Chúng ta hãy thẩm xét xem Thiền là gì – không phải làm thế nào hay cách thức Thiền, đó là một câu hỏi vô lý, ngớ ngẩn. Khi ta hỏi làm thế nào, ta muốn một hệ thống, một phương pháp, một kế hoạch được sắp xếp cẩn thận.
Hãy nhìn xem những gì sẽ xảy ra khi ta theo một phương pháp, một hệ thống. Tại sao ta lại cần một phương pháp, một hệ thống chứ? Ta cho rằng theo một ai đó nói rằng: “Tôi sẽ dạy anh cách Thiền” là một phương cách dễ dàng nhất, phải không?
Khi ai đó chỉ bảo cho bạn cách Thiền thì người đó chẳng biết Thiền là gì. Người nào nói rằng “tôi biết” thì không biết gì cả. Trước hết, ta phải thấy được rằng một hệ thống Thiền là hủy phá xiết bao, dù nó là bất kỳ hình thức
Thiền nào trong nhiều hình thức Thiền vốn hình như đã được phát minh, bày vẽ, quy định cách bạn ngồi như thế nào, cách bạn thở như thế nào, cách bạn phải làm điều này, điều nọ, điều kia. Bởi vì nếu có quan sát, ta sẽ thấy rằng khi ta thực tập một cái gì đó bằng cách lặp đi lặp lại, trở tới trở lui mãi, thì tâm trí ta sẽ trở thành máy móc; tâm trí vốn đã là máy móc rồi mà ta lại còn gia thêm vào cho nó sự đơn điệu máy móc nhiều hơn nữa; vì thế dần dà tâm trí ta teo đi, hao mòn đi.
Điều đó giống như một nhạc sĩ dương cầm cứ liên tục luyện tập những nốt nhạc sai, thì không có âm nhạc nào phát ra từ nó cả. Khi ta thấy rõ sự thật rằng không hệ thống nào, không phương pháp nào, không thực tập nào sẽ đưa đến chân lý được, rồi thì ta sẽ loại bỏ hết thảy mọi thứ ấy như là hư giả, không cần thiết.
Ta cũng phải thẩm tra tìm hiểu về toàn bộ vấn đề kiểm soát. Hầu hết chúng ta đều cố gắng kiểm soát những đáp ứng của mình, những phản ứng của mình; chúng ta cố gắng đè nén hay uốn nắn những dục vọng của chúng ta. Trong việc này luôn luôn có người kiểm soát và đối tượng bị kiểm soát.
Ta không bao giờ hỏi ai là người kiểm soát, và trong cái gọi là Thiền, cái mà ta cứ luôn cố gắng kiểm soát là gì? Kẻ kiểm soát luôn cố gắng kiểm soát những tư tưởng của mình, cố gắng kiểm soát những cách thế tư duy của mình v.v… là ai? Ai là kẻ kiểm soát mới được chứ? Người kiểm soát chắc chắn là cái thực thể đã quyết tâm kiên trì thực hành phương pháp hay hệ thống Thiền.
Nào, cái thực thể đó là ai vậy? Cái thực thể ấy đến từ quá khứ, là tư tưởng vậy – vốn dựa trên thưởng phạt. Vì vậy, kẻ kiểm soát thì thuộc về quá khứ và luôn cố gắng kiểm soát các tư tưởng của mình; nhưng người kiểm soát tức là đối tượng bị kiểm soát. Hãy xem: điều này thực sự hoàn toàn quá đơn giản. Khi bạn ghen tỵ, bạn tách rời sự ghen tỵ ra khỏi chính mình.
Bạn nói: “Tôi phải kiểm soát tính ghen tỵ.Tôi phải đè nén trấn áp nó” – hoặc giả bạn hợp lý hóa nó. Nhưng bạn không hề tách biệt khỏi tính ghen tỵ, bạn tức là tính ghen tỵ vậy. Tính ghen tỵ không tách biệt khỏi bạn. Và thế, bạn lại chơi cái trò lừa phỉnh là cố gắng kiểm soát tính ghen tỵ này làm như thể nó là một cái gì tách biệt khỏi bạn.
