự do thì không có tình thương. Nhưng chúng ta không tự do. Chúng ta bồn chồn, chúng ta sợ chết, sợ tương lai. Chúng ta mang gánh nặng sợ hãi này hàng nghìn năm qua. Chúng ta nói đề cập đến nỗi sợ tâm lý trước và sau đó là nỗi sợ thể chất. Một trí não đã bị điều kiện hoá như là một bộ máy điện toán, một trí não như thế có thể yêu thương hay chăng?
Và sáng tạo, dù trong khoa học, trong sinh học, vân vân và vân vân, nơi mà hoạt động lớn lao của tư tưởng với trí thông minh đặc thù riêng của nó, có thể tư tưởng đó sáng tạo, mang tính chất sáng tạo hay chăng? Nếu không thì sự sáng tạo bắt đầu như thế nào? Họ đã đặt ra câu hỏi này, kẻ tín ngưỡng đã đặt ra câu hỏi này, các nhà thần học. Nếu bạn đến Ấn độ, họ sẽ phát minh ra học thuyết sáng tạo của riêng họ: Người Công giáo cũng đã làm như vậy, người Hồi giáo cũng hành động như vậy.
Tất cả đều nói rằng, Thượng Đế, hoặc do một vài lý do sinh học nào đó. Vì thế, chúng ta bảo rằng sự sáng tạo chỉ có thể khi sở hữu tình thương. Nếu vậy thì tình thương là gì? Tình thương không phải là sự ham muốn. Tình thương không phải là khoái lạc. Tình thương không phải là sự giải trí có tính cách tôn giáo. Để thấu hiểu mức độ phức tạp của sự ham muốn, sự phức tạp của đau khổ, và hiện tượng to lớn mà chúng ta gọi là sự chết, tất cả cái đó thuộc về một phần sự sống của chúng ta, lề lối hàng ngày của chúng ta. Nếu vậy thì có tự do hay không?
Chúng ta có yêu thương hay không? Nếu có tình thương thì chúng ta đã không giết hại người khác, không bao giờ. Và toàn thế giới này bây giờ đang tích lũy vũ khí. Mỗi một quốc gia muốn có công cụ hủy diệt mới nhất. Hoa Kỳ đang cung cấp nó. Anh quốc, Nga sô, Đức quốc, và mỗi quốc gia đang chế tạo những dụng cụ chết chóc riêng của họ; và giữa sự hỗn loạn này, chúng ta muốn sở hữu tinh thần sáng tạo, tính chất sáng tạo.
Một mặt, bạn sản xuất những công cụ chiến tranh mang tính chất hủy diệt. Ở một mặt khác, chúng ta nói đến tình thương, hoà bình. Chúng ta sống trong trạng thái mâu thuẫn, và nơi nào có mâu thuẫn thì nhất định có sự xung đột và do vậy không bao giờ có thể có sự sáng tạo, hoặc tính sáng tạo.
Chỉ khi nào trí não yên lặng, không điều khiển sự yên lặng. Khi trí não hoàn toàn yên lặng, mặc dầu nó có nhịp điệu riêng của nó. Con người đã khảo sát vấn đề này từ thời cổ đại: Trí não có thể nào hoàn toàn tịnh tĩnh dù chỉ một phút chốc? Không nói chuyện huyên thuyên, không tìm kiếm, không hỏi han, không suy xét, nhưng yên lặng, tịnh tĩnh.
Krishnamurti.