Thiền – Đó là một từ quá phổ thông, một động từ với đầy đủ sức mạnh tâm linh kêu gọi các linh hồn đang lang thang lạc lối.
Nhưng Thiền là gì? Thiền như thế nào? Thiền để đi tới đâu? Thì đa số mỗi người một phách.
Mỗi pháp môn có một cách hướng dẫn riêng. Rất chi tiết, rất kỹ thuật. Và người theo pháp môn này, thường có xu hướng không hiểu hay biết gì về phương pháp của các pháp môn khác. Vì thế khi nói về Thiền, mỗi người nói một kiểu. Làm cho người muốn nghe, muốn học không khác gì lạc vào trong trận đồ. Mông lung không có đường thoát.
Thiền với tôi không phải là một động từ. Thiền là một danh từ, một khái niệm. Khái niệm này được tóm tắt để chỉ một chuỗi những hành động hoặc không hành động, của một người hay một nhóm người. Mục đích làm tăng trưởng sự nhận biết lên tới mức cực đại.
Vì vậy. Thiền với tôi không phải chỉ là ngồi và quán tưởng. Càng không phải là im lặng hay mơ mộng viển vông. Thiền với tôi không phải là động tác, là câu chú, không phải là cách thở, không phải là câu thông được với tầng cõi nào. Dù nói ngược lại, chúng đều là Thiền.
Một người sống trong cuộc đời. Khi được hướng dẫn Thiền bởi một ai đó. Sự hướng dẫn luôn là. Ngồi thẳng lưng. Ngồi trên ghế hoặc ngồi dưới đất. Chân bán già hoặc kiết già. Hít vào thở ra. Thở ra hít vào. Lắng nghe nhịp thở. Yên tĩnh.
Cao cấp hơn sẽ đại khái là. Cảm nhận luân xa. Cảm nhận năng lượng đi vào luân xa 7,6, … Cảm nhận luồng ánh sáng. Không cảm nhận được thì quán tưởng. Hoặc tự tưởng tượng.
Nhưng bản chất của việc ngồi im như một thiền sư. Là điều không thể với một người mới bắt đầu. Khi ngồi im, mọi sự dồn nén bên trong bắt đầu hoạt động. Da bắt đầu ngứa ngáy, chỗ đau bắt đầu nhức nhối. Cơn buồn ngủ kéo đến. Muốn tĩnh, nhưng mọi suy nghĩ, lo lắng, suy tư lại đổ về. Thường ngày, khi người ta bị quên đi bởi các hoạt động thể chất, đi lại, nói cười, … thì lúc này. Khi yên tĩnh, mọi suy nghĩ lo lắng mà người ta muốn trốn chạy lại ùa về.
Vậy là thay vì đi tìm sự giải thoát, thanh thản. Thì cái người ta nhận được là sự căng thẳng, ngứa ngáy, khó chịu.
Tôi chỉ chia sẻ với các bạn suy nghĩ của tôi về khái niệm này. Nó có thể khác với đa số sách vở. Nó cũng có một số quan điểm ngược với những kiến thức về Thiền đã từng được phổ biến.
Thiền là TĨNH hay ĐỘNG?
Nếu xét đoán về bên ngoài. Thiền là Tĩnh. Cơ thể bạn tĩnh lặng. Bạn tìm tới một môi trường tĩnh lặng. Kể cả môi trường đó chưa tĩnh lặng hoàn toàn. Bạn vẫn sẽ biết một số cách lờ nó đi, phớt nó đi. Bạn chỉ toàn tâm toàn ý tập trung vào bên trong.
Nhưng trong thực tế. Khi mới học Thiền. Bạn nhập Thiền trong một môi trường tĩnh lặng với cơ thể tĩnh lặng. Và Tâm trí bạn bắt đầu ĐỘNG. Đây là điều không ai chối bỏ được, trừ những người có căn cơ rất cao.
Tâm trí lúc này ngọ nguậy, tâm trí vùng dậy. Tâm trí lúc này như con ngựa bất kham, nó có thể đá bạn bất kỳ lúc nào nếu bạn tới gần. Bạn càng cố Tĩnh, thì nó càng cố Động. Bạn càng cố Tĩnh, nghĩa là bạn chưa Tĩnh. Cái Tĩnh bên ngoài chỉ là cái vỏ, chỉ là về thể xác. Tinh thần bạn đang hỗn loạn khi Thiền. Cái cố Tĩnh và cái Động bên trong đang cào xé bạn.
