Trong nhiều năm khi có những buổi nói chuyện về sự tự do, sự giác ngộ, sự giải thoát, tôi khám phá ra rằng hầu hết người ta tìm kiếm sự giác ngộ hay giải thoát nhưng thực sự không biết nó là gì.
Thật là một sự mỉa mai khi người ta dùng rất nhiều năng lượng, có khi hy sinh cả cuộc sống, nhốt mình lại trong những tu viện, hay đến những buổi thuyết pháp khi có bất cứ nhà sư nào đến giảng, tốn rất nhiều tiền bạc cho sách vở, những buổi seminars, nơi mà họ đặt lên những vấn đề tâm linh rất sôi động, nhưng thật sự không hiểu họ đang đeo đuổi cái gì.
Điều này là một cú sốc đối với tôi khi tôi bắt đầu hỏi họ nghĩ như thế nào về sự giác ngộ. Câu trả lời thành thật nhất thường là sự gãi đầu, chợt nhận ra, “Tôi cũng thật sự không biết nó là gì”. Và những người không thành thật lắm thường lặp lại những điều người khác đã nói, chẳng hạn như: “Sự kết hợp với Đấng Thiêng Liêng“. Còn những người khác thì nói lên những gì mà họ tưởng tượng trong đầu, với bắt đầu câu là: “Khi sự giác ngộ xảy ra nó sẽ là…”, điền vào chỗ trống. Thường có những sự ao ước muốn đạt trạng thái cực khoái kéo dài mãi mãi.
Có câu: “Nếu bạn ngồi xuống, yên lặng, và đối diện với bức tường trong một thời gian dài, sẽ có điều gì đó xảy ra“. Nhiều người đã làm theo cách này và có sự trải nghiệm thích thú – có thể là trạng thái thoải mái dễ chịu kéo dài vài phút đến vài giờ. Và cũng có thể cảm giác này chỉ kéo dài vài giây trong lúc thiền định nào đó, trước khi tâm trí bắt đầu chen vào: “Nếu như cảm giác này có thể kéo dài mãi mãi xuyên thời gian, có lẽ sự tự do mang ý nghĩa là như vậy”.
Tuy nhiên, sự trải nghiệm của tôi về sự giác ngộ đơn giản là sự phá hủy toàn bộ những gì tôi nghĩ về nó sẽ diễn ra như thế nào. Và tôi chưa bao giờ gặp bất cứ người nào thức tỉnh thật sự với Chân Lý mà không nói điều đó. Họ thường trở lại nói với tôi là: “Nó không giống như bất cứ điều gì tôi đã nghĩ về nó. Và nó không giống như bất cứ trải nghiệm tâm linh nào trước đây của tôi, bao gồm trạng thái hỷ lạc, yêu thương, hòa nhập với Thiêng Liêng…”
Một lần nữa, “Nếu bạn ngồi xuống, im lặng và đối diện với bức tường trong thời gian dài, những trải nghiệm đó sẽ xảy ra với bạn. Và hãy đoán xem cái gì sẽ xảy ra với những trải nghiệm đó? Chúng sẽ biến mất đi.
Nhiều người biết điều này nhưng làm như không biết. Nhiều người có những trải nghiệm tâm linh biết chắc là không có một trải nghiệm nào kéo dài, bởi vì nếu có, họ đã không tìm kiếm về sự trải nghiệm tiếp theo. Cho nên thường những người đi vào trò chơi tâm linh trong một thời gian dài sẽ ngẫm ra là không có sự trải nghiệm nào kéo dài mãi mãi.
Không ai muốn đối diện sự thật này. Người ta có thể nghe cả trăm đến ngàn lần về sự giác ngộ không phải là sự trải nghiệm, nhưng họ vẫn mang câu hỏi đến những buổi tu học: “Adya, những gì tôi đạt được khi tôi đến đây, tôi đều đánh mất nó khi tôi rời khỏi”. Điều đó dĩ nhiên, bất cứ trải nghiệm nào bạn có, bạn sẽ đánh mất nó. Đó là bản chất của sự trải nghiệm.