Vì vậy: có thể nào bạn sống một cuộc sống không hề có dù chỉ là một sự kiểm soát nào cả không? – điều này không có nghĩa là bạn cứ đắm mình đam mê vào bất cứ thứ gì bạn muốn. Xin bạn hãy đặt câu hỏi này cho chính mình. Có thể nào bạn sống một cuộc sống – vốn hiện tại quá thê thảm, quá máy móc, quá lặp đi lặp lại – mà không có dù là chỉ là một cảm thức về sự kiểm soát nào không?
Điều đó chỉ có thể xảy ra khi nào bạn cảm ngộ một cách hoàn toàn minh mẫn sáng suốt; khi bạn để hết chú tâm vào từng tư tưởng phát sinh – mà không chỉ đắm mình chạy theo tư tưởng. Khi bạn để hết sự chú tâm như thế thì bạn sẽ khám phá ra rằng bạn có thể sống mà không hề có sự xung đột phát sinh từ sự kiểm soát.
Bạn có hiểu điều đó có nghĩa gì không – có một tâm trí đã thấu hiểu sự kiểm soát và sống không hề có dù chỉ là một bóng dáng của xung đột? – đó có nghĩa là sự tự do giải thoát hoàn toàn. Và ta phải có sự tự do giải thoát hoàn toàn đó để đốn kiến cái chân thật vĩnh hằng.
Chúng ta cũng cần nên hiểu sự khác nhau về bản chất giữa tập trung và chú tâm. Hầu hết chúng ta đều biết sự tập trung. Chúng ta học tập ở trường phổ thông, cao đẳng và đại học. Cậu con trai nhìn ra cửa sổ và thầy giáo bảo: “Hãy tập trung vào quyển sách của em”. Và thế là chúng ta biết được tập trung có nghĩa là gì.
Tập trung ngụ ý là đem tất cả năng lực của bạn gom tụ vào một điểm nào đó, nhưng tư tưởng vẫn cứ lang thang vớ vẩn và vì thế bạn có một cuộc chiến không ngừng giữa ước muốn tập trung, ước muốn đem hết năng lực của bạn nhìn vào một trang sách, với cái tâm trí đang lang thang vớ vẩn mà bạn cố gắng kiểm soát. Còn trong chú tâm thì không hề có sự kiểm soát, không hề có sự tập trung nào.
Nó là sự chú tâm hoàn toàn, có nghĩa là để hết toàn bộ năng lực của bạn, thần kinh của bạn, khả năng, năng lực của não bộ, tâm hồn bạn, tất cả mọi thứ vào việc chú tâm. Có lẽ bạn chưa bao giờ hoàn toàn chú tâm như thế. Khi bạn thật sự hoàn toàn chú tâm như vậy thì sẽ không có sự ghi chép và không có hành động nào từ ký ức cả.
Khi bạn đang chú tâm thì bộ não không ghi chép gì cả. Còn khi bạn đang tập trung, đang tạo ra sự cố gắng, thì bạn vẫn mãi cứ hành động từ quá khứ – giống như một đĩa hát cứ lặp đi lặp lại mà thôi.
Hãy hiểu rằng bản chất của não bộ vốn không hề có nhu cầu ghi chép ngoại trừ những gì cần thiết. Ghi nhớ nơi bạn sống và những sinh hoat thực tiễn của cuộc sống là cần thiết. Nhưng những ghi chép bên trong, có tính cách tâm lý, hoặc về sự lăng nhục hoặc về sự tâng bốc v.v… là không cần thiết.
Bạn có bao giờ thử điều này chưa? Nó có thể là hoàn toàn quá mới đối với bạn. Khi bạn có làm thử, thì bộ não, tâm trí sẽ hoàn toàn tự do giải thoát khỏi tất cả mọi sự quy định vậy.