Tới một lúc, cơ thể bạn sẽ thấy mệt mỏi với trận chiến. Lưng bạn sẽ mỏi. Tay bạn sẽ mỏi. Mắt xụp xuống. Và bạn sẽ buồn ngủ. Cảm giác buồn chán khi cứ phải chiến đấu với một thứ gì đó là chính mình hiện ra. Bạn còn không định nghĩa được bạn đang chiến đấu với ai nữa. Bạn còn không thể gọi được tên nó là gì. Nó, chính là bạn, nhưng lại không phải bạn.
Nó để cho bạn yên khi bạn chiều theo nó. Nó cần bạn tới những chỗ có năng lượng rung động ở mức độ đậm đặc. Nơi cuộc sống thường ngày của bạn vẫn diễn ra. Bạn không hề cảm thấy sự hiện diện của nó. Nhưng chỉ cần bạn ở trong môi trường tĩnh lặng, với cơ thể tĩnh lặng.
Bạn sẽ thấy ngay nó hiện hữu. Với sức công phá không ngờ. Và trong thời gian đầu của người mới học Thiền, thường họ sẽ chán nản mà bỏ cuộc. Họ chấp nhận thua nó, nhưng đôi khi vẫn giữ cái vỏ với mọi người rằng tôi đã thấy được điều này điều kia khi Thiền. Đó chỉ là một bằng chứng, giúp họ che giấu việc họ đã thất bại.
Vậy thì Thiền là TĨNH hay ĐỘNG?
Từ Thiền nguyên gốc là từ Zazen. Nghĩa là ngồi không, và không làm gì cả. Tư thế ngồi sau đó phát triển thành kỹ thuật ngồi. Trong kỹ thuật ngồi có các chỉ dẫn rất kỹ về chân, tay, mắt, lưỡi, hơi thở.
|
Tư thế ngồi |
Bạn cũng cần có một sự hiểu nhất định về tọa cụ ( đệm ngồi), xả thiền, để bắt đầu. Mục tiêu của bạn không nhất thiết phải là Nhục Thiền (Thiền với những điều kiện xấu như ngồi trên đống sỏi, hay ngồi giữa trời nắng, …). Bạn có thể xem hình để biết thêm về tọa cụ
|
Tọa cụ 1 |
|
Tọa cụ 2 |
|
Bạn có thể ngồi thẳng xuống sàn nhà, không cần tọa cụ nếu thấy thoải mái |
Bạn cũng có thể Thiền nằm, Thiền đứng, Thiền đi bộ, … Và cũng tùy theo từng pháp môn mà sẽ có hướng dẫn tiếp theo về quán tưởng, về cảm nhận luân xa, năng lượng, tập trung vào trì chú, tập trung vào hơi thở, tập trung vào âm thanh, …
Đây hoàn toàn là những cách, những kỹ thuật hỗ trợ bạn trong lúc ban đầu. Khi bạn một mình chiến đấu với chính mình, và đa số là thua cuộc. Thì những kỹ thuật này như những vũ khí tiếp thêm cho bạn sức mạnh. Sự hiệu quả tức thời này, là việc đánh lạc hướng chính bạn. Bạn sẽ có thứ để tập trung, thay vì quan tâm tới những gì đang bùng nổ trong tâm trí. Bạn dùng một cái ĐỘNG khác để quên đi cái ĐỘNG đang có.
Vì vậy, lời khuyên của tôi là khi bạn mới bắt đầu Thiền. Hãy sử dụng các sự hỗ trợ nếu tự bạn không vượt qua được sự hỗn loạn của tâm trí. Sự hỗ trợ tốt nhất theo tôi là âm thanh. Hãy sử dụng một âm thanh đều và ngân như tiếng chuông. Bạn hãy tự tay đánh từng tiếng một cứ cách vài phút. Hãy tập trung vào âm thanh tới khi nó tắt hẳn. Và hãy chìm vào sự im lặng sau khi âm thanh dứt hẳn đó trong chốc lát. Lặp đi lặp lại động tác này. Và hãy tập trung vào nó.
Sự hỗ trợ tốt tiếp theo là nhịp thở. Bạn hãy tập trung vào nhịp thở. Hãy hiểu sâu sắc về một nhịp thở, và dõi theo nó trong suốt quá trình Thiền. Chỉ tập trung vào nó thôi.
Các sự hỗ trợ khác như tụng kinh, trì chú, quán tưởng năng lượng, … đều rất tốt. Các bạn hoàn toàn có thể tùy ý áp dụng cho mình nếu phù hợp. Nhưng nên nhớ. Đó không phải là mục đích. Đó chỉ là công cụ. Và công cụ đó giúp bạn tĩnh lặng từ bên trong.
Khi bạn đã hiểu chữ Thiền. Nghĩa là bạn đã thực hành trong yên lặng đủ lâu. Bạn sẽ thấy rằng hiểu, không có nghĩa là có thể diễn đạt được chỉ trong vài từ. Nhưng hiểu là hiểu. Thế là đủ.