Nghe có vẻ thích thú khi nói sự tự do là cái gì không đến và không đi, nhưng cái thứ duy nhất mà tâm trí có thể làm là tưởng tượng một sự trải nghiệm kéo dài mãi mãi, không đến và không đi. Và nó sẽ nghĩ: “Tôi chỉ là chưa biết cách nào để kéo dài sự trải nghiệm này đúng để nó không đến và không đi. Tôi chưa có làm đúng”.
Tôi đã từng ngồi đối diện với bức tường và có nhiều sự trải nghiệm đã xảy ra. Những sự kiện đó bao gồm sự trải nghiệm năng lượng kundalini vỡ òa, sự hợp nhất thần bí, hỷ lạc, và tràn ngậm bởi ánh sáng và tình yêu Thiêng Liêng.
Và như nhiều người ngồi đối diện với bức tường, tôi nhận biết những sự trải nghiệm này không xảy ra thường hằng như tôi mong muốn. Và trong mốc điểm của cuộc hành trình, tôi chợt có khuynh hướng nghĩ “Đây thật sự đúng rồi! Sự trải nghiệm vui sướng tràn ngập, nên đúng là nó !” Tâm trí tôi trải rộng tột cùng và có nhiều sự hiểu biết ập đến làm tôi không thể đón nhận hết. Nếu bạn muốn có những sự trải nghiệm này, có một công thức để đạt được – hãy ngồi đối diện với bức tường thật nhiều giờ trong ngày.
Nhưng điều mà tôi đã nhận biết được, sau này tôi mới biết đó là một ân sủng, là trong lúc xảy ra những sự trải nghiệm đẹp đẽ đó, thường không kéo dài như ý muốn, có một tiếng nói nho nhỏ vang lên “Hãy đi tới, cái này không phải!” Nguyên phần còn lại của người tôi thì nghĩ, “Đây thật sự là nó, bởi vì tất cả từ thân đến tâm của tôi đều nói như thế. Sự an lạc thật bao la nên đúng nó thật rồi”. Nhưng tiếng thì thầm vẫn đến và nói: “Đừng dừng ở đây, không phải là nó”.
Nếu tôi có chọn lựa, tôi sẽ tóm tiếng thì thầm đó và ném nó ra cửa sổ, bởi vì tôi biết những người khác cũng có những sự nhận biết lớn lao, nhưng họ còn có thể tận hưởng chúng trong vài ngày, vài tuần, và có vài trường hợp vài tháng. Nhưng tôi hiếm khi có những sự nhận biết kéo dài hơn mười phút. Điều đó không có nghĩa là nó dừng xảy ra ngay lập tức.
Nó chỉ có nghĩa là trong lúc xảy ra, tôi biết chắc chắn là đó không phải là nó, dù bất cứ trải nghiệm nào. Tôi nói điều này với một sự biết ơn vô vàn vì từng lúc, từng lúc, nó đã đẩy tôi ra khỏi cái nơi mà có lẽ tâm trí tôi muốn ổn định và nắm giữ.
Nếu bạn cố gắng giữ lấy một sự trải nghiệm, bạn sẽ trải nghiệm đau khổ khi nó rời bỏ. Thật là kỳ quái khi sự đau khổ này lại không làm chúng ta đi tới, mà nó làm chúng ta quay 180 độ để tìm lấy sự trải nghiệm mà chúng ta đã đánh mất. Rất nhiều lần sự đau khổ này chỉ uổng phí thời gian, bởi vì chúng ta không học được bài học là bất cứ sự trải nghiệm nào đến và đi đều không phải sự giác ngộ, nhưng chúng ta lại lập đi lập lại muốn trì níu chúng mãi mãi.
Nếu chúng ta may mắn, chúng ta sẽ biết ngay lập tức, một sự trải nghiệm qua đi không phải là nó, chúng ta nhận biết là bất cứ sự trải nghiệm nào đều không phải là sự giác ngộ.
Bởi vì tất cả sự trải nghiệm là một điều gì đó xảy ra, và bất cứ sự trải nghiệm nào xảy ra đều được giới hạn bởi thời gian, có nghĩa đơn giản là nó đến và nó đi. Đây là một ân sủng khi nhận biết điều này, vì nó kéo ngắn cuộc hành trình một cách đáng kể!