Anastasia đã điều chỉnh thủ tục buổi sáng theo các điều kiện ở vườn cây thế này:
“Vào buổi sáng, lúc mặt trời mọc thì càng tốt, hãy bước ra vườn bằng chân trần, và đến chỗ bất cứ cây nào mà ta thích. Ta có thể chạm vào chúng. Không cần phải làm việc này theo kiểu lịch trình hay nghi thức định sẵn phải nghiêm chỉnh tuân theo ngày này qua ngày khác, mà đơn giản là khi người ta cảm thấy thôi thúc hay khi người ta muốn. Nhưng phải làm nó trước khi tắm rửa. Khi đó những cái cây sẽ cảm nhận được mùi của các chất phát ra từ cơ thể qua những lỗ chân lông trên da người trong lúc ngủ.
“Nếu trời ấm và có một một đám đất nhỏ cỏ mọc gần đấy (và việc có một đám đất cỏ mọc như thế thì có nhiều lợi ích), hãy nằm xuống đó và dang tay dang chân trong ba đến bốn phút. Và nếu có con bọ nhỏ nào đó tình cờ bò lên cơ thể ta trong thời gian đó thì đừng đuổi nó đi. Nguyên tắc là, chúng sẽ khai mở các lỗ chân lông mà qua đó các độc tố được đẩy ra và đủ loại bệnh tật bên trong được đưa lên bề mặt da, cho phép người đó rửa sạch chúng đi.
“Nếu có bất cứ ao nước nào trong vị trí vườn, ta nên ngâm mình trong đó. Còn không, ta có thể dội nước lên người khi đứng chân trần gần cây cối và các luống gieo, hoặc còn tốt hơn thế nữa là đứng giữa các luống, hay, lấy ví dụ, sáng hôm này cạnh đám mâm xôi, sáng hôm sau đó thì cạnh đám phúc bồn tử, v.v..
Và sau khi tắm rửa, ta không nên lau khô ngay. Ta nên vẩy các hạt nước từ tay mình lên các cây cối ở xung quanh. Và hãy sử dụng đôi tay mình để gạt nước bám trên những bộ phận khác của cơ thể. Sau đó thì ta có thể đi tắm rửa lại theo cách thông thường, sử dụng bất cứ sản phẩm tắm gội nào mà bạn đã quen dùng.”
Thủ tục buổi tối
“Vào buổi tối, trước khi lên giường đi ngủ, một việc quan trọng cần thực hiện là ngâm rửa chân, sử dụng nước có bỏ thêm một lượng nhỏ (vài giọt) nước ép cỏ xước (ngưu tất nam) hoặc tầm ma – hoặc cả hai – không được dùng xà phòng hay dầu tắm. Sau khi rửa chân, hãy đổ chỗ nước đó lên các luống gieo. Rồi sau đó, nếu thấy cần thiết, ta vẫn có thể rửa lại chân với xà phòng.
“Thủ tục mỗi tối thế này là quan trọng vì hai lý do. Khi bàn chân ra mồ hôi, các độc tố sẽ đi lên bề mặt nhằm loại bỏ các căn bệnh bên trong khỏi cơ thể, và vì thế những độc tố này cần phải được rửa đi để làm sạch các lỗ chân lông. Nước ép cỏ xước hoặc tầm ma rất tốt trong việc giúp cho tiến trình này diễn ra dễ dàng.
Bằng việc đổ chỗ nước còn lại lên các luống gieo, ta đang cung cấp các thông tin bổ sung cho cây cối và các vi sinh vật về trạng thái thể chất hiện tại của mình.
Việc này cũng rất là quan trọng. Chỉ sau khi nhận được thông tin này thì các nhân tố môi trường hữu hình và vô hình của chúng ta mới tính toán và rút lấy từ Vũ trụ và Trái đất mọi thứ nó cần cho sự vận hành bình thường của cơ thể ta.”
Tự Nó sẽ chuẩn bị mọi thứ
Tôi vẫn hứng thú muốn biết Anastasia sẽ nói gì về thức ăn. Sau cùng thì, cô có một chế độ ăn khá là độc đáo mà, thế nên tôi hỏi:
“Anastasia, hãy nói anh nghe em nghĩ một người nên nuôi sống bản thân ra sao – anh ta nên ăn gì, bao nhiêu lần trong ngày và ăn lượng bao nhiêu là vừa? Thế giới chúng ta rất chú ý tới câu hỏi này. Có một số lượng khổng lồ của đủ loại sách vở nói về chủ đề này, các công thức món ăn lành mạnh, lời khuyên giảm cân…”
“Thật khó để hình dung về lối sống của con người theo bất cứ một cách nào khác, dưới trạng huống hiện tại được áp đặt lên bởi thế giới kỹ trị này. Các lực lượng bóng tối đang không ngừng cố gắng đoạt lấy hệ điều hành tự nhiên của thế giới – cái đã được trao cho loài người ngay từ buổi khởi đầu – rồi đem thế vào đó hệ thống nhân tạo cồng kềnh của riêng chúng, cái đi ngược lại bản chất tự nhiên của con người.”
Tôi yêu cầu Anastasia trình bày theo cách cụ thể hơn mà không dùng tới những thứ mang tính triết lý của cô, và cô nói tiếp:
“Anh biết không, những câu hỏi của anh về chuyện người ta nên ăn cái gì, khi nào và bao nhiêu – chúng được giải đáp tốt nhất bởi cơ thể của chính mỗi cá nhân. Những cảm giác đói và khát được thiết kế để gửi tín hiệu tới mỗi cá nhân cụ thể chỉ thị khi nào thì anh ta nên đưa thức ăn vào người.