Với sự yên tĩnh bên ngoài, bạn sẽ có một chút sự yên tĩnh bên trong. Sự yên tĩnh bên trong sẽ tăng dần lên cùng với sự chăm chỉ luyện tập của bạn. Tới một lúc, sự yên tĩnh bên trong và bên ngoài không còn khoảng cách, và bạn biến mất. Đó chính là Thiền.
“Thiền là một danh từ, một khái niệm. Khái niệm này được tóm tắt để chỉ một chuỗi những hành động hoặc không hành động, của một người hay một nhóm người. Mục đích làm tăng trưởng sự nhận biết lên tới mức cực đại.”
Theo Thiền tông, thì mức cực đại ở đây, chính là điểm tuyệt đối khi biên giới giữa bên trong và bên ngoài biến mất. Còn với Mật tông, mức cực đại lại là thời điểm thăng hoa năng lượng trong bản thể của bạn.
Khi năng lượng của 7 luân xa của bạn hòa làm một. Nếu nhìn với Tuệ Nhãn, bạn sẽ thấy mỗi luân xa có 7 phần, như 7 cánh của một bông hoa xoanh quanh 1 cái nhị. Tương ứng với 7 mức năng lượng. Mức cực đại xảy tới khi 7 cánh hoa hợp nhất, không có phân chia. 7 luân xa cũng hợp nhất, không phân chia. Năng lượng trong cơ thể bạn không phải bắt đầu từ Luân xa 1 nữa. Nó cũng không đi tới điểm cuối là Luân xa 7 nữa.
Không có sự phân biệt nào cả, không bắt đầu, không kết thúc. Với Công giáo, với Jesus, mức cực đại đó chính là khi ông nói bạn đã hòa nhịp cùng Thiên chúa (God).
Và bạn sẽ tiếp tục nhận biết thêm nữa. Tôi sẽ nói về vấn đề này sau, khi giải thích với bạn rằng, trên cả Luân xa 7, bạn còn những Luân xa tiếp nữa phía trên, không nằm trên cơ thể bạn.
Nhưng, Thiền không phải là công cụ để đạt những mục đích như tôi mô tả ở trên. Những việc đó sẽ tới với tùy người, tùy lúc, tùy Duyên. Hãy nhớ rằng thiền là một quá trình tăng trưởng sự nhận biết. Và Phật không hề ngẫu nhiên khi nói tới khái niệm: hoa nở từ tâm. Đó là một sự thật, một sự nở hoa từ bên trong. Nhưng Phật đã rất tinh tế, đầy hình tượng và sự truyền cảm với những câu nói của mình.
Thiền cũng không sung sướng như nhiều người nghĩ. Bởi khái niệm sung sướng của những người chưa hành Thiền, ăn Thiền, sống Thiền khác xa với khái niệm có được hỷ lạc trong Thiền. Những nỗi niềm ăn ngon, mặc đẹp, nhà cao, cửa rộng, … đều không có trong Thiền. Thiền cũng không mang lại tiền bạc, công danh, sự nghiệp, hay đáp ứng một lời cầu xin nào đó từ ai đó trông đợi.
Bạn sống trong cuộc đời, bạn nghĩ mình là một cốc nước đầy, nhưng luôn vơi hơn một ai đó. Đến với Thiền, bạn cần đổ bớt đi một chút nước, hoặc đổ hết. Bạn sẽ không nhận được thứ nước khác. Bạn sẽ chỉ nhận được không khí có trong cốc. Với một số người, đó là điều không thể chấp nhận được. Và đó là Thiền. Thiền không phải ngửa tay để mọi thứ rơi vào, mà Thiền là buông tay để mọi thứ rơi ra.
Thiền không hề thoải mái trong thời gian đầu. Bạn đã sống quá lâu ở một môi trường ồn ào, và khi bạn bước chân vào môi trường yên tĩnh. Bên trong bạn luôn muốn kéo bạn trở lại. Bạn đứng giữa hai căn phòng, lúc bạn ở phòng này, lúc bạn ở phòng kia. Thời gian đầu, bạn ở căn phòng ồn ào nhiều hơn. Khi bạn bị sự ồn ào làm căng thẳng, khi bạn muốn nổ tung. Căn phòng yên tĩnh là nơi bạn muốn an trú trong giây lát. Để giảm nhẹ, để xoa dịu, để xả ra một chút những gì khó chịu quá mức. Để rồi, bạn lại bước chân vào căn phòng ồn ào, và tiếp tục cuộc sống của bạn.
Thường, những người đến với Thiền như một sở thích. Như một người lên Chùa vãn cảnh. Để rồi lại quay về với đời sống bình thường. Đó là đã là một điều rất đáng trân quý. Nhưng “Thiền” ở đây đang chỉ là một thú vui, một viên kẹo ngậm khi đắng miệng. Bạn là người nghĩ về Thiền như vậy, bạn đã là người có Duyên. Và trong cuộc sống, mọi thứ với bạn vẫn ổn. Có thể bạn có căng thẳng, có nỗi buồn. Nhưng nó chỉ là một sự căng thẳng bình thường, nỗi buồn bình thường. Bạn vẫn còn nhiều niềm vui, bạn vẫn có gia đình, bạn bè, tương lai.
Nếu các bạn bước chân vào sâu hơn, nghĩa là Duyên của các bạn đã lớn hơn những người tôi vừa nói tới ở trên. Duyên những cũng là Nghiệp.
Duyên thì kéo đi, còn Nghiệp thì kéo lại. Bạn thì đứng giữa. Hai khái niệm Duyên và Nghiệp này tôi sẽ nói tới trong những bài khác. Nhưng ở đây, đó là hai tác nhân vô hình quan trọng trong cuộc sống của bất kỳ ai. Nghiệp có từ trước khi bạn ra đời, nó đi theo bạn, tổng hợp từ những gì xảy ra trong quá khứ của bạn. Nói cách khác, nó là những gì đã có. Duyên là những thứ nẩy nở từ những suy nghĩ, hoạt động, di chuyển của bạn trong cuộc sống. Nếu Duyên của bạn lớn hơn Nghiệp, bạn sẽ vẫn ổn. Nhưng nếu Nghiệp của bạn lớn hơn Duyên, bạn sẽ bị kéo lại – như chiếc xe kẹt phanh khi đang đi trên đường, dù bạn gắng sức đạp.
Và khi đó, tôi cũng gọi đó là Duyên. Duyên là Nghiệp, Nghiệp là Duyên là như vậy.
Trong những trường hợp này, bạn không có nhiều niềm vui trong cuộc sống. Nói cách khác, bạn đau khổ, bạn mất mát, bạn đổ vỡ. Mọi thành công đều rời xa bạn. Mọi thứ trong cuộc đời mà bạn cho là quý giá đều chia tay với bạn.
Hãy nhìn cốc nước của bạn xem. Bạn không cần cố gắng, ai đó đã tự đổ hộ bạn. Bạn đau khổ vì cốc của bạn ít nước hơn cốc của người khác. Bạn ao ước cốc nước của mình đầy, bạn khát khao. Và bạn cầu xin.
Hãy nghĩ về một con tầu chìm giữa đại dương cần tới ngọn hải đăng biết bao nhiêu, trong khi lúc bình thường đó chẳng bao giờ là một nhu cầu. Hãy nghĩ về người ngã xuống mỏm đá đang ao ước giá như có lan can để mình bám vào. Hãy nghĩ về người phụ nữ đang ao ước có đứa con mà cô ta không thể có được. Hãy nghĩ về một cuộc đời nghèo khó đang ước ao giá như sinh ra trong một gia đình giầu có.
Nếu như cốc nước của bạn đầy, bạn chẳng bao giờ cần nghĩ tới việc xin ai đó để cho nó đầy. Nhưng nếu nó vơi dù chỉ một chút. Bạn sẽ ước ao để cho nó đầy. Sự vơi một chút này rất khó diễn giải, và sự đầy lại càng khó hơn.
Chẳng ai trong số chúng ta là cốc nước đầy. Nhưng ai đó cũng tưởng người khác là cốc nước đầy. Đó chính là nguồn gốc cho sự bất hạnh của nhân loại. Các bạn hãy nhìn vào câu truyện của ông Phật. Vị trí của ông là được cho là một cốc nước đầy. Thời điểm ông dứt áo ra đi, chính là thời điểm ông đổ nước, quăng cốc, vứt bỏ tất cả để đi tìm nguồn gốc của sự đau khổ. Đây là một hành động mang tính biểu tượng. Và ông là một người đặc biệt.
Vậy thì các bạn, những người đau khổ, những cốc nước vơi. Các bạn cầu xin ai trong những lúc khốn cùng? Các bạn sẽ cầu xin các Đấng Thiêng Liêng Cao Cả, cầu xin Phật, Jesus, God, … bất cứ ai vô hình, trong thế giới vô hình mà các bạn có thể tưởng tượng được. Và đó là lúc Duyên của bạn bắt đầu Khởi.
Lúc này, mới là lúc Thiền bắt đầu chảy vào bên trong bạn. Tưới mát bạn. Nâng đỡ bạn. Giúp cho bạn nhận biết.