Cái khoảnh khắc chính xác này là thời điểm đúng cho mỗi người. Thế giới kỹ trị, không có khả năng cho mỗi cá nhân cơ hội thỏa mãn cơn đói và cơn khát của mình vào thời điểm cơ thể anh ta ham muốn, nên đã cố ép anh ta tuân theo lịch trình của riêng nó, không dựa trên cái gì ngoài sự bất lực của chính thế giới này, và rồi cố gắng biện minh cho sự ép buộc này nhân danh đại loại một ‘tính hiệu quả’ nào đấy.
“Hãy nghĩ mà xem: một người dành nửa ngày ngồi trên ghế, tiêu tốn chả mấy nhiêu năng lượng, trong khi một người khác phát huy khả năng của mình trong một dạng lao động thể chất nào đấy, hoặc đơn giản là chạy bộ và đổ mồ hôi khắp người, vì thế tiêu tốn năng lượng hơn gấp nhiều lần, ấy thế mà cả hai đều được mong đợi là ăn chính xác vào cùng một thời gian.
Một người nên ăn vào thời điểm cơ thể anh ta gợi ý, và sẽ không thể còn có một vị cố vấn nào khác. Em nhận ra rằng dưới các điều kiện thế giới của các anh, điều này là bất khả trong thực tiễn, nhưng cơ hội là thực sự tồn tại đối với những người sống ở trang ấp của mình, nơi có những mảnh đất vườn đi kèm, và họ nên tận dụng lợi thế đó và hãy quên các chế độ ăn phi tự nhiên, nhân tạo của họ đi.
“Điều tương tự cũng áp dụng cho câu hỏi thứ hai của anh: Một người nên ăn gì? Câu trả lời là: bất cứ cái gì có sẵn vào thời điểm đó – bất cứ cái gì có trong tay, có thể nói vậy. Bản thân cơ thể sẽ chọn lấy cái mà nó cần. Em có thể đưa ra cho anh một lời khuyên có chút phi-truyền-thống này: nếu anh có một con vật nuôi trong nhà chẳng hạn như mèo hoặc chó, hãy để ý hoạt động của nó một cách cẩn thận.
Thi thoảng nó sẽ đi tìm cái gì đó trong đám cỏ hoặc thảo dược và ăn. Anh hãy ngắt vài mẫu mà nó chọn và thêm vào chế độ ăn của mình. Đây không phải là chuyện mà anh phải làm hàng ngày – một hay hai lần mỗi tuần là đủ rồi.
“Anh cũng nên đi nhặt một chút hạt cốc, tuốt đập, nghiền thành bột rồi dùng bột này để nướng bánh. Việc này cực kỳ quan trọng. Bất cứ ai dùng loại bánh mì này thậm chí chỉ một hay hai lần mỗi năm cũng sẽ tích lũy một năng lượng dự trữ có khả năng đánh thức các sức mạnh tâm linh bên trong anh ta – không chỉ làm tâm hồn anh ta đằm lại mà còn phát huy tác dụng tốt lành lên thể trạng của anh ta nữa.
Loại bánh mì này có thể đem chia cho người trong nhà và bạn bè thân. Nếu được chia sẻ với sự chân thành và tình yêu, nó cũng sẽ có một ảnh hưởng khá là tốt lành với họ. Sẽ rất có lợi cho sức khỏe của mỗi cá nhân khi dành ba ngày, ít nhất là một lần mỗi hè, chỉ ăn những gì mọc trong mảnh vườn của họ, cùng với bánh mì, dầu hướng dương và một nhúm muối.”
Tôi đã mô tả thói quen ăn uống của riêng Anastasia rồi. Trong lúc cô đang nói cho tôi nghe tất cả những chuyện này, cô sẽ lơ đãng ngắt một hai nhánh cỏ gì đấy, đưa lên miệng và nhai, còn đưa tôi một vài nhánh nữa. Tôi quyết định thử một bận. Không thể nói là cái vị đó đáng để viết về, nhưng cũng không thể nói là nó gợi lên bất cứ cảm giác khó ưa nào.
Có vẻ như rằng Anastasia đã để toàn bộ nhiệm vụ nuôi dưỡng và hỗ trợ sự sống lại cho Tự nhiên; cô không bao giờ cho phép nó (chuyện ăn uống) ngắt quãng dòng suy nghĩ của mình, là cái luôn bận rộn với chuyện quan trọng hơn nào đấy. Ngay cả như vậy, sức khỏe của cô cũng tuyệt vời như vẻ đẹp bên ngoài – một phần không thể tách rời – của cô vậy.
Theo Anastasia, bất cứ ai đã thiết lập được một mối quan hệ như thế với Trái đất và với cây cỏ trên mảnh đất của riêng mình, thì sẽ có cơ hội loại bỏ được khỏi cơ thể mình hoàn toàn mọi loại bệnh tật.
Bệnh tật như nó là là kết quả của Con người xa cách chính mình khỏi các hệ thống tự nhiên được thiết kế để chăm lo cho sức khỏe của anh ta, hỗ trợ cho sự sống của anh ta. Đối với những hệ thống như thế, nhiệm vụ chống lại bất cứ căn bệnh nào không bao giờ là vấn đề, bởi đấy là toàn bộ lý do tồn tại của chúng.
Tuy nhiên, những lợi ích mà những người thiết lập được các mối liên lạc trao đổi thông tin như thế với một mảnh nhỏ của thế giới tự nhiên trải nghiệm được thì vượt xa chuyện chỉ đối phó với bệnh tật mà thôi.
-Những cây thông reo của nước Nga, cuốn 1: Anastasia, chương 